Nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ lĩnh vực thủy sản được phê duyệt (21-07-2020)

Vừa qua, Bộ NN&PTNT đã ban hành 2 Quyết định phê duyệt danh mục đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ, thực hiện từ năm 2020 và 2021. Đó là Quyết định số 2450/QĐ-BNN-KHCN và Quyết định số 2451/QĐ-BNN-KHCN, cùng được Bộ NN&PTNT phê duyệt ngày 30/6/2020. Theo đó, nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ đã được phê duyệt, trong đó có lĩnh vực thủy sản.
Nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ lĩnh vực thủy sản được phê duyệt
Ảnh minh họa

Cụ thể, tại Quyết định số 2450/QĐ-BNN-KHCN phê duyệt danh mục đặt hàng các đề tài khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm cấp Bộ bắt đầu thực hiện từ năm 2020, ngành Thủy sản được giao các đề tài Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống và công nghệ trồng rong cho năng suất, chất lượng Carrageenan cao ở miền Trung. Yêu cầu đối với  kết quả của đề tài là: Báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng trồng, chế biến, thương mại và chuỗi giá trị rong carrageenan ở Việt Nam và đề xuất giải pháp phát triển. Báo cáo kết quả sưu tập, đánh giá lựa chọn các chủng rong cho tốc độ sinh trưởng, năng suất, hàm lượng và chất lượng carrageenan cao hiện có ở Việt Nam. Báo cáo kết quả và mẫu rong giống một số chủng chất lượng cao được thử nghiệm di nhập từ nước ngoài (từ Malaysia, Indonesia hoặc Philippines). Bộ sưu tập các chủng giống rong chất lượng cao (tốc độ sinh trưởng ≥ 3,0 %/ngày, hàm lượng carrageenan ≥ 25%, sức đông kappa-carrageenan ≥ 500g/cm2) phù hợp cho trồng công nghiệp. 5000 tản rong giống kích thước ≥5cm được nhân giống từ mẫu rong chất lượng cao tuyển chọn được.  Mô hình chuẩn trồng thâm canh rong cho năng suất và chất lượng cao (quy mô ≥1,5 ha, năng suất ≥ 45 tấn rong tươi/ha/vụ 3-4 tháng; hàm lượng carrageen ≥ 25%, sức đông kappa-carrageenan ≥ 500g/cm2). Quy trình thu hoạch, sơ chế, bảo quản đảm bảo nguyên liệu đạt TCVN 10371:2014. Đề án được thực hiện trong giai đoạn 2020-2023, được giao trực tiếp Viện Nghiên cứu Hải sản kết hợp với doanh nghiệp thực hiện.

Tại Quyết định số 2451/QĐ-BNN-KHCN, phê duyệt danh mục đặt hàng các đề tài khoa học và công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm và đề tài khoa học và công nghệ tiềm năng cấp Bộ bắt đầu thực hiện từ năm 2021.

Các đề tài khoa học và công nghệ tại Quyết định 2451 gồm có:

Chọn giống cá chim vây vàng (Trachinotus falcatus) sinh trưởng nhanh: Mục tiêu tạo được đàn chọn giống cá Chim vây vàng G1 có tốc độ sinh trưởng nhanh và sạch bệnh phục vụ nghề nuôi cá biển công nghiệp.  Lựa chọn được vật liệu chọn giống từ 04 dòng ban đầu. Kết quả: Chọn tạo được thế hệ G0: 400 cá Chim vây vàng tăng trưởng nhanh và sạch bệnh (bệnh nguy hiểm thường gặp); tuổi 2+; kích cỡ > 2kg/con. Thời gian thực hiện: 2021-2025, Giao trực tiếp Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I thực hiện.

Chọn giống cá chẽm sinh trưởng nhanh: Mục tiêu tạo được đàn chọn giống cá đàn cá chẽm có tốc độ tăng trưởng nhanh phục vụ nghề nuôi cá biển công nghiệp. Kết quả: Chọn giống qua 1 thế hệ tạo G3: qui mô 50 gia đình, 300 cá hậu bị sạch bệnh, kích cỡ >2kg/con, tăng trưởng nhanh ước tính 5-7%/thế hệ. Tạo ra 1.000 cá hậu bị kích cỡ >1kg/con, cung cấp cho các cơ sở sản xuất trong cả nước. Cá bố mẹ chọn giống nâng cao sinh trưởng được công nhận giống mới. Thời gian thực hiện 2021-2026, giao trực tiếp Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III thực hiện.

Chọn giống tôm càng xanh sinh trưởng nhanh: Mục tiêu tạo được đàn tôm càng xanh có tốc độ tăng trưởng nhanh trong môi trường nước ngọt và lợ. Kết quả: Đàn tôm bố mẹ chọn giống G11-G13: 1.000 con/thế hệ được chọn lọc từ ít nhất 75 gia đình; sạch bệnh (nguy hiểm thường gặp); tăng trưởng nhanh ≥5%/thế hệ ở cả nước ngọt và lợ. Đàn tôm hậu bị chọn giống cho phát tán: 30.000 con, sạch bệnh, kích cỡ ≥5 g/con. Tôm bố mẹ chọn giống nâng cao sinh trưởng được công nhận giống mới. Thời gian thực hiện từ 2021-2023, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II.

Chọn giống cá rô phi đỏ sinh trưởng nhanh: Mục tiêu chọn tạo được đàn cá bố mẹ rô phi đỏ tăng trưởng nhanh, màu sắc đạt cho nuôi trong môi trường nước ngọt và lợ mặn. Kết quả: Đàn cá bố mẹ chọn giống 2 thế hệ G6 và G7: qui mô 1.000 con/thế hệ; được chọn lọc từ ít nhất 100 gia đình/thế hệ; khối lượng: 500 g/con; sạch bệnh (nguy hiểm thường gặp); tốc độ tăng trưởng trung bình: 5-7%/thế hệ, tỷ lệ đốm đen trên diện tích cơ thể < 5%. Đàn cá hậu bị cho phát tán: Số lượng 50.000 con, khối lượng trung bình ≥ 100 g/con; tỷ lệ đực: cái khi chuyển giao là 1:3. Cá bố mẹ chọn giống nâng cao sinh trưởng được công nhận giống mới. Thời gian thực hiện 2021-2023, giao trực tiếp Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II.

Nghiên cứu giải pháp kiểm soát bệnh do vi bào tử trùng EHP và bệnh phân trắng gây ra trên tôm nuôi nước lợ: Mục tiêu đề xuất được biện pháp quản lý, phòng trị đối với bệnh do vi bào tử trùng (EHP) và bệnh phân trắng gây ra trên tôm nuôi nước lợ.  Báo cáo các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh do vi bào tử trùng (EHP) và bệnh phân trắng gây ra trên tôm nuôi nước lợ. Kết quả: Đưa ra giải pháp kỹ thuật phòng trị bệnh do vi bảo tử trùng và bệnh phân trắng trên tôm nuôi nước lợ. Sổ tay hướng dẫn về phòng trị bệnh đối với bệnh vi bảo tử trùng và bệnh phân trắng trên tôm nuôi nước lợ. Mô hình ứng dụng các giải pháp kỹ thuật phòng trị bệnh do vi bảo tử trùng và bệnh phân trắng trên tôm nuôi nước lợ có hiệu quả. Thời gian thực hiện 2021-2023, đơn vị tuyển chọn.

Nghiên cứu sự lưu hành vi rút DIV1 (Decapod iridescent virus 1) tại Việt Nam: Mục tiêu đánh giá hiện trạng lưu hành và đề xuất các giải pháp quản lý phòng ngừa bệnh do vi rút DIV1 gây ra trên động vật thủy sản. Kết quả: Báo cáo hiện trạng lưu hành vi rút DIV1 (Decapod iridescent virus 1) tại Việt Nam. Phương pháp xét nghiệm DIV1. Các giải pháp quản lý phòng ngừa bệnh do vi rút DIV1 gây ra trên động vật thủy sản. Thời gian thực hiện 2021-2022, đơn vị tuyển chọn.

Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ nuôi thương phẩm tu hài (Lutraria rhynchaena) hiệu quả cao, bền vững: Mục tiêu có được qui trình công nghệ nuôi thương phẩm tu hài (Lutraria rhynchaena) an toàn dịch bệnh và đạt hiệu quả kinh tế cao. Kết quả: Xây dựng Qui trình công nghệ nuôi tu hài thương phẩm trong lồng an toàn dịch bệnh và đạt hiệu quả kinh tế cao: Năng suất >1,8kg/lồng; thời gian nuôi <12 tháng; cỡ thu hoạch >50g/con; tỷ lệ sống >80%. 03 mô hình nuôi tu hài thương phẩm trong lồng, an toàn dịch bệnh và hiệu quả kinh tế cao, qui mô > 1500 lồng/mô hình. Tỷ suất lợi nhuận >35% và 8 tấn tu hài, cỡ >50g/con đảm bảo an toàn thực phẩm. Thời gian thực hiện 2021-2023, đơn vị tuyển chọn.

Về dự án sản xuất thử nghiệm gồm các đề tài:

Hoàn thiện công nghệ bảo quản cá ngừ đại dương và cá thu trên tàu bằng đá sệt kết hợp khí Nitơ nano: Mục tiêu của đề tài là có được qui trình công nghệ bảo quản sản phẩm cá ngừ đại dương và cá thu trên tàu cá bằng đá sệt kết hợp khí Nitơ nano có hiệu quả kinh tế. Kết quả: Đưa ra hồ sơ thiết kế, chế tạo và lắp đặt hệ thống thiết bị bảo quản sản phẩm trên tàu cá (chiều dài tàu 15 m) bằng đá sệt kết hợp khí Nitơ Nano: Công suất đá sệt: 4÷5 tấn/ngày/hệ thống; nhiệt độ đá sệt: -20C ± 0,5; hàm lượng đá sệt: > 40%; DO <1 mg/l. Quy trình công nghệ bảo quản cá ngừ đại dương và cá thu trên tàu cá bằng đá sệt kết hợp khí Nitơ nano: Chất lượng sản phẩm tăng ≥30%, hiệu quả kinh tế cao hơn ≥20% so với phương pháp bảo quản bằng phương pháp truyền thống; thời gian bảo quản sản phẩm trên biển ≥ 25 ngày.  03 mô hình bảo quản sản phẩm trên tàu cá (lưới rê thu ngừ, câu cá ngừ đại dương) bằng đá sệt kết hợp khí ni tơ nano. Thời gian thực hiện 2021-2023, giao trực tiếp Viện nghiên cứu Hải sản thực hiện.

Ứng dụng công nghệ tạo dòng chảy và lọc tuần hoàn sinh học nuôi thâm canh cá chim vây vàng (Trachinotus sp) trong ao cát: Mục tiêu có được quy trình công nghệ nuôi thâm canh cá chim vây vàng trong ao cát nước chảy tuần hoàn an toàn sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu tại vùng ven biển. Kết quả: xây dựng hồ sơ thiết kế hệ thống tạo dòng chảy và tuần hoàn nước trong ao nuôi cá chim vây vàng. Quy trình công nghệ nuôi thâm canh cá chim vây vàng trong ao nước chảy tuần hoàn sử dụng thức ăn công nghiệp: Năng suất 25 - 30 tấn/ha; cỡ cá thịt: 0,6-0,8 kg/con; thời gian nuôi: <10 tháng; tỷ lệ sống >80%; hệ số chuyển đổi thức ăn <2,5. Mô hình nuôi thâm canh cá chim vây vàng trong ao nước chảy tuần hoàn quy mô 3 ha, năng suất 25-30 tấn/ha.  Tạo ra ≥ 150 tấn cá chim vây vàng thịt, cỡ 0,6-0,8 kg/con, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thời gian thực hiện 2021-2023, Giao trực tiếp Phân Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản Bắc Trung Bộ (Viện NC NTTS I) kết hợp với doanh nghiệp thực hiện.

Ứng dụng công nghệ tiên tiến xử lý bùn thải từ ao nuôi tôm nước lợ: Mục tiêu có được Quy trình xử lý bùn thải từ ao nuôi tôm nước lợ hiệu quả kinh tế và thân thiện môi trường. Kết quả: Quy trình công nghệ sản xuất điện từ bùn thải ao nuôi tôm nước lợ. Quy trình công nghệ khử muối trong bùn thải ao nuôi tôm nước lợ. Mô hình ứng dụng công nghệ hiệu quả kinh tế và thân thiện môi trường. Thời gian thực hiện 2021-2022, giao trực tiếp Viện NC NTTS II kết hợp với Công ty TNHH Hoài Nam Hoài Bắc thực hiện.

Về Đề tài khoa học và công nghệ tiềm năng gồm:

Nghiên cứu tác nhân gây đốm trắng nội tạng cá nheo Mỹ nuôi lồng và biện pháp phòng trị: Mục tiêu là xác định được tác nhân gây đốm trắng nội tạng cá nheo Mỹ nuôi lồng và các biện pháp phòng trị, Xác định được tác nhân gây đốm trắng nội tạng cá nheo Mỹ nuôi lồng ở các tỉnh phía Bắc và phương pháp phát hiện. Yêu cầu về kết quả của đề tài là đưa ra Thẻ bệnh đốm trắng nội tạng cá nheo Mỹ; Biện pháp phòng trị bệnh đốm trắng nội tạng cá nheo Mỹ nuôi lồng; 01 bài báo khoa học đăng tại các tạp chí chuyên ngành uy tín. Đề tài được giao trực tiếp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, thời gian thực hiện: 2021-2022.

Nghiên cứu thăm dò sinh sản nhân tạo cá đù vàng (Larimichthys crocea): Mục tiêu xây dựng được cơ sở khoa học và thăm dò kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cá Đù vàng Larimichthys crocea, - Thu thập và thuần dưỡng 50-70 cặp, kích cỡ 0,5-1,2 kg/con. Kết quả Đề tài: Báo cáo về đặc điểm sinh học, sinh sản của cá Đù Vàng. Sản xuất được >1 triệu cá bột. Đề tài được thực hiện từ 2021-2022, giao trực tiếp Viện NC NTTS II chủ trì.

Nghiên cứu thăm dò sinh sản nhân tạo cá cam sọc (Seriola dumerili): Mục tiêu xây dựng được cơ sở khoa học và thăm dò kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cá Cam (Seriola dumerilí), Thu thập và thuần dưỡng 50-100 cặp con cá Cam cỡ > 1,0 kg/con. Kết quả: Báo cáo về đặc điểm sinh học, sinh sản của cá. Sản xuất được >1 triệu cá bột. Thời gian thực hiện: 2021-2022, giao trực tiếp Viện NC NTTS I thực hiện.

Nghiên cứu giải pháp phát triển rong câu ở các tỉnh phía Bắc: Mục tiêu chọn lọc được 1-2 chủng giống rong câu chất lượng tốt. Đề xuất được định hướng và giải pháp phát triển rong câu tại các tỉnh phía Bắc. Báo cáo đánh giá hiện trạng nguồn lợi, trồng, chế biến và thương mại các sản phẩm từ rong câu tại các tỉnh phía Bắc. Kết quả: Đưa ra 1-2 chủng rong câu chất lượng tốt. Đề xuất định hướng và giải pháp phát triển rong câu tại các tỉnh phía Bắc. Thời gian thực hiện: 2021-2022, giao trực tiếp Viện Nghiên cứu Hải sản thực hiện.

Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất giống ba ba gai (Palea steidachneri) toàn đực: Mục tiêu xây dựng được Quy trình sản xuất giống ba ba gai đơn tính đực. Kết quả: Quy trình sản xuất giống baba gai (Palea steindachneri) đơn tính đực: tỷ lệ nở >75%; Tỷ lệ ba ba đực > 85%; Tạo ra được từ 500 con ba ba gai đơn tính đực, cỡ > 0,5 kg/con. Thời gian thực hiện 2021-2022, giao trực tiếpTrường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản thực hiện.

Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ sản xuất giống rong mơ (Sargassum) bằng bào tử: Mục tiêu xây dựng được quy trình công nghệ sản xuất giống rong mơ (Sargassum) bằng bào tử (sinh sản hữu tính). Kết quả: xây dựng Quy trình công nghệ sản xuất giống cho 01 loài rong mơ có sản lượng và giá trị kinh tế cao (đến kích thước tản rong giống ≥2cm). 1000 tản rong kích thước ≥ 2 cm, thời gian thực hiện 2021-2022, giao trực tiếp Viện NC NTTS III thực hiện.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc