Một số tỉnh, thành phố ven biển đã tiến hành cấm tàu thuyền ra khơi để ứng phó với áp thấp nhiệt đới (07-10-2021)

Trước những diễn biến phức tạp của diễn biến áp thấp nhiệt đới, để chủ động phòng, chống một số tỉnh, thành phố ven biển (Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị) đã tiến hành cấm tàu thuyền ra khơi.
Một số tỉnh, thành phố ven biển đã tiến hành cấm tàu thuyền ra khơi để ứng phó với áp thấp nhiệt đới

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, jồi 07 giờ ngày 07/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 16,2 độ Vĩ Bắc; 111,2 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Tây quần đảo Hoàng Sa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 80km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới. 

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 5-10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 07 giờ ngày 08/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 17,0 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 130km về phía Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 14,5 đến 18,0 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 108,0 đến 113,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3. 

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chậm theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 07 giờ ngày 09/10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,2 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, ngay trên vùng biển phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24-48 giờ tiếp theo (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): từ vĩ tuyến 15,5 đến 20,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 111,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và sóng lớn. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km.

Cảnh báo gió mạnh, sóng lớn trên biển: Trên vùng biển phía Tây của khu vực Bắc và giữa Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2,0-3,0m, biển động mạnh; trên vùng biển ngoài khơi khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi (bao gồm các huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn và Cù Lao Chàm) có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động rất mạnh; khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, sóng biển cao từ 2,0-3,0m, biển động.

Một số địa phương đã tiến hành cấm tàu thuyền ra khơi

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, tính đến 06h00 ngày 07/10/2021, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 61.468 phương tiện/278.639 lao động, hiện còn 60 tàu/ 480 lao động (giảm 164 tàu/1.827 lao động so với báo cáo 16h30 ngày 06/10) hoạt động trong khu vực giữa biển Đông và quần đảo Hoàng Sa. Các tàu đang di chuyển thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Trong ngày 06/10, Bộ đội Biên phòng đã kêu gọi, kiểm đếm tàu thuyền, tối cùng ngày đã tổ chức bắn pháo hiệu tại 24 điểm từ Thanh Hóa đến Khánh Hòa.

Trước những diễn biến phức tạp của diễn biến áp thấp nhiệt đới, để chủ động phòng, chống một số tỉnh, thành phố ven biển đã tiến hành cấm tàu thuyền ra khơi, cụ thể: Thành phố Đà Nẵng đã cấm biển 14h00 ngày 05/10, Quảng Nam cấm biển 12h00 ngày 06/10; Thừa Thiên Huế cấm biển từ 14h00 ngày 06/10; Quảng Trị cấm biển từ 18h00 ngày 06/10. Các địa phương tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển; chủ trì, tổ chức hướng dẫn sắp xếp tàu thuyền neo đậu an toàn tại âu và các điểm neo đậu trú tránh bão.

Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên biển và ven biển: 72.963ha (các tỉnh có diện tích lớn: Thanh Hóa: 18.843ha, Nghệ An: 21.500ha. Trong đó, tổng số lồng bè nuôi trồng thủy sản của các tỉnh, thành phố ven biển, theo thống kê có 12.666 lồng, bè (các tỉnh có số lượng lớn: Thanh Hóa: 3.384, Nghệ An: 2.100, Bình Định: 2.880). Hiện các tỉnh/thành phố ven biển đã thông báo với người dân, các lực lượng chức năng đã phối hợp tổ chức chằng chống, gia cố; kêu gọi không để người trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác