Ngành tôm bền vững nhờ kinh tế tuần hoàn (23-11-2024)

Ngày 22/11/2024, tại TP. Cần Thơ, hội thảo “Khởi động động dự án i4Ag và tham vấn đổi mới sáng tạo trong ngành tôm Việt Nam theo hướng thúc đẩy kinh tế tuần hoàn” đã được Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ phối hợp với Cục Thủy sản - Bộ NN&PTNT tổ chức. 
Ngành tôm bền vững nhờ kinh tế tuần hoàn
Ảnh 1: Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản và ông Ngô Tiến Chương – Trưởng nhóm thủy sản GIZ chủ trì hội thảo

Hội thảo thu hút sự tham gia của hơn 100 đại biểu, đại diện các cơ quản quản lý trung ương và địa phương đến từ 30 tỉnh, thành, viện nghiên cứu, trường đại học, các Hội và hiệp hội ngành hàng tôm và các doanh nghiệp có liên quan chuỗi giá trị tôm nước lợ.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết ngành tôm Việt Nam đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thủy sản, với 40% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản hàng năm, đạt khoảng 4 tỷ USD. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chiếm 85% sản lượng tôm, với hơn 200.000 ha áp dụng các mô hình canh tác tôm - lúa và tôm - rừng. Tuy nhiên, ngành tôm đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, đến chi phí sản xuất cao và năng suất thấp. Nếu áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn và đổi mới sáng tạo, nhằm tối ưu hóa nguồn lực và bảo vệ môi trường sẽ mở ra cơ hội rất lớn.

Theo ông Ngô Tiến Chương, trưởng nhóm thủy sản của Tổ chức hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) đã dẫn các thách thức với ngành tôm Việt Nam như tỷ lệ thành công vụ nuôi thấp, chỉ hơn 40% (trong khi ở Ecuardor là 65%); chi phí sản xuất cao hơn các nước trong nhóm đầu. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tại vùng ĐBSCL thấp nhất cả nước; việc liên kết sản xuất còn bất cập; sản phẩm giá trị gia tăng thấp…

Bên cạnh đó, việc khai thác và sử dụng phụ phẩm tôm còn nhiều hạn chế. Theo số liệu từ Cục Thủy sản phụ phẩm của thủy sản Việt Nam mỗi năm từ 1,3 - 1,5 triệu tấn trong đó từ 400.000 - 500.000 tấn phụ phẩm tôm mỗi năm, nhưng chỉ 10-20% được xuất khẩu và chủ yếu dùng cho chăn nuôi. Giá trị phụ phẩm này chưa được khai thác hiệu quả, dù tiềm năng rất lớn.

Kinh tế tuần hoàn là giải pháp cho ngành tôm

Kinh tế tuần hoàn (KTTH) được xem là mô hình lý tưởng để giải quyết những bất cập hiện tại của ngành tôm. KTTH hướng đến tối ưu hóa tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính và tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đây là mô hình sản xuất khép kín, trong đó chất thải từ một quá trình sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào cho quá trình khác.

Một ví dụ điển hình là việc chế biến phụ phẩm tôm thành chitosan, bột protein hoặc nguyên liệu cho ngành y dược và mỹ phẩm. Sản phẩm từ phụ phẩm tôm có thể mang lại giá trị gấp 20 - 30 lần so với chế biến thô. Nếu được khai thác tốt, ngành phụ phẩm tôm không chỉ giảm thiểu lãng phí mà còn có thể mang lại doanh thu cả tỷ USD mỗi năm

Ngoài ra, mô hình nuôi tôm - lúa và tôm - rừng là những hình mẫu áp dụng KTTH thành công. Mô hình tôm - lúa tận dụng chất thải hữu cơ từ tôm để cải tạo đất và cung cấp dinh dưỡng cho lúa, trong khi mô hình tôm - rừng không chỉ giúp bảo vệ rừng ngập mặn mà còn giảm thiểu chi phí thuốc hóa học.

Tại hội thảo, ông Ngô Tiến Chương đã giới thiệu ba giải pháp đổi mới sáng tạo đang được triển khai tại Sóc Trăng và Cà Mau: Hệ thống nuôi tuần hoàn khép kín (RAS) là công nghệ giúp kiểm soát chất lượng nước, giảm thiểu bệnh dịch, nâng cao năng suất và giảm tác động môi trường. Mô hình nuôi tôm - rừng cải tiến giúp cải thiện chất lượng nước, tăng tỷ lệ sống của tôm giống và sử dụng thức ăn tự nhiên. Cải thiện chất lượng nước để giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng tôm giống và đảm bảo an toàn sinh học. Những đổi mới này không chỉ giúp ngành tôm tiết kiệm tài nguyên mà còn nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Phụ phẩm tôm là mỏ vàng chưa được khai phá

Ảnh 2: Hội thảo có sự tham gia đông đảo từ các tổ chức, cá nhân

Theo ông Đào Trọng Hiếu, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT), phụ phẩm tôm là “mỏ vàng” chưa được khai thác đúng mức. Hiện nay, 70% phụ phẩm tôm chỉ phục vụ ngành chăn nuôi, chỉ hơn 15% phục vụ cho công nghiệp thực phẩm, chưa tới 2% cho y dược... trong khi tiềm năng sử dụng trong y dược, thực phẩm chức năng còn rất lớn.

Phụ phẩm tôm khi được chế biến sâu thành các sản phẩm phục vụ chăn nuôi có giá trị tăng từ 3-5 lần so với chế biến thô; trong lĩnh vực thực phẩm, giá trị có thể tăng từ 5-10 lần; thực phẩm chức năng đạt mức 15-20 lần và đặc biệt trong dược phẩm, giá trị có thể cao hơn 20-30 lần. Các sản phẩm như chitosan từ vỏ tôm hay bột canxi có giá trị gia tăng cao nhưng vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi.

Theo ông Hiếu, các sản phẩm chế biến từ phụ phẩm tôm hiện có tới 80-90% tiêu thụ trong nước, trong khi xuất khẩu chỉ chiếm 10-20%, chủ yếu sang các quốc gia châu Á như Trung Quốc và Thái Lan. Năm 2021, doanh thu từ phụ phẩm tôm đạt gần 4.000 tỷ đồng, và nếu được khai thác tốt, con số này có thể tăng đáng kể, thậm chí đạt mức hàng tỷ USD. Ông Hiếu nhấn mạnh phụ phẩm tôm cần được xem như sản phẩm chính, thậm chí có giá trị vượt trội hơn.

Để thúc đẩy sự phát triển này, cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng chế biến phụ phẩm đồng bộ, kết nối chuỗi cung ứng và chế biến phụ phẩm với các cơ sở sản xuất chính phẩm. Cần khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, nâng cấp trang thiết bị để thu gom, phân loại, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ phụ phẩm tôm một cách hiệu quả. Việc xây dựng các cụm liên kết chế biến phụ phẩm tôm tại ĐBSCL sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực và giảm thiểu lãng phí. Đồng thời, cần thúc đẩy chuyển giao công nghệ tái chế hiện đại, nhằm nâng cao giá trị các sản phẩm phụ phẩm.

Ảnh 3: Các đại biểu tham gia chụp hình lưu niệm

Chính sách và sự tham gia của cộng đồng

Phát triển KTTH trong ngành tôm cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng. Các chính sách như Quyết định số 687/QĐ-TTg về phát triển KTTH và Quyết định số 1658/QĐ-TTg về tăng trưởng xanh đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc. Tuy nhiên, cần có thêm cơ chế ưu đãi và khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị.

Ngoài ra, việc đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao nhận thức cộng đồng cũng là yếu tố then chốt. Theo báo cáo, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề tại ĐBSCL hiện rất thấp, chỉ 13,3%, là rào cản lớn đối với việc áp dụng các công nghệ hiện đại.

Hội thảo ngày 22/11/2024 đã khẳng định rằng KTTH là xu hướng tất yếu để ngành tôm Việt Nam phát triển bền vững. Với sự hỗ trợ từ các chính sách, công nghệ đổi mới và sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, ngành tôm không chỉ giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn nâng cao giá trị gia tăng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngành tôm Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu cho sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng một tương lai bền vững.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc