Hợp tác phát triển nuôi hàu Việt – Nhật (15-02-2023)

Hàu là một trong những sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh vỏ có tiềm năng lớn trong xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, được sản xuất nhiều tại các tỉnh ven biển Việt Nam như Quảng Ninh, Khánh Hoà, Vũng Tàu... Tuy nhiên, hàu của Việt Nam hiện được tiêu thụ nội địa là chủ yếu, lượng xuất khẩu chưa nhiều.
Hợp tác phát triển nuôi hàu Việt – Nhật

Nhằm thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị Hàu, hướng đến xuất khẩu thị trường quốc tế. Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thuỷ sản bền vững (ICAFIS) đã hợp tác với Công ty Yamanaka và Tổ chức JICA của Nhật Bản phối hợp triển khai hoạt động “Đánh giá tiền khả thi dự án chuỗi giá trị Hàu hướng đến xuất khẩu thị trường Nhật Bản”.

Hội thảo “Tiềm năng chuỗi giá trị Hàu tại Việt Nam - Nhật Bản” ngày 14/2 tại TP.HCM

Ngày 14/2 tại TP Hồ Chí Minh, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Công ty cổ phần Yamanaka (thành phố Ishinomaki, tỉnh Miyagi, Nhật Bản) đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Kỹ thuật nuôi hàu và Quản lý vệ sinh”. Hội thảo có sự tham gia của khoảng 50 đại biểu, với nhiều đại biểu đến từ các cơ quan hữu quan và viện nghiên cứu của Việt Nam.

Hội thảo chia sẻ về tình hình nuôi hàu tại Việt Nam, chất lượng nước, kết quả xét nghiệm vi sinh và kết quả nuôi thử nghiệm, cũng như các kỹ thuật nuôi trồng thủy sản và phương pháp quản lý vệ sinh ở tỉnh Miyagi - nơi nghề nuôi hàu đang phát triển mạnh. Các chuyên gia Nhật Bản từ các hiệp hội và công ty chuyên về thủy sản, quản lý vệ sinh, vi sinh… đã được mời đến để thảo luận về công nghệ nuôi hàu và quản lý vệ sinh tại Nhật Bản, biện pháp ứng dụng kỹ thuật nuôi hàu của tỉnh Miyagi vào môi trường tại Việt Nam.

Ông Ihara Hidenori, Phó trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam hy vọng Hội thảo này sẽ là cơ hội để lan tỏa kỹ thuật nuôi hàu có giá trị gia tăng và năng suất cao, giúp tăng thu nhập cho người dân nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam trong tương lai.

Chính phủ Việt Nam đặt ra mục tiêu tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế của ngành nông, lâm, thủy sản; trong đó, nâng cao thu nhập của người nuôi trồng thủy sản thông qua phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tăng năng suất nuôi trồng thủy sản. Sản lượng thủy sản đã tăng gấp 4 lần trong 10 năm qua, trong đó lượng sản xuất và tiêu thụ hàu nội địa đều gia tăng.

Tuy nhiên, hàu của Việt Nam hiếm khi được xuất khẩu và vẫn đang gặp những vấn đề như năng suất thấp, chưa có cơ sở hạ tầng nuôi hàu có khả năng chống chọi với thiên tai và có thể sản xuất hàu chất lượng cao (để có thể ăn sống). Do đó, cần phải cải thiện công nghệ nuôi hàu, phương pháp quản lý vệ sinh, cũng như tiếp thị và phát triển các kênh bán hàng.

Hiện Công ty cổ phần Yamanaka là doanh nghiệp xuất khẩu hải sản, có trụ sở chính tại tỉnh Miyagi, nơi nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh. Năm 2019, công ty đã thành lập cơ sở tại Việt Nam và đang mở rộng hoạt động kinh doanh. Dự án này sẽ sử dụng các công nghệ của Công ty Yamanaka nhằm nâng cao nhận thức về kỹ thuật nuôi hàu và các tiêu chuẩn quản lý vệ sinh ở Việt Nam, nâng cao năng suất và gia tăng giá trị của nghề nuôi hàu, xây dựng cơ sở nuôi trồng thủy sản có khả năng chống chọi với thiên tai ở Việt Nam và nâng cao thu nhập của người nuôi hàu tại địa phương.

Về phía JICA đã cam kết trong thời gian tới tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của ngành nông nghiệp và thủy sản Việt Nam, thông qua việc tăng cường chuỗi giá trị, hỗ trợ tạo ra các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản có giá trị gia tăng cao.

Nhật Bản hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực nuôi hàu ăn sống

Ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc ICAFIS nhận định: Điểm yếu của ngành hàu Việt Nam là khó khăn trong quản lý nguồn nước để nuôi hàu sạch hướng đến xuất khẩu, công nghệ chế biến sau thu hoạch chưa cao, chưa có công nghệ đảm bảo được chất lượng thịt và chống chịu thiên tai, cùng với việc thiếu nguồn giống tốt...

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 (RIA2) cho biết, điểm quan trọng là phải xác định chính xác giống hàu phù hợp để nuôi theo các phương pháp của Nhật Bản. Hiện hai giống hàu được nuôi nhiều tại Việt Nam là hàu Thái Bình Dương (thường được mua giống từ Đài Loan, Nhật Bản) và hàu đá. Vì nhiệt độ nước biển trung bình quanh năm 28-30oC nên rất khó lấy giống tự nhiên, do đó người nuôi chủ yếu mua giống từ các trung tâm nhân giống. Trong khí đó, có rất ít trung tâm nhập giống về mà thường tiếp tục tạo giống để bán từ các thế hệ sau, khiến hiện tượng cận huyết cao, khiến năng suất giảm. Với việc hợp tác dự án Việt-Nhật, các chuyên gia Nhật Bản sẽ góp phần cải thiện nguồn giống hàu nuôi tại Việt Nam.

Theo đề xuất của phía Nhật Bản, để đạt chất lượng hàu ăn sống và xuất khẩu, phương pháp nuôi treo được nước này sáng tạo từ năm 1925 và công nghệ nuôi lồng Australia là phù hợp. Phương pháp nuôi treo có hiệu quả trong môi trường nước sâu, ưu điểm chống chịu thiên tai, bão tố (như các tỉnh miền Trung của Việt Nam thường gặp). Trong khi phương pháp lồng dùng các lồng nổi giáp mặt nước để hàu ăn động vật phù du. Các lồng lợi dụng dòng chảy và gió để hàu lắc lư nhiều, giúp làm sạch vỏ, mang đến hình dạng đẹp, phục vụ cho ăn sống.

Hội thảo “Tiềm năng chuỗi giá trị Hàu tại Việt Nam - Nhật Bản” ngày 16/2 tại TP.Nha Trang

Trong khuôn khổ dự án hợp tác giữa hai bên "Khảo sát tính khả thi của việc áp dụng kỹ thuật nuôi hàu ăn sống và kỹ thuật quản lý vệ sinh nhằm phát triển ngành nuôi hàu ở Việt Nam, hướng tới hình thành dự án kinh doanh”, Công ty cổ phần Yamanaka cho biết đã nghiên cứu tính khả thi trong việc chuyển giao công nghệ và xây dựng các tiêu chuẩn quản lý vệ sinh trong ngành nuôi hàu ăn sống (từ tháng 6/2022 tại tỉnh Khánh Hòa). Kết quả bước đầu được công bố ngày 14/2 cho hay, hai phương pháp nuôi của Nhật Bản sau khi tiến hành thử nghiệm mang lại kết quả tốt: Hàu phát triển ổn định, tỷ lệ chết không đánh kể. Ông Shinji Takada - Tổng Giám đốc Công ty Yamanaka hy vọng thành lập được nền tảng nuôi hàu kháng thiên tai để nâng cao năng suất nuôi trồng, tăng giá trị sản phẩm bằng cách cải thiện các tiêu chuẩn quản lý vệ sinh; đồng thời nâng cao thu nhập cho người nuôi.

Mới đây, Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thuỷ sản bền vững (ICAFIS) cũng đã công bố kết quả khảo sát, theo đó cho biết Việt Nam có gần 3.000 ha nuôi hàu (tại 20/28 tỉnh thành ven biển), chủ yếu ở cửa sông hoặc bãi triều, nhiều nhất ở Khánh Hòa và Quảng Ninh. Nghề nuôi hàu hiện mang lại thu nhập khá tốt. Tại Khánh Hòa, theo tính toán của ICAFIS, một bè hàu được đầu tư khoảng 45 triệu đồng bao gồm chi phí giống và nhân công. Doanh thu mỗi vụ dao động từ 30-50 triệu đồng/bè. Mỗi hộ thường có 3-5 bè và nuôi được 3 vụ mỗi năm. Tuy nhiên, giá trị gia tăng của hàu tại Việt Nam vẫn thấp và được các chuyên gia thống nhất đánh giá là “chưa khai thác hết tiềm năng”. Ví dụ như tại Khánh Hòa, đa số hàu thương phẩm được dùng làm thức ăn cho tôm hùm (chiếm tới 95%); 4% dùng làm thực phẩm tiêu thụ tại thị trường nội địa và chỉ 1% dành cho xuất khẩu.

Trong khuôn khổ triển khai hoạt động, nhằm chia sẻ và giới thiệu những nghiên cứu, phương pháp nuôi trồng và quản lý vệ sinh trong ngành nuôi hàu nói riêng và ngành thuỷ sản nói chung tại Việt Nam và Nhật Bản, Trung tâm ICAFIS sẽ tổ chức hội thảo “Tiềm năng chuỗi giá trị Hàu tại Việt Nam - Nhật Bản” vào ngày 16 tháng 02 năm 2023 tại thành phố Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà). Qua đó, tìm hiểu về việc thực hiện các nghiên cứu điển hình và những phương pháp nuôi trồng thuỷ sản, quản lý vệ sinh ở tỉnh Miyagi, đặc biệt là tầm quan trọng của quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc