Thúc đẩy hợp tác thủy sản Việt Nam - Châu Phi (08-06-2022)

Với quy mô dân số lớn, nhu cầu tiêu dùng cao trong khi sản xuất nội khối chưa phát triển, Châu Phi được nhận định là thị trường tiềm năng cho nhiều loại hàng hoá, trong đó có hàng thủy sản.
Thúc đẩy hợp tác thủy sản Việt Nam - Châu Phi
Ảnh minh họa

Để thúc đẩy kết nối, hợp tác khai thác thủy sản Việt Nam - Châu Phi  ngày 11/10/2021, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tiếp đoàn đại biểu của Liên hiệp Hợp tác Kinh tế Việt Nam - Châu Phi để cùng nhau xem xét, trao đổi về việc đưa tàu cá của Việt Nam đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước Châu Phi. Liên quan đến hoạt động khai thác viễn dương, Việt Nam đã ban hành các văn bản quy định cụ thể các nội dung này như sau:

Điều 53-54 Luật Thủy sản 2017 (được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2017); Quyết định số 1047/QĐ-TTg ngày 17 tháng 08 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển nghề khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển một số nước”; Điều 46 Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản 2017.

Để tư vấn xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Châu Phi, ngày 26/5/2022, Cục Xúc tiến thương mại đã phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại Châu Phi tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu thủy sản sang thị trường này. Sự kiện được tổ chức trực tiếp tại Bà Rịa - Vũng Tàu với sự tham gia hỗ trợ của Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom và phổ biến fanpage Facebook Cục Xúc tiến thương mại. Đây cũng chính là một trong các nội dung của Chương trình cấp quốc gia về Xúc tiến thương mại năm 2022.

Tại phiên tư vấn, đại diện các Thương vụ Việt Nam tại Châu Phi đã thông tin về tình hình một số thị trường thủy sản quan trọng của Việt Nam ở Châu Phi như Ai Cập, Algeria, Nam Phi, Nigeria; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận những thông tin cập nhật về các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu thủy sản của thị trường các nước Châu Phi.

Bên cạnh đó, các chuyên gia còn tư vấn, giải đáp các vấn đề doanh nghiệp quan tâm liên quan đến việc xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản với thị trường Châu Phi (như: yêu cầu đối với chất lượng và phẩm cấp hàng hóa, phương thức thanh toán, cách thức vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, giải quyết các vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình xuất nhập khẩu). Phiên tư vấn cũng có sự tham dự của đại diện các nhà nhập khẩu thủy sản đến từ Tập đoàn quốc tế thương mại và Công ty El Nopy ở Ai Cập, chia sẻ những thông tin về thị trường và các yêu cầu nhập khẩu đối với sản phẩm cá ngừ đóng hộp và cá basa.

Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với 54 quốc gia Châu Phi

Châu Phi có quy mô dân số lớn, chủ yếu là lực lượng lao động trẻ, liên kết khu vực và quốc tế gia tăng, Châu Phi đang vươn mình trở thành một trong những trung tâm tăng trưởng quan trọng của thế giới. Thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Châu Phi đã tăng gấp gần 3 lần trong vòng một thập kỷ qua. Hàng hóa của Việt Nam có mặt tại hầu hết các nước Châu Phi, trong đó, các thị trường lớn là Nam Phi, Ai Cập, Ghana, Algeria, Bờ Biển Ngà… Nhiều năm qua, tham gia thực hiện Chương trình hợp tác Nam – Nam (Việt Nam và các nước Nam Châu Phi), Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã huy động được 2.000 lượt chuyên gia của ngành Nông nghiệp Việt Nam sang giúp đỡ các nước Châu Phi.

Với quy mô dân số lớn khoảng 1,3 tỷ người, đặc biệt có nhu cầu nhập khẩu cao nhiều loại mặt hàng phù hợp với hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, Châu Phi thực sự là khối thị trường mang lại đa dạng cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Tính đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ thương mại với tất cả 54 quốc gia ở khu vực Châu Phi, trao đổi thương mại hai chiều đã có mức tăng trưởng khả quan trong những năm qua. Năm 2020, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Châu Phi đạt 6,7 tỷ USD. Năm 2021, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam các nước Châu Phi đạt hơn 7 tỷ USD.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, trong 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Châu Phi đạt 591,7 triệu USD. Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Châu Phi đạt giá trị 447,1 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Châu Phi gồm hàng công nghiệp, nông nghiệp (cà phê, chè, hạt tiêu, thủy sản)...

Về mặt hàng thuỷ sản, các loại cá nước ngọt ngày càng được người dân Châu Phi ưa dùng do thay đổi thói quen tiêu dùng thịt sang các loại thuỷ sản. Hơn nữa, năng lực đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của các nước trong khối nhìn chung không cao. Vì vậy, tiềm năng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường các nước Châu Phi được đánh giá là rất lớn, nhưng đại diện Thương vụ Việt Nam tại nhiều quốc gia Châu Phi vẫn khuyến cáo: Doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng trong giao thương với đối tác Châu Phi.

Hiện các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tích cực tiếp cận và thâm nhập sâu hơn vào thị trường đầy hứa hẹn Châu Phi, nhưng có không ít vướng mắc cần tháo gỡ, như thiếu thông tin về môi trường, tập quán kinh doanh, pháp lý, hệ thống chính sách và cơ chế thương mại, dẫn đến nhiều rủi ro đầu tư. Chính vì vậy, Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã tổ chức hội thảo “Chung tay vì Châu Phi xanh” và lễ ra mắt Liên hiệp Hợp tác Kinh tế Việt Nam - Châu Phi (VAECA) vào đúng dịp kỷ niệm 58 năm Ngày Châu Phi (25/5/1963 – 25/5/2021).

VAECA là cầu nối gắn kết mối quan hệ giữa Việt Nam với các quốc gia Châu Phi thông qua các hoạt động thương mại, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp, đầu tư, du lịch… VAECA hướng tới trở thành biểu tượng của niềm tin, cây cầu của tình hữu nghị và hợp tác kinh tế giữa Việt Nam các nước Châu Phi trên nền tảng hợp tác, chia sẻ, tổng hợp sức mạnh riêng của từng nước trên con đường tiến tới hòa bình, thịnh vượng. VAECA đồng thời là diễn đàn gắn kết và điểm đến của các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức có chung mục tiêu thúc đẩy hợp tác phát triển, tạo dựng quan hệ đối tác chiến lược, phát huy lợi thế cạnh tranh, phối hợp hành động song phương và đa phương, hướng tới cải cách kinh tế sâu rộng và chủ động hội nhập vào nền kinh tế thế giới, đóng góp cho hòa bình, thịnh vượng của Việt Nam và các nước Châu Phi.

Bên cạnh đó, các sự kiện khác được tổ chức tại Việt Nam như Phiên tư vấn xuất khẩu thủy sản sang thị trường Châu Phi (do Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với các Thương vụ Việt Nam tại Châu Phi tổ chức vào ngày 26/5 vừa qua) cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp tham dự tìm hiểu kỹ hơn về thị trường tiềm năng này, tránh những rủi ro khi thực hiện giao dịch với đối tác Châu Phi; đồng thời xúc tiến thương mại hiệu quả, bền vững Việt Nam – Châu Phi.

Ngọc Thúy (t/h)

Ý kiến bạn đọc