Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành giao khu vực biển theo quy hoạch (13-01-2025)

Quảng Ninh đã quy hoạch diện tích khu vực biển dành để phát triển nuôi trồng thủy sản là 45.146 ha, trong đó vùng biển trong 3 hải lý có diện tích 53,0%; vùng biển từ ngoài 3-6 hải lý là 28,8%; vùng biển ngoài 6 hải lý có diện tích chiếm 18,2%.
Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành giao khu vực biển theo quy hoạch
Ảnh minh họa

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản đang tập trung phấn đấu hoàn thành việc giao khu vực biển theo quy hoạch cho các hộ dân đang nuôi trồng thủy sản gắn với cấp phép nuôi trồng thủy sản cho tổ chức, cá nhân có hồ sơ đủ điều kiện. Qua đó, thúc đẩy hoạt động nuôi trồng ngay từ những đầu năm mới. Tổng cộng 36 quyết định giao khu vực nuôi biển vừa được UBND huyện Đầm Hà trao cho 34 hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thị trấn Đầm Hà và các xã Tân Lập, Đầm Hà ngay trong tuần đầu của tháng 1/2025.

Tổng diện tích được giao cho các hộ này là 22.675m2 với 36 vị trí ô nuôi tại khu vực Thoi Dây, xã Tân Lập, trong đó mỗi ô có diện tích 625m2. Việc được UBND huyện giao khu vực nuôi biển đã tạo điều kiện cho các hộ dân nuôi trồng ở các xã, thị trấn của huyện Đầm Hà có tư liệu sản xuất, yên tâm bắt tay ngay vào nuôi trồng thủy sản theo đúng quy hoạch của địa phương. Quy hoạch nuôi trồng thủy sản trên biển của huyện Đầm Hà có tổng diện tích 5.656ha, tập trung ở 4 xã Đại Bình, Tân Lập, Đầm Hà và Tân Bình.

Thực hiện các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về quản lý nhà nước trong lĩnh vực thủy sản nói chung và nuôi biển nói riêng, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu của nghị quyết về phát triển kinh tế thủy sản, huyện Đầm Hà đã rà soát, tập trung đẩy mạnh việc giao khu vực biển cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn và đưa ra các giải pháp khai thác, sử dụng tiềm năng mặt nước nuôi biển hợp lý, phục vụ tái cơ cấu ngành thủy sản trên cơ sở cân đối giữa khai thác và nuôi trồng thủy sản có hiệu quả và phát triển bền vững. Việc bố trí các vùng nuôi biển trên địa bàn được huyện sắp xếp đảm bảo an toàn, khoa học, phù hợp với quy hoạch và toàn bộ sử dụng vật liệu nổi HDPE thân thiện với môi trường để làm hạ tầng nuôi biển.

Một trong những hộ dân đầu tiên được trao quyết định giao khu vực biển để nuôi cá tại khu vực Thoi Dây vui mừng chia sẻ: Đầu năm mới được trao quyết định, gia đình tôi rất phấn khởi. Người dân nuôi trồng thủy sản chúng tôi mong điều này gần 1 năm nay rồi. Giờ được huyện cấp mặt nước nuôi trồng trong thời hạn 15 năm theo quyết định, chúng tôi yên tâm phát triển nuôi cá lồng bè. 34 hộ được UBND huyện Đầm Hà trao quyết định đợt đầu tiên này đều là các hộ nuôi cá lồng bè.

Ngay trong những ngày đầu năm mới 2025, các địa phương ven biển của tỉnh Quảng Ninh đang tích cực đẩy nhanh tiến độ giao khu vực biển để các tổ chức, cá nhân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Diện tích khu vực biển dành phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh Quảng Ninh đã quy hoạch 45.146 ha, trong đó vùng biển trong 3 hải lý có diện tích là 23.875 ha (chiếm 53,0%); vùng biển từ ngoài 3 - 6 hải lý có diện tích là 13.031 ha (chiếm 28,8%); vùng biển ngoài 6 hải lý có diện tích là 8.240 ha (chiếm 18,2%).

Hiện có 122 tổ chức và 1.116 cá nhân đề xuất nhu cầu nuôi trồng thủy sản trên biển. Đến nay, toàn tỉnh Quảng Ninh có 5 địa phương thực hiện giao khu vực biển trong thẩm quyền cho các tổ chức, cá nhân nuôi trồng với tổng diện tích gần 8.800ha tại Quảng Yên, Vân Đồn, Cẩm Phả, Đầm Hà và Hải Hà. Sau khi được Sở NN&PTNT cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản và được Sở TN&MT giao khu vực biển tại khu vực Hòn Chín, xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, Hợp tác xã thương mại và thủy sản Mạnh Đức đã bắt đầu xuống mẻ giống ngao hai cùi đầu tiên vào ngày 29/12/2024 và đến nay đang tiếp tục xuống để hoàn thành thả nuôi hơn 6 triệu giống trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ.

Với diện tích được giao là 470,30ha, hợp tác xã ưu tiên áp dụng hình thức nuôi thả ở tầng đáy để giảm chi phí đầu tư so với nuôi lồng và như thế con giống được thả như nuôi ở tự nhiên ở vùng biển Vân Đồn. Qua đó, giúp giảm chi phí đầu tư và giảm tác động bởi môi trường. Hiện nay, đang tập trung ương thêm giống để đạt đến kích cỡ phù hợp để ngay sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ sẽ xuống tiếp vài chục triệu giống tu hài và ngao ô vuông nữa. Với hình thức đầu tư quy mô lớn nếu thời tiết thuận lợi, con giống nuôi thương phẩm phát triển ổn định trung bình từ 9 - 12 tháng nuôi, có thể thu sản lượng lên tới trên 800 tấn/năm.

Dự báo hết quý II năm 2025, các cơ sở nuôi trồng thủy sản biển trong tỉnh mới cơ bản khắc phục xong cơ sở hạ tầng và đi vào sản xuất ổn định. Để đảm bảo kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025, ngay từ những ngày đầu năm mới, các sở, ngành liên quan và các địa phương ven biển của tỉnh Quảng Ninh tiếp tục khẩn trương hoàn thành việc giao biển để các hộ nuôi trồng có điều kiện tái sản xuất gắn với chuyển đổi công nghệ nuôi theo hướng công nghệ cao.

Đồng thời, không gian nuôi biển cũng được tổ chức lại với mục tiêu đẩy mạnh nuôi biển, phát huy lợi thế vùng, liên vùng, phấn đấu diện tích nuôi biển toàn tỉnh đạt 15.000ha, tăng 4.800ha so với năm 2024. Tốc độ tăng trưởng nuôi trồng thủy sản khoảng 11,4%.

Ngọc Thúy (quangninh.gov.vn)

Ý kiến bạn đọc