Hà Nam: Chủ động các biện pháp phòng chống rét cho động vật thủy sản (20-12-2024)

Những ngày qua, không khí lạnh đã khiến nhiệt độ giảm sâu, trời rét đậm làm ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân. Để bảo vệ động vật thủy sản trước tác động của thời tiết bà con cần chủ động trong công tác phòng chống rét cho thủy sản, hạn chế tối đa thiệt hại do rét đậm rét hại gây ra.
Hà Nam: Chủ động các biện pháp phòng chống rét cho động vật thủy sản
Ảnh minh họa

Theo nhận định của các chuyên gia thời tiết, không khí lạnh năm nay sẽ bắt đầu từ tháng 12 và kéo dài đến tháng 1, 2 năm sau, xen kẽ các đợt nắng ấm. Trong đó khu vực Bắc bộ có những đợt rét đậm, rét hại do không khí lạnh tăng cường, nền nhiệt sẽ lạnh hơn trung bình nhiều năm 0,5 - 0,750C. Sự chuyển trạng thái từ nóng sang lạnh khá đột ngột và chênh lệch nhiệt độ sẽ cao trong quãng thời gian ngắn.

Bên cạnh đó, do các loài thủy sản là động vật biến nhiệt, nhiệt độ cơ thể thay đổi theo nhiệt độ môi trường, rét đậm rét hại kéo dài ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng sinh trưởng, phát triển, làm giảm sức đề kháng và gây chết hàng loạt những loài chịu lạnh kém, … Để chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do thời tiết giá rét gây ra, các hộ nuôi trồng thủy sản cần thực hiện tốt một số biện pháp.

Đối với ao nuôi

Tiến hành thu hoạch các đối tượng đạt kích cỡ thương phẩm để tránh thiệt hại do rét gây ra, nhất là các loài chịu lạnh kém như cá chim trắng, cá lóc bông, cá rô phi, ếch,…

 Đối với đàn thủy sản nuôi qua đông chưa đạt kích cỡ thương phẩm, đàn bố mẹ, cá giống, chọn những ao khuất gió Bắc, có cây cối hoặc nhà che chắn, có nguồn nước bổ sung, chủ động cấp, thoát. Nếu ao ở hướng gió thì nên đào ao sâu ở hướng Bắc để làm nơi cho cá trú ngụ trong mùa rét. Bờ ao tu sửa chắc chắn, không rò rỉ, bờ phía đông nên thoáng đãng, không bị cây che ánh sáng mặt trời.

Luôn duy trì mực nước ao nuôi tối thiểu 1,5 mét, tốt nhất từ 2 mét trở lên, thả bèo tây từ 1/3-1/2 diện tích mặt ao về phía Bắc để chắn gió hoặc làm khung che phủ mặt ao bằng nylon sáng màu nhằm ngăn sự mất nhiệt của nước.

Định kỳ 2 lần/tháng sử dụng vôi bột, với hàm lượng 2-3 kg/100m3 nước hoặc các loại hóa chất như Iodine, BKC, Vicato,… để khử trùng. Dọn sạch cỏ, rác và thức ăn thừa trong ao, khi thấy nước ao bị ô nhiễm, sử dụng các sản phẩm xử lý môi trường để tiêu diệt mầm bệnh, hấp thu khí độc và tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học với liều lượng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Với lồng bè trên sông

 Di chuyển lồng đến nơi ít gió, hạ độ sâu đảm bảo độ sâu của lồng nuôi luôn ở mức > 2,5 m. Chủ động che phủ mặt lồng nuôi bằng nilon sáng màu hoặc bạt vào thời gian rét đậm, rét hại.

Treo túi vôi bột với lượng 5 - 10kg/túi hoặc viên TCCA với liều lượng 0,5kg/túi ở độ sâu bằng 1/3 -1/2 độ sâu mực nước trong lồng nuôi. Thay sau 10-15 ngày treo hoặc khi vôi, hóa chất tan hết.

Chế độ chăm sóc, cho ăn

Để đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chế độ chăm sóc chu đáo và cho ăn đầy đủ đảm bảo chất lượng và số lượng là yếu tố quan trọng đối với động vật thủy sản nuôi. Các họ nuôi cần chú ý vỗ béo cho đàn thủy sản nuôi trước khi vào mùa rét để đảm bảo vật nuôi khỏe, có sức đề kháng với bệnh tật, tăng khả năng chống chịu.

Cho thủy sản ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng và điều chỉnh chế độ cho ăn hợp lý. Khi nhiệt độ nước xuống dưới 180C, giảm 1/2 lượng thức ăn, khi nhiệt độ nước xuống dưới 150C ngừng cho ăn. Tranh thủ ngày nắng ấm hoặc buổi trưa trời nắng để cho ăn, thức ăn cần bổ sung các loại vitamin, men vi sinh hỗ trợ tiêu hóa, tăng sức đề kháng. Với thức ăn công nghiệp nên chọn loại có hàm lượng đạm cao hơn nhu cầu để giúp thủy sản nuôi hồi phục sức khỏe sau thời gian chống rét.

Đặc biệt, tuyệt đối không kiểm tra, thu hoạch theo kiểu đánh tỉa, thả bù trong thời gian giá rét để tránh xây xát, hạn chế nấm bệnh, vi khuẩn, ký sinh trùng,... phát triển gây hại cho thủy sản nuôi; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, tình trạng sức khỏe của thủy sản nuôi và các yếu tố môi trường nước để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp bất thường. Trường hợp nếu xảy ra hiện tượng vật nuôi bị chết do rét hoặc bệnh thì báo ngay cho cán bộ thú y cơ sở hoặc cơ quan chuyên môn để được hướng dẫn.

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc