Hội nghị Phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên (10-07-2019)

Ngày 5 tháng 7 năm 2019, tại  Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai (TW về PCTT) tổ chức Hội nghị Phòng, chống thiên tai (PCTT) khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo TW về PCTT, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài và Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Khánh Hòa Đào Công Thiên chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có khoảng 300 đại biểu đến từ các Bộ, ngành và địa phương.
Hội nghị Phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên

Tại Hội nghị, Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) cho biết: Khu vực miền Trung và Tây Nguyên là khu vực tập trung tàu thuyền đánh bắt xa bờ và nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước (50.048/96.609 tàu trên 6m, chiếm 52% cả nước). Cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống thiên tai tại đây gồm: Tổng sức chứa các khu neo đậu tàu cá đủ tiêu chuẩn theo Quyết định số 1121/QĐ-TCTS ngày 04/4/2019 là 21.951 tàu sông suất 300-1000CV; Hệ thống đê sông được xây dựng với tần suất đảm bảo 5 ¸ 10% để chống lũ sớm, lũ muộn bảo vệ sản xuất. Hệ thống đê biển, đê cửa sông được xây dựng với mức chống được bão cấp 9, 10 và thủy triều ứng trung bình với tần suất 5%.; tổng số mới nâng cấp được 125km/708,5km đê cần nâng cấp (đạt 18%)…

Cùng với miền núi phía Bắc, miền Trung là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai những năm vừa qua, trong đó thiên tai chính gây thiệt hại chủ yếu là lũ, ngập lụt, áp thấp nhiệt đới, bão, hạn hán, sạt lở bờ sông, bờ biển,...Trong đó, hiện trạng bồi lấp cửa sông gây ảnh hưởng nghiêm trọng không những đến khả năng thoát lũ từ đầm phá ra biển và ổn định bờ biển, các công trình hạ tầng công cộng, các khu du lịch ở khu vực; ảnh hưởng đến an toàn và ổn định cuộc sống dân cư và giao thông thủy, cũng như việc ra vào của các tàu đánh bắt xa bờ. Hơn nữa, còn tác động đến sự bền vững về môi trường của đầm phá (chế độ sinh vật, độ mặn để nuôi trồng thủy sản ...) của vùng đầm phá ven biển miền Trung.

Tại Hội nghị, đại biểu các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên đã nêu lên một số khó khăn trong công tác PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) như: Phương tiện, vật tư, năng lực cứu hộ, cứu nạn bất cập chưa đáp ứng yêu cầu của công tác tìm kiếm cứu nạn, nhất là phương tiện cứu hộ trên biển. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chia sẻ các kinh nghiệm ứng phó với thiên tai của các địa phương, trong đó có việc đẩy mạnh kiểm tra việc chuẩn bị thực hiện phương châm 4 tại chỗ, chủ động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả; Tăng cường kiểm tra các điều kiện đảm bảo an toàn tàu thuyền trước khi ra khơi; tổ chức kiểm đếm, neo đậu tàu thuyền trong bến an toàn; bố trí lực lượng xung kích những điểm xung yếu; bảo vệ tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân…

Hội nghị về công tác phòng, chống thiên tai khu vực Miền Trung và Tây Nguyên, nhằm triển khai nội dung kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị PCTT toàn quốc vào ngày 20/6 vừa qua. Hội nghị nhằm đánh giá công tác PCTT trong Khu vực - một khu vực với khoảng trên 20 triệu dân; 78 khu công nghiệp, 17 khu kinh tế, 01 khu công nghệ cao trong thời gian vừa qua đang phát triển rất sôi động về du lịch, hạ tầng đô thị,..song cũng tạo nhiều rủi ro, thách thức mới cho công tác PCTT;  cách thức phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; kết quả đã đạt được cũng như những thách thức, tồn tại, hạn chế trong thời gian vừa qua, rút ra bài học kinh nghiệm, cập nhật tình hình dự báo, cảnh báo thiên tai trong thời gian tới,.. Từ đó rà soát, xây dựng kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trước mắt cũng như lâu dài cho công tác PCTT, nhất là về tổ chức bộ máy, quy chế làm việc của Ban chỉ huy các cấp, trang thiết bị, nguồn lực, chính sách, lực lượng xung kích,…

NN

Ý kiến bạn đọc

Tin khác