Phía Việt Nam có các đại biểu đến từ Phòng Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Nuôi trồng thủy sản, Giống và Thức ăn thủy sản, Khai thác thủy sản; Trung tâm Thông tin thủy sản. Phái đoàn SEAFDEC (Thái Lan) có ba thành viên quan trọng gồm: Bà Malinee Smithrithee – Tổng Thư ký SEAFDEC kiêm Trưởng Khoa Đào tạo; Ông Worawit Wanchana – Điều phối viên Chương trình và Chính sách, Ban Thư ký SEAFDEC; Ông Isara Chanrachkij – Trưởng phòng Quản lý và Kế hoạch Dự án, Khoa Đào tạo SEAFDEC.
Mở đầu, phía SEAFDEC giới thiệu ngắn gọn về sứ mệnh cũng như các hoạt động chủ yếu của Trung tâm Phát triển Thủy sản Đông Nam Á (SEAFDEC). Theo đó, SEAFDEC là cơ quan liên chính phủ tự trị được thành lập vào năm 1967. Nhiệm vụ chính là “Thúc đẩy và tạo điều kiện cho các hành động phối hợp giữa các Quốc gia Thành viên nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của các hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản ở Đông Nam Á”. Hiện SEAFDEC có 11 quốc gia thành viên (trong đó có Việt Nam). Trung tâm này hoạt động thông qua Ban Thư ký đặt tại Thái Lan.
Ban Thư ký SEAFDEC được giao nhiệm vụ điều phối và giám sát chính sách chung và lập kế hoạch cho SEAFDEC, đồng thời đóng vai trò là đầu mối để phân luồng và thực hiện các quyết định và nghị quyết của Hội đồng Giám đốc SEAFDEC. Ngoài ra, Ban Thư ký cũng tổ chức các cuộc họp định kỳ của SEAFDEC để nhận chỉ thị và hướng dẫn từ các Quốc gia Thành viên về hoạt động của tổ chức, cũng như các cuộc họp và tham vấn kỹ thuật khu vực về các vấn đề theo khuyến nghị của các Quốc gia Thành viên.
Thảo luận theo chủ đề đã định trước
Tại buổi làm việc, hai bên đã thảo luận một số vấn đề, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản, khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, cơ sở dữ liệu thủy sản… Cụ thể là, thảo luận về các lĩnh vực mà ngành Thủy sản hai nước đang hợp tác; các dự án nghiên cứu chung đang được triển khai; các cuộc điều tra có sử dụng tàu nghiên cứu của SEAFDEC; hợp tác nâng cao năng lực; chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm… Ngoài ra, hai bên cùng nhau nghiên cứu, khám phá các cơ hội mới, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quản lý thủy sản, đánh giá trữ lượng nguồn lợi thủy sản, các phương pháp tiếp cận dựa trên hệ sinh thái, ứng dụng công nghệ tiên tiến.
Về thách thức và cơ hội hợp tác Việt – Thái, hai bên đã cùng nhất trí nhìn nhận một số thách thức trong lĩnh vực thủy sản mà các nước thành viên SEAFDEC nói chung và Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt, đó chính là: Nạn đánh bắt quá mức; hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU); tác động của biến đổi khí hậu; biến động thị trường.
Sau đó, Cục Thủy sản và SEAFDEC đã trao đổi, bàn bạc, tìm kiếm giải pháp cũng như chia sẻ kinh nghiệm giúp tháo gỡ các khó khăn. Đồng thời, xác định những cơ hội hợp tác mới, nhờ đó giúp Việt Nam vượt qua mọi thách thức, ví dụ như: Tập huấn triển khai sử dụng Nhật ký khai thác điện tử phục vụ cho mục tiêu phát triển thủy sản bền vững; Thúc đẩy hoạt động khai thác và nuôi trồng thủy sản phát triển, hướng tới nghề cá có trách nhiệm…
Tại buổi làm việc, hai bên đã nêu bật tầm quan trọng của việc phối hợp, hợp tác khu vực Đông Nam Á trong việc quản lý các nguồn lợi thủy sản và giải quyết các vấn đề xuyên biên giới. Cùng với đó, hai bên đã thảo luận về các sáng kiến của SEAFDEC, nền tảng và mạng lưới hợp tác giữa các nước thành viên; khám phá các cơ hội để tăng cường hơn nữa sự hợp tác khu vực trong các lĩnh vực như các chương trình/dự án nghiên cứu chung; chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa hai bên…
Theo kế hoạch, hai bên sẽ liên tục cập nhật Dự án rong biển (GEF/WWF Seaweed Project) và Dự án vịnh Thái Lan (GEF/FAO/Gulf of Thailand Project); Chia sẻ các chương trình và dự án sắp triển khai của SEAFDEC; Thảo luận các lĩnh vực mà SEAFDEC có thể hỗ trợ thêm cho Việt Nam nhằm hướng tới phát triển thủy sản bền vững.
Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân hy vọng mối quan hệ hợp tác Việt – Thái sẽ phát triển lên tầm cao mới; Việt Nam sẽ nhận được nhiều hơn nữa những bài học kinh nghiệm và sự chia sẻ, hợp tác, hỗ trợ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến. Về phía Thái Lan, rất mong là trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự chia sẻ của Việt Nam với những phần mềm/cơ sở dữ liệu có thể phục vụ tốt cho công tác quản lý. Cuộc thảo luận nhìn chung đã thu được những kết quả tích cực đúng với nội dung làm việc đã được thống nhất giữa hai bên.
Dự kiến trong thời gian sớm nhất Cục Thủy sản và SEAFDEC sẽ có một buổi làm việc (trực tuyến) với các thành viên là đại diện Vụ Khai thác thủy sản, Trung tâm Thông tin thủy sản (Cục Thủy sản) và Viện Nghiên cứu Hải sản.
Ngọc Thúy - FICen