Hòa Bình: Bảo đảm sản xuất thủy sản an toàn mùa mưa bão (12-08-2024)

Mặc dù được đầu tư cơ sở hạ tầng khu nuôi và áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại hơn trước, song nuôi trồng thủy sản là lĩnh vực sản xuất dễ bị ảnh hưởng, gây thiệt hại lớn trong mùa mưa bão. Do đó, ngay từ đầu mùa, ngành nông nghiệp tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với các địa phương đề ra nhiều biện pháp phòng, chống, khắc phục rủi ro, bảo đảm an toàn cho các vùng nuôi thủy sản.
Hòa Bình: Bảo đảm sản xuất thủy sản an toàn mùa mưa bão
Ảnh minh họa

Tận dụng diện tích mặt nước hồ Hòa Bình, nhiều năm trở lại đây, người dân vùng hồ đưa mô hình nuôi cá lồng vào phát triển kinh tế. Gia đình ông Xa Văn Mong là một trong những hộ tiên phong nuôi cá lồng ở xã Hiền Lương (Đà Bắc). Gia đình chủ yếu nuôi cá rô phi đơn tính, lăng, trắm đen, trắm trắng. Mỗi lồng cá hằng năm cho thu nhập từ 25 - 40 triệu đồng. Mức thu nhập này cao hơn nhiều so với làm lâm nghiệp hay trồng ngô, sắn. Bên cạnh cung cấp cá thương phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh, gia đình còn bán cho một số điểm du lịch trong xã. Với hàng chục năm kinh nghiệm nuôi cá lồng, hiện nay, gia đình anh Phạm Hùng Sơn ở xóm Mới, xã Thung Nai (Cao Phong) đã đầu tư nuôi quy mô lớn, với lồng nuôi bằng kim loại, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng chục tấn cá, đem lại nguồn thu nhập ổn định.

Cũng như gia đình ông Mong, anh Sơn, đối với hàng nghìn hộ dân phát triển nghề nuôi cá lồng ở vùng hồ Hòa Bình, việc bảo vệ mỗi lồng cá khi bước vào mùa mưa bão chính là bảo vệ sản nghiệp. Nhiều năm nay, đã duy trì hơn 20 lồng cá. Bước vào mùa mưa bão, chủ động gia cố cọc néo, mua thêm dây thừng chằng lại thành ngăn nuôi cá và vây lưới xung quanh các lồng để cá không nhảy ra ngoài khi nước dâng cao. Ngoài ra, còn bố trí khu vực an toàn, có dòng chảy phù hợp phòng khi bão đổ bộ có thể di chuyển lồng bè, bảo vệ đàn thủy sản. Bên cạnh đó, trước mỗi đợt mưa bão, tỉnh thường có công điện chỉ đạo, lãnh đạo UBND xã cũng quán triệt chấp hành nghiêm, di chuyển người và vật tư đến nơi an toàn theo quy định.

Hồ Hoà Bình là một trong những hồ chứa nước ngọt lớn nhất miền Bắc, tổng diện tích khoảng 8.900 ha, sức chứa 9,3 tỷ m3 nước. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi và sự quan tâm của các cấp, các ngành, nghề nuôi cá lồng đã có bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2014 trong tỉnh mới có 1.700 lồng cá thì đến nay đã tăng lên gần 5.000 lồng cá, sản lượng trên 7.000 tấn/năm. Từ những chiếc lồng được làm bằng tre, bương nay đã được thay thế bằng khung sắt, kẽm và ống nhựa HDPE có độ bền cao, thân thiện với môi trường. Theo Chi cục Thuỷ sản tỉnh, hiện nay có 5 cơ sở nuôi trên 100 lồng cá, còn đa số các cơ sở nuôi từ 20 - 50 lồng.

Biến đổi khí hậu làm gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, dị thường. Theo dự báo, năm nay, mùa bão cần đề phòng những cơn bão phức tạp, cùng với đó là một số hiện tượng thời tiết cực đoan. Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi thủy sản, Chi cục đã tham mưu Sở NN&PTNT hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ diện tích nuôi thủy sản. Trong đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức tốt công tác tập huấn phòng, chống thiên tai. Đối với các huyện có diện tích nuôi cá lồng trên sông thì hướng dẫn người nuôi kiểm tra, gia cố hệ thống dây néo, phao và chủ động di chuyển lồng nuôi về địa điểm an toàn, có điều kiện môi trường thuận lợi khi có mưa to, gió lớn. Ngoài ra, thường xuyên liên hệ với cơ quan chuyên môn và địa phương để có biện pháp xử lý phù hợp khi sự cố xảy ra.

Chi cục Thủy sản cũng khuyến cáo đối với người dân cần tiến hành thu hoạch khi cá nuôi đạt kích cỡ thương phẩm; kiểm tra lại lồng bè, gia cố dây neo, phao lồng, di chuyển vào nơi an toàn. Đối với nuôi cá trong ao hồ nhỏ cần kiểm tra và tu bổ lại bờ ao cho chắc chắn; kiểm tra hệ thống xả tràn, khơi thông dòng chảy ở các sông suối, mương xung quanh ao để thoát nước được dễ dàng. Đồng thời cần chuẩn bị lưới, đăng chắn, cọc tre để cắm khi nước tràn hoặc vỡ bờ…

Ngọc Thúy (theo Báo Hòa Bình)

Ý kiến bạn đọc