Phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (27-09-2019)

Ngày 26/9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội thảo “Phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam tham dự và chủ trì Hội thảo.
Phát triển công nghiệp chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT, tính từ năm 2018 đến nay, đã có 30 dự án đầu tư lớn vào chế biến sản phẩm nông nghiệp đã hoạt động và đang triển khai trên cả nước với tổng vốn đầu tư trên 20.000 tỷ đồng. Điển hình như các doanh nghiệp Masan, Doveco, Dabaco, TH Group, Vinamilk, Minh Phú, Ba Huân, Nafood, Lenger Seafood, Angfish... hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Mỹ. Nhờ công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản tăng trưởng mạnh mà các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu tăng bình quân khoảng 8 – 10%/năm trong hai năm gần đây.

Việt Nam đã bước đầu hình thành được hệ thống công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản với trên 7.500 cơ sở quy mô công nghiệp gắn xuất khẩu. Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản xuất khẩu phát triển đã góp phần làm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ nền nông nghiệp tự cung tự cấp tiến lên nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn nhằm cung cấp nguyên liệu đầu vào cho chế biến, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa như mặt hàng quả vải, nhãn, cam, chè, mía, thủy sản...

Tuy nhiên, về mặt công nghệ chế biến và chất lượng sản phẩm của Việt Nam so với thế giới mới đạt mức độ trung bình đến trung bình khá. Chỉ có một số ngành hàng hoặc một số sản phẩm có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại mang tầm khu vực, thế giới như: chế biến hạt điều, lúa gạo, tôm và cá tra…

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, đến nay, trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt khoảng 2,4 HP/ha canh tác. Mức độ cơ giới hoá này còn thấp, trong khi một số nước trong khu vực có mức độ cơ giới hóa cao như: Thái Lan đạt 4 HP/ha, Hàn Quốc 10 HP/ha. Tuy nhiên, phát triển cơ giới hóa chưa toàn diện. Cơ giới hóa chăm sóc cây ăn quả, thu hoạch mía, cà phê, thủy sản còn hạn chế. 

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, tương lai nông lâm thủy sản Việt Nam có thắng trên thị trường thế giới hay không phụ thuộc lớn vào công nghệ chế biến và sau thu hoạch. Cần nâng cao năng lực cơ giới hóa nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản phải đồng bộ, phù hợp với quy mô, trình độ sản xuất của nền nông nghiệp Việt Nam, thực hiện đầu tư theo chuỗi giá trị, đi từ khâu sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn đến sơ chế, chế biến rồi đóng gói. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng, kế thừa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ trong lĩnh vực chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa nông nghiệp. Trong quá trình thực hiện phải có lộ trình, giai đoạn, phân cấp mức độ rõ ràng, có bộ tiêu chí để so sánh, đánh giá sản phẩm. Xác định lực lượng, đối tượng, sản phẩm chủ lực để nâng cao năng lực chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa nông nghiệp trong thời đại hội nhập và phát triển của cuộc cách mạng 4.0.

Để đáp ứng yêu cầu hội nhập, ngành nông nghiệp Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản có đủ năng lực chế biến đảm bảo đầu ra cho sản xuất nông nghiệp. Trong đó, công nghệ chế biến đạt trình độ công nghệ từ trung bình tiên tiến trở lên, thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN, một số ngành hàng dẫn đầu thế giới. Các sản phẩm sau chế biến phải đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, có khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, góp phần tăng nhanh giá trị gia tăng và kim ngạch xuất khẩu.

Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản trong GDP của ngành nông nghiệp đạt trên 30%. Tốc độ giá trị hàng hóa nông lâm thủy sản qua chế biến đạt 7-8%/năm. Trên 50% số cơ sở chế biến mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu chủ lực đạt trình độ công nghệ sản xuất tiên tiến. Tốc độ năng suất lao động đạt trên 7%/năm. Mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp đạt từ 90 – 100%...

NN

Ý kiến bạn đọc