Hải Dương: Ứng dụng tiến bộ KHCN phù hợp với công tác phòng, chống thiên tai (22-09-2022)

Biến đổi khí hậu và nước biển dâng ngày càng thể hiện rõ nét thông qua các hiện tượng bão, áp thấp nhiệt đới, hạn hán, xâm nhập mặn, suy giảm đa dạng sinh học, thay đổi nhiệt độ, phát thải khí nhà kính… Tỉnh Hải Dương đã xác định tích cực ứng dụng tiến bộ KHCN (đặc biệt là công nghệ 4.0) phù hợp với công tác phòng, chống thiên tai trong tình hình mới.
Hải Dương: Ứng dụng tiến bộ KHCN phù hợp với công tác phòng, chống thiên tai
Ảnh minh họa

Để phòng, chống thiên tai (diễn biến bất thường, không theo quy luật và có xu hướng ngày càng cực đoan, gây thiệt hại về người, tài sản, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất và sinh hoạt của người dân, đe dọa tính mạng và nguy cơ mất an toàn cho các công trình hạ tầng cơ sở), UBND tỉnh Hải Dương đã xác định 03 đối tượng chính dễ bị tổn thương, chịu thiệt hại nghiêm trọng do thiên tai, đó là: con người, phát triển kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng.

Trong giai đoạn 2010-2020, mặc dù thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh không quá lớn nhưng đã gây ra các thiệt hại lớn về người, cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp, hệ thống công trình đê điều, thủy lợi... Thiệt hại do thiên tai gây ra ước khoảng 1.612 tỷ đồng. Ba đối tượng chính dễ bị tổn thương là con người, phát triển kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng. Đối với hoạt động sản xuất, tỉnh Hải Dương đã tổng hợp những khu vực sản xuất nông nghiệp; khu nuôi trồng thủy sản tập trung, khu vực nuôi cá lồng trên sông; khu vực có nguy cơ bị ngập úng; khu vực xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực hạn hán.

Kế hoạch phòng, chống thiên tai đến năm 2025

Ngày 13 tháng 9 năm 2022, UBND tỉnh Hải Dương đã ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai tỉnh Hải Dương đến năm 2025; Qua đó, đã đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương, phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng dễ bị tổn thương và xác định các yếu tố dễ bị tổn thương do thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Mục đích của Kế hoạch này là: Xác định những nhiệm vụ chủ yếu trong công tác phòng, chống thiên tai cần tập trung thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 nhằm triển khai Kế hoạch phòng, chống thiên tai Quốc gia đến năm 2025 và Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Hải Dương; nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Công tác phòng, chống thiên tai phải được tiến hành chủ động, thường xuyên, đồng thời ứng phó kịp thời để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Nâng cao nhận thức cộng đồng trong quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, chống thiên tai của toàn dân. Dựa trên cơ sở Kế hoạch phòng, chống thiên tai này, địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh chủ động xây dựng, rà soát, tổ chức thực hiện sát với tình hình thực tế nhằm xây dựng một xã hội an toàn trước thiên tai.

Quán triệt thực hiện hiệu quả “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng”

UBND tỉnh Hải Dương đã yêu cầu hoàn thiện hệ thống các văn bản, cơ chế, chính sách về phòng, chống thiên tai. Xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động phòng, chống thiên tai theo quy định của Pháp luật. Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, nhất là một số loại hình thiên tai chủ yếu thường xảy ra trong thời gian gần đây và có khả năng xảy ra trong thời gian tới như áp thấp nhiệt đới, bão, lũ, ngập lụt, sạt lở bờ sông, hạn hán, xâm nhập mặn... nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ để ứng phó thiên tai đạt hiệu quả của các cấp, các ngành.

Luôn quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ), và nguyên tắc “ba sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Tăng cường thông tin, tuyên truyền, giáo dục, cung cấp kiến thức về phòng, chống thiên tai và tác động của thiên tai đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân trong tỉnh; thực hiện cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó thiên tai kịp thời đến cộng đồng dân cư.

Ứng dụng tiến bộ KHCN (đặc biệt là công nghệ 4.0) phù hợp với công tác phòng, chống thiên tai trong tình hình mới. Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống thiên tai gắn với kế hoạch phát triển của các ngành, địa phương và phát triển kinh tế xã hội, phát huy hiệu quả đầu tư; ưu tiên các giải pháp phi công trình, đặc biệt trong việc nâng cao năng lực và nhận thức cho cộng đồng chủ động phòng, chống thiên tai. Từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng khác, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Phòng, chống thiên tai - Nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị

Phòng, chống thiên tai là trách nhiệm của người đứng đầu địa phương và của toàn dân, toàn xã hội; đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về phòng, chống giảm nhẹ thiên tai. Thực hiện theo hướng quản lý rủi ro tổng hợp theo lưu vực, liên vùng, liên ngành; xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng công trình phải đánh giá đầy đủ các tác động làm gia tăng rủi ro thiên tai.

Phòng, chống thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính, thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ", nguyên tắc “ba sẵn sàng” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn, nông thôn mới. Kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, theo hướng đa mục tiêu; khôi phục, tái thiết sau thiên tai đảm bảo tính bền vững và yêu cầu xây dựng lại tốt hơn; tăng cường ứng dụng các thành tựu KHCN kết hợp với kế thừa những kinh nghiệm truyền thống. Khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân đầu tư nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào lĩnh vực phòng, chống thiên tai.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các ngành phải coi công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất trong năm kế hoạch, tránh tư tưởng chủ quan, chuẩn bị chu đáo các mặt, chủ động sẵn sàng đối phó với mọi tình huống thiên tai ác liệt nhất có thể xảy ra theo phương châm “bốn tại chỗ”, nguyên tắc “ba sẵn sàng” để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.

Sở Nông nghiệp và PTNT - Cơ quan thường trực phòng, chống thiên tai

Sở Nông nghiệp và PTNT chủ động chỉ đạo các đơn vị dự phòng các loại giống cây trồng, gia súc, gia cầm, vật tư nông nghiệp để khôi phục sản xuất sau thiên tai. Nghiên cứu việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt vùng không chủ động nguồn nước, thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sang phát triển nông nghiệp đa dạng (thủy sản - cây ăn quả - lúa), đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng…

Tiếp tục phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (Tiểu ban Tìm kiếm cứu nạn) trong hoạt động phòng, chống thiên tai ở cơ sở. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên KTCTTL Bắc Hưng Hải với Công ty Khai thác công trình thủy lợi các tỉnh, các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn trong hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải: Trao đổi thông tin điều hành hệ thống, thực hiện quy hoạch, tổng kết quản lý khai thác hệ thống công trình thủy lợi, điều hành hệ thống chống hạn phục vụ sản xuất, phòng chống thiên tai và đảm bảo an toàn công trình thủy lợi.

Theo kế hoạch mới ban hành, công tác khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai được các cấp, các ngành trong tỉnh khẩn trương thực hiện. Tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại nặng; thu dọn, vệ sinh môi trường sau thiên tai, bão, úng ngập; sửa chữa, tu bổ lại cơ sở hạ tầng bị thiệt hại, triển khai nhanh phương án phục hồi sản xuất nông nghiệp. Rà soát chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với thiên tai. Chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống mưa lớn, úng ngập, dông, lốc, nước dâng cho toàn bộ diện tích lúa, hoa màu, nuôi trồng thủy sản... Hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp và dân sinh, kinh tế.

Phát triển nông nghiệp xanh, sạch gắn với khả năng chống chịu thiên tai

Toàn ngành Nông nghiệp và PTNT thường xuyên tổng hợp mọi diễn biến tình hình về thiên tai, kết quả xử lý, khắc phục thiên tai báo cáo UBND tỉnh. Bố trí lực lượng sẵn sàng cơ động để tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật, xử lý, ứng cứu công trình thuỷ lợi nội đồng khi có sự cố do thiên tai xảy ra. Xây dựng cụ thể kế hoạch khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra; chuẩn bị đủ giống dự phòng cho phương án khôi phục sản xuất, có phương án phòng chống dịch bệnh trong đàn gia súc, gia cầm...

Cùng với đó, thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, khí tượng thuỷ văn, nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn, việc vận hành hệ thống công trình thuỷ lợi, kịp thời chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống hạn. Hướng dẫn các địa phương bố trí cơ cấu giống, thời vụ. Lồng ghép trong các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động của thiên tai đến các ngành kinh tế; Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp xanh, sạch gắn với khả năng chống chịu thiên tai.

Lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai trong lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT. Cụ thể là, lồng ghép các hoạt động phòng, chống thiên tai với ứng phó biến đổi khí hậu vào các chương trình được thực hiện tại địa phương. Thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn; áp dụng công nghệ canh tác phù hợp với hoàn cảnh biến đổi khí hậu. Xây dựng phương án hỗ trợ đặc biệt cho các vùng dân cư, ở các vùng thường xảy ra lũ lụt để người dân có nơi trú ẩn an toàn vào mùa lũ, di dời dân ra khỏi các vùng bị sạt lở ven sông, các bối ngoài đe dọa tới an toàn của người dân.

Đối phó thắng lợi mọi tình huống thiên tai

Hằng năm, trên cơ sở báo cáo đánh giá của UBND cấp huyện, các sở, ban, ngành và đơn vị, Sở Nông nghiệp và PTNT rà soát nội dung, tiến độ thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai tỉnh Hải Dương đến năm 2025, tiến hành điều chỉnh, cập nhật kế hoạch năm (phù hợp với tình hình thực tiễn) báo cáo UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.

Định kỳ hằng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì tổ chức đánh giá việc thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp tỉnh. Đánh giá những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện và kiến nghị UBND tỉnh điều chỉnh nội dung, giải pháp thực hiện. Trong điều kiện thiên tai xảy ra đặc biệt lớn, thiệt hại nặng nề, Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức đánh giá thiệt hại, nhu cầu tái thiết sau thiên tai và rà soát, cập nhật kế hoạch phòng, chống thiên tai tỉnh Hải Dương đến năm 2025.

Trước ngày 15/12 hằng năm, các sở, ban, ngành, đơn vị và UBND cấp huyện báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh qua Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp (trong đó nêu rõ kết quả đạt được, những khó khăn và tồn tại cần giải quyết). Những trường hợp gặp khó khăn về nhân lực, tài chính hoặc gặp sự cố ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản phải báo cáo về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT) để kịp thời xử lý.

Các cấp, các ngành trong tỉnh căn cứ “Kế hoạch phòng, chống thiên tai tỉnh Hải Dương đến năm 2025” chủ động xây dựng kế hoạch của ngành mình, cấp mình thật cụ thể, sát với điều kiện của địa phương, của ngành nhằm chủ động đối phó thắng lợi với mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc