Khai thác tối đa tiềm năng hợp tác thủy sản Việt Nam – Hà Lan (25-11-2024)

 Với mong muốn khai thác tối đa tiềm năng hợp tác thủy sản giữa hai nước Việt Nam - Hà Lan, nhất là hợp tác phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long, sáng 25/11/2024, tại Hà Nội, Cục Thủy sản (D-Fish) đã vui mừng đón tiếp và làm việc với đoàn đại biểu của Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam.
Khai thác tối đa tiềm năng hợp tác thủy sản Việt Nam – Hà Lan

Buổi họp đã diễn ra trong bầu không khí của một cuộc hội nghị bàn tròn mà tại đó hai bên có thể cởi mở nêu lên những kỳ vọng của mình trong việc xây dựng chương trình hợp tác (Combitrack Vietnam) cũng như thảo luận sôi nổi, nhiệt tình và chia sẻ thông tin chi tiết, bàn bạc kỹ lưỡng về tiềm năng hợp tác phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ông Trần Đình Luân – Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) đã đánh giá cao mối quan hệ hợp tác này.

Việt Nam luôn mong muốn học hỏi nhiều hơn nữa kinh nghiệm sản xuất và quản lý ngành, học tập các kỹ thuật khoa học tiên tiến, công nghệ hiện đại mà nhờ đó Hà Lan đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn trong lĩnh vực thủy sản nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung. Đến tham dự hội nghị, phía Hà Lan có các thành viên của Bộ Nông nghiệp, Thủy sản, An ninh lương thực và Thiên nhiên Hà Lan (Ministry of Agriculture, Fisheries, Food security and Nature of the Netherlands), Bộ Ngoại giao Hà Lan, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam, một số đại diện doanh nghiệp Hà Lan, Dự án tôm (Project ShrimpTech Vietnam), Dự án cá tra (Project Pangasius) và các dự án MACIBS, EY4F, đầu tư quốc tế…

Đón tiếp đoàn công tác Hà Lan, về phía Việt Nam có đại biểu đến từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Thủy sản (Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Phòng Nuôi trồng thủy sản, Phòng Giống và Thức ăn thủy sản, Trung tâm Thông tin thủy sản), Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I. Cùng tiếp đoàn Hà Lan còn có lãnh đạo của các hội/hiệp hội: Hội Thủy sản Việt Nam (VINAFISH), Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cùng các chuyên gia đầu ngành thủy sản và một số doanh nghiệp thành viên của các hiệp hội.

Tại hội nghị bàn tròn, hai bên đã thảo luận những tiềm năng hợp tác trong tương lai phù hợp với chiến lược phát triển ngành Thủy sản Việt Nam và chương trình nghị sự hợp tác song phương trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và Hà Lan. Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, tại Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, Việt Nam đã xác định “phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số Việt Nam, mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam: đóng góp 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% sản lượng cá xuất khẩu...Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển Đồng bằng sông Cửu Long. Vùng đất này đã có sự phát triển rõ rệt, đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ, đảm bảo phục vụ tốt hơn cho các hoạt động kinh tế - xã hội; đã khẳng định được vị thế là trung tâm sản xuất, xuất khẩu thủy hải sản hàng đầu của Việt Nam.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với thay đổi của tự nhiên. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo, gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế và đời sống của người dân. Cục trưởng Trần Đình Luân hy vọng rằng Hà Lan với kinh nghiệm phát triển của một quốc gia nằm dưới mực nước biển, có thể chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với điều kiện tự nhiên bất lợi, tăng khả năng thích ứng cho ngành nông nghiệp trước những tác động của biến đổi khí hậu.

Sau buổi thảo luận hết sức tích cực về các vấn đề có thể hợp tác, cần hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan để giải quyết và lấp đầy các khoảng trống trong nuôi trồng thủy sản, thúc đẩy ngành thủy sản phát triển bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long, Cục trưởng Cục Thủy sản một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ông cho biết, cũng tại Nghị quyết 120, Việt Nam đã xác định xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể là, xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo ba trọng tâm: thủy sản - cây ăn quả - lúa gắn với các tiểu vùng sinh thái, trong đó coi thủy sản (nước ngọt, nước lợ, nước mặn) là sản phẩm chủ lực.

Cục trưởng Trần Đình Luân nhận định, buổi gặp mặt và làm việc hôm nay là một cơ hội lớn trong việc hợp tác phát triển ngành Thủy sản Việt Nam nói chung và phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Ông khẳng định những sáng kiến của Hà Lan về đầu tư, đào tạo, tập huấn… là những kiến thức hết sức quý giá. Ngành Thủy sản Việt Nam đã quyết tâm thay đổi, tận dụng tối đa các nguồn lực hợp tác kinh tế - xã hội, tập hợp tất cả các kết quả nghiên cứu, thành tựu tiên tiến để nhân rộng. Đặc biệt, thông qua mối quan hệ hợp tác, kết nối với các đối tác chiến lược (như Hà Lan) sẽ giúp ngành Thủy sản Việt Nam chuyển mình nhanh chóng, sớm đạt được mục tiêu phát triển Xanh – Sạch – Bền vững.

Ngọc Thúy - FICen 

Ý kiến bạn đọc