Cuộc họp lần thứ 27 của Nhóm công tác Nghề cá ASEAN (01-07-2019)

Sáng ngày 27/6/2019, tại Tp. Đà Nẵng, trong khuôn khổ chuỗi các Hội nghị ASEAN liên quan đến lĩnh vực thủy sản diễn ra từ ngày 24 – 29/6/2019, Cuộc họp lần thứ 27 của Nhóm công tác Nghề cá ASEAN đã được tổ chức do Ban thư ký ASEAN và Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đồng tổ chức.
Cuộc họp lần thứ 27 của Nhóm công tác Nghề cá ASEAN

Đây là cuộc họp cuối cùng trong chuỗi các hội nghị ASEAN liên quan đến Thủy sản. Kết thúc cuộc họp, các đại biểu sẽ thống nhất các nội dung đệ trình lên Cuộc họp các Bộ trưởng Nông lâm nghiệp của ASEAN (SOM - AMAF). Đến dự phiên khai mạc Cuộc họp lần thứ 27 của Nhóm công tác Nghề cá ASEAN có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND Tp. Đà Nẵng, đại diện Ban thư ký ASEAN, đại diện các quốc gia thành viên ASEAN, đại diện EU và Australia, đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực như NACA, SEAFDEC, JICA, E-READI và các cơ quan báo chí, truyền thông trong nước.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh vai trò quan trọng của Nhóm công tác Nghề cá ASEAN cũng như Cuộc họp lần thứ 27 này là sự kiện vô cùng có ý nghĩa đối với các nước thành viên ASEAN, là cơ hội để các quốc gia thành viên ASEAN cùng trao đổi, thống nhất phê duyệt kế hoạch, chương trình, dự án, hoạt động hợp tác trong cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á giai đoạn 2019 – 2020 và thảo luận các vấn đề trọng tâm trong khu vực, đưa ra định hướng phát triên nhằm xây dựng và phát triển nghề cá khu vực bền vững, có trách nhiệm và đảm bảo an ninh lương thực. Đồng thời, Thứ trưởng cũng chúc mừng Ban thư ký và các quốc gia thành viên ASEAN đã nỗ lực xây dựng các chuẩn mực chung giúp nghề cá khu vực ASEAN thu hẹp khoảng cách trình độ phát triển với cộng đồng quốc tế, góp phần hình thành tiếng nói chung trong công tác quản lý nghề cá, đưa nghề cá khu vực hòa nhập với nghề cá quốc tế.

Luật Thủy sản 2017 được thông qua, ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2019 là bước ngoặt lớn, giúp chuyển đổi nghề cá Việt Nam từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm, đáp ứng các yêu cầu hội nhập quốc tế cũng như yêu cầu thực tiễn của ngành thủy sản Việt Nam trong thời gian tới như: chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU fishing); quản lý và sử dụng nguồn lợi thủy sản bền vững, khai thác thủy sản có trách nhiệm, nuôi trồng thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Đồng thời cũng khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc phát triển và đảm bảo sự sự công bằng đối với nghề cá quy mô nhỏ, đặc biệt là sinh kế, quyền và lợi ích của cộng đông nghề cá quy mô nhỏ thông qua cơ chế đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Thay mặt Thành phố Đà Nẵng, địa danh được lựa chọn tổ chức chuỗi các Hội nghị Thủy sản ASEAN năm nay, ông Hồ Kỳ Minh khẳng định đây là cơ hội giúp thành phố Đà Nẵng học hỏi, lắng nghe, chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực ASEAN và quốc tế cũng như các tổ chức Nghề cá đối với các vấn đề quan tâm hiện nay như khai thác bất hợp pháp, suy giảm nguồn lợi thủy sản do khai thác quá mức, tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động nghề cá và Nuôi trồng thủy sản cũng như vấn đề hỗ trợ các nghề cá quy mô nhỏ phát triển bền vững. Với hơn 50 năm thành lập và phát triển, ASEAN đã tạo ra môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực, đem lại nhiều thành tích đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của toàn khối và từng thành viên, trong đó có đất nước Việt Nam. Ông tin tưởng mạnh mẽ rằng tại các cuộc họp lần này, các thành viên của Khối sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất để sớm thông qua các chương trình, dự án, hoạt động hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN, định hướng chính sách liên quan đến quản lý nghề cá của các nước ASEAN như dự kiến.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Tiến sĩ Adisorn Promthep, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Thái Lan, chủ tịch đương nhiệm của Nhóm công tác Nghề cá ASEAN lần thứ 26 đã có bài phát biểu tóm tắt quá trình hoạt động của Nhóm công tác Nghề cá ASEAN lần thứ 26, khẳng định Nhóm công tác đã có một năm hoạt động tích cực và hiệu quả, nỗ lực phát triển hợp tác nghề cá khu vực và giúp thực hiện các mục tiêu đã được phê duyệt, đặc biệt, nhiều nỗ lực chống khai thác bất hợp pháp đã được các quốc gia thành viên thực hiện cùng sự phối hợp với các đối tác như EU, DG-MARE, E-READI, SEAFDEC… Tại buổi lễ khai mạc, Tiến sĩ Adisorn Promthep đã trao chức Chủ tịch Nhóm công tác Nghề cá ASEAN lần thứ 27 cho ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Việt Nam.

Hương Trà

Ý kiến bạn đọc