Sản xuất thủy sản năm 2020 tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng (29-12-2020)

Đây là nhận định được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021 diễn ra ngày 26/12/2020 tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã tham dự và chủ trì Hội nghị.
Sản xuất thủy sản năm 2020 tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng

Tổng sản lượng thủy sản năm 2020 tăng 1,8%

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn. Hạn mặn khốc liệt, kéo dài ở ĐBSCL khiến người nuôi khó thả giống vụ mới, cá nuôi bị bệnh, chết; doanh nghiệp hạn chế thu mua khiến lượng cá tồn trong dân khá cao. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản các đối tượng có giá trị kinh tế cao (cá nước lạnh, tôm hùm, ốc hương…) giảm, do các đối tượng này chủ yếu phục vụ nhu cầu xuất khẩu và tiêu thụ trong các nhà hàng.

Thời tiết trên biển thời điểm cuối năm không thuận lợi cho hoạt động khai thác khi liên tục xuất hiện áp thấp nhiệt đới và các cơn bão tại vùng biển miền Trung. Ủy ban châu Âu tiếp tục duy trì cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản xuất khẩu Việt Nam…

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng sản xuất thủy sản năm 2020 vẫn tiếp tục duy trì. Tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản (giá so sánh năm 2010) đạt 3,05% so với năm 2019, tổng sản lượng đạt 8,4 triệu tấn, tăng 1,8% (trong đó, sản lượng khai thác đạt 3,85 triệu tấn, tăng 2,1%, nuôi trồng đạt 4,56 triệu tấn, tăng 1,5%). Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 8,4 tỷ USD.

Về nuôi trồng thủy sản, trong các tháng đầu năm 2020, việc triển khai sản xuất tôm nước lợ gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 kèm theo tình hình xâm nhập mặn tại các vùng nuôi chủ lực, dẫn đến sản lượng tôm nước lợ, đặc biệt là đối tượng tôm sú bị sụt giảm. Đến các tháng cuối năm 2020, tình hình sản xuất tôm nước lợ đã có sự phục hồi khi tình hình dịch bệnh được khống chế, việc xuất khẩu mặt hàng tôm nước lợ được khôi phục đã giúp cho sản lượng tôm nước lợ tăng trưởng khá, tổng sản lượng vượt kế hoạch năm 2020 đã đề ra. Năm 2020, Tổng sản lượng tôm nuôi đạt 950.000 tấn. Trong đó tôm sú đạt 267,7 nghìn tấn, tăng 1%; tôm thẻ chân trắng 632,3 nghìn tấn, tăng 8,5% so với cùng kỳ, tôm khác đạt 50.000 tấn.

Đối với cá tra, ngành hàng cá tra bắt đầu xu hướng giảm từ tháng 3/2019 đến nay sau 2 năm liên tục tăng trưởng cao. Với đặc thù các dòng sản phẩm cá tra là food-service nên khi thế giới áp dụng lệnh cách ly xã hội do dịch Covid, đóng cửa hàng loạt cửa hàng, trường học và đặc biệt khi Trung Quốc thông báo tìm thấy virus Corona trên bao bì sản phẩm đông lạnh, kim ngạch xuất khẩu cá tra càng giảm mạnh. Hơn nữa, tình hình xâm nhập mặn kéo dài từ đầu năm đến hết tháng 5/2020 đã làm giảm hiệu quả sản xuất do tỉ lệ hao hụt từ công đoạn giống lên thương phẩm cao. Tuy nhiên, đến các tháng cuối năm 2020, khi tình hình dịch bệnh được khống chế, sự phục hồi của các thị trường nhập khẩu cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp, bà con nông dân nuôi cá nên sản lượng và kim ngạch xuất khẩu cá tra đã có những chuyển biến tích cực. Sản lượng cá tra năm 2020 ước đạt 1.560.000 tấn (bằng 96,9% so với cùng kỳ).

Sản xuất giống cá tra năm 2020 tại các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long ổn định. Toàn vùng ĐBSCL có khoảng 120 cơ sở sản xuất giống cá tra (cơ sở có nuôi giữ đàn cá tra bố mẹ), gần 4.000 ha ương dưỡng cá tra giống; sản xuất được khoảng 2 tỷ cá tra giống (bằng 100 % so với cùng kỳ năm 2019); đã thay thế 60.000 nghìn con cá bố mẹ chọn giống, do đó chất lượng con giống cá tra đã từng bước được cải thiện.

Về khai thác thủy sản, những tháng đầu năm 2020, thời tiết tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác hải sản, giá nhiên liệu giảm so với cuối năm 2019, nên dù giá cá giảm nhưng đạt được hiệu quả khai thác, ngư dân vẫn tích cực bám biển sản xuất ở tất cả các vùng biển để khai thác hải sản. Vào các tháng cuối năm, do ảnh hưởng liên tục bởi áp thấp nhiệt đới và các cơn bão tại vùng biển miền Trung nên ảnh hưởng nhiều đến hoạt động khai thác trên biển, số lượng tàu cá phải neo đậu tại cảng thời gian này khá lớn, chiếm khoảng 35-40% tổng số tàu cá khai thác vùng lộng và vùng khơi.

Công tác chỉ đạo điều hành năm 2020

Trong năm 2020, để sản xuất an toàn, đạt hiệu quả cao cho vụ nuôi tôm năm 2020 và tăng cường quản lý  hoạt động khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản đã tập trung chỉ đạo triển khai một số nhiệm vụ chính như:  Tiếp tục Hướng dẫn triển khai Luật Thủy sản 2017 và các văn bản có liên quan; Tổng hợp các ý kiến góp ý, hoàn thiện thủ tục trình Bộ ký ban hành sửa đổi, bổ sung một số điều của một số thông tư trong lĩnh vực thủy sản; Tham mưu nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương trong nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm nước lợ và cá tra; Thường xuyên theo dõi về tình hình, diễn biến thời tiết biển và thông tin về nguồn lợi thủy sản chỉ đạo kịp thời, giúp ngư dân khai thác an toàn, hiệu quả. Về hoạt động khắc phục cảnh báo thẻ vàng IUU đối với khai thác hải sản, Tổng cục Thủy sản đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình; Tổ chức trực ban 24/24h, vận hành hệ thống, theo dõi, xử lý các tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển; tàu cá mất tín hiệu kết nối theo các quy trình quy định. Thực hiện báo cáo EC về tình hình triển khai thực hiện khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu “tại Báo cáo giám sát” về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Cung cấp thông tin bổ sung theo yêu cầu của phía DG-MARE.

Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nhằm khai thác tối đa tiềm năng lợi thế và để sản xuất an toàn, đạt hiệu quả cao cho vụ nuôi tôm năm 2020, kịp thời tháo gỡ khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn và Covid-19 và triển khai nhiệm vụ phát triển nuôi tôm nước lợ năm 2020, Tổng cục đã tham mưu cho Bộ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương. Tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020 tổ chức tại Sóc Trăng; Hội nghị “Đánh giá kết quả và bàn giải pháp thực hiện đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực tại Đồng bằng sông Cửu Long”.Tham mưu Bộ làm việc với các tỉnh trọng điểm nuôi tôm Sóc Trăng, Bạc Liêu để đánh giá diễn biến thị trường, kịp thời phối hợp tuyên truyền, kết hợp khuyến cáo các giải pháp giúp người nuôi tôm ổn định sản xuất. Để tháo gỡ khó khăn cho mặt hàng cá tra tồn kho, tạo động lực cho người nuôi, doanh nghiệp tiếp tục phát triển sản xuất,Tổng cục đã phối hợp với Cục Chế biến tổ chức sự kiện “Kết nối sản xuất-tiêu thụ cá tra” trong khuôn khổ “Tuần hàng cá tra và sản phẩm thủy sản tại Hà Nội năm 2020".

Trong lĩnh vực khai thác thủy sản, Tổng cục đã hướng dẫn các địa phương triển khai quy định có liên quan đến hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi. Rà soát, tổng hợp số lượng giấy phép khai thác vùng khơi các địa phương đã cấp trên cơ sở dữ liệu quốc gia (Vnfishbase), số tàu cá chiều dài từ 15m trở lên, số tàu cá cải hoán, số tàu cá khai thác vùng khơi của các tỉnh nội đồng, để tham mưu cho lãnh đạo Bộ điều chỉnh hạn ngạch, bổ sung thêm cho các tỉnh nội đồng (dự kiến điều chỉnh giảm 256 tàu so với hạn ngạch ban hành theo Quyết định 1481/QĐ-BNN-TCTS). Thường xuyên theo dõi và chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác quản lý khai thác thủy sản, đảm bảo cho người, tàu cá hoạt động trên biển. Hướng dẫn chỉ đạo các địa phương rà soát, đánh giá hiệu quả, có giải pháp cơ cấu lại đội tàu đánh cá, thực hiện duy tu, sửa chữa tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Tổng cục Thủy sản đang tích cực tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị định 67, xử lý các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện cũng như để xuất các chính sách mới, đặc biệt là các chính hỗ trợ phát triển nuôi biển.

Trong lĩnh vực Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Tổng cục chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, quy trình liên quan tới dự án điều tra nguồn lợi hải sản; dự án điều tra nguồn lợi thủy sản vùng nội đồng giai đoạn 2018-2020. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh hoàn thiện hồ sơ thành lập các khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tiếp tục triển khai kế hoạch bảo vệ các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm như kế hoạch hành động bảo vệ rùa biển Việt Nam; triển khai xây dựng kế hoạch hành động quốc gia bảo tồn các loài cá mập, cá đuối và thú biển. Chủ trì, phối hợp với Vườn Quốc gia Côn Đảo tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Kế hoạch hành động bảo tồn rùa biển Việt Nam giai đoạn 2016-2025. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố tổ chức lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Năm 2021, Tổng cục Thủy sản tiếp tục triển khai Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn, bám sát định hướng; thực hiện 2 Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Nghị quyết số số 944-NQ/BCSĐ ngày 22/10/2018 về triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 836-NQ/BCSĐ ngày 17/7/2019 về Tăng cường đầu tư để nâng cao hiệu quả khai thác hải sản và đẩy mạnh nuôi trồng trên biển góp phần thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045). Đồng thời, tập trung cao nhất cho chỉ đạo sản xuất theo định hướng chiến lược phát triển ngành thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

          Tổng cục Thủy sản Tiếp tục triển khai có hiệu quả thực hiện Luật thuỷ sản 2017; Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025; Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm Việt Nam đến năm 2030. Tham mưu lãnh đạo Bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn và tiếp tục chỉ đạo địa phương triển khai đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực; cấp phép nuôi trồng thủy sản trên biển; Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến từ đó tạo ra các sản phẩm chủ lực có chất lượng, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản các đối tượng chủ lực có giá trị kinh tế cao theo hướng nâng cao giá trị, hình thành các chuỗi liên kết, bảo toàn về chất lượng và phục vụ chế biến sâu; Xây dựng khung lịch mùa vụ, tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi thích ứng với BĐKH, hạn hán, xâm nhập mặn đồng thời phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất NTTS bền vững của Tổng cục Thủy sản và cơ quan quản lý địa phương…

Hướng tới mục tiêu tổng sản lượng khoảng 8,5 triệu tấn vào năm 2021

Trong phiên thảo luận tại Hội nghị Tổng kết năm 2020, triển khai kế hoạch năm 2021, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, nhấn mạnh, năm 2020 dù rất nhiều khó khăn nhưng ngành thủy sản lại phát triển khá tốt. Bằng chứng là không có doanh nghiệp nào phá sản, trái lại nhiều doanh nghiệp được thành lập mới. Cơ hội của ngành thủy sản còn rất lớn, bởi những thuận lợi từ các thị trường, nhất là tại thị trường Trung Quốc khi nhiều loài thủy sản được nước này cho phép nhập khẩu.

Đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ông Nguyễn Hoài Nam, cho rằng, đầu năm xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, những tháng cuối năm tình hình thay đổi rất tích cực, riêng trong tháng 10, xuất khẩu thủy sản đạt 900 triệu USD, cao nhất trong các tháng của ít nhất 5 năm trở lại đây. Hai tháng cuối năm, thủy sản Việt Nam không thiếu khách hàng, mà doanh nghiệp gặp khó trong khâu vận chuyển do thiếu container và giá cước tăng cao đột biến. Điều này khiến xuất khẩu thủy sản của chúng ta giảm khoảng 200 triệu USD so với dự kiến. Bộ Công thương dự báo khó khăn về vận chuyển có thể kéo dài đến hết tháng 6 năm 2021, nhưng chúng tôi hy vọng hết quý I tình hình sẽ hanh thông.

Nhận định chung về toàn ngành năm 2020, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân nhấn mạnh, 2020 là năm khó khăn của ngành thủy sản về mọi mặt, nhưng chúng ta đã thu được những kết quả hết sức thuận lợi, tiếp tục đà tăng trưởng tốt, giá trị xuất khẩu cao, nhất là khi hàng loạt Hiệp định đã đi vào thực thi, điển hình như EVFTA, CPTPP…

Trên đà của năm 2020, năm 2021, ngành thủy sản đặt mục tiêu tổng sản lượng khoảng 8,5 triệu tấn, bằng 101,1% so với ước thực hiện năm 2020. Trong đó, sản lượng khai thác khoảng 3,61 triệu tấn, bằng 93,6%; sản lượng nuôi trồng 4,9 triệu tấn, bằng 107,4%. Các sản phẩm quốc gia: cá tra 1,5 triệu tấn, tôm nước lợ 980 nghìn tấn (trong đó, tôm sú 280 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 650 nghìn tấn, tôm khác 50 ngàn tấn). Kim ngạch xuất khẩu khoảng 8,6 tỷ USD, bằng 102,6% so với 2020.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, toàn ngành đã đạt được những kết quả tốt, nhưng cần làm tốt hơn nữa về mọi lĩnh vực, có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan, ban ngành, đơn vị. Đặc biệt, cần quan tâm và tăng cường đầu tư lại hệ thống hạ tầng nghề cá, quản lý tốt tàu cá hoạt động khai thác trên biển để sớm giải quyết dứt điểm thẻ vàng của Ủy ban châu Âu.

Thu Hiền

Ý kiến bạn đọc

Tin khác