Bắt đầu mùa mưa, khi các kênh rạch có nhiều nước là thời điểm sinh sản của các loại cá đồng, đây cũng là lúc nhiều người tận dụng bắt cá non, cá con bán. Dù ngành chức năng khuyến cáo, hướng dẫn, thậm chí có những biện pháp cứng rắn để ngăn chặn, nhưng hễ bước vào mùa mưa, tình trạng người dân lại đổ xô giăng bắt, mua bán các loại cá non đã trở thành điệp khúc chưa có hồi kết.
Theo ghi nhận, những người bán cá con thường tập trung ở các chợ tự phát vùng ven Thành phố Hồ Chí Minh (TP HCM). Điểm bán cá con lớn nhất nằm trên quốc lộ 22, gần chợ Tân Thông, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi. Ở đây có rất nhiều loại cá con như ròng ròng, cá rô bí, cá rễ tranh, lia thia với số lượng lên đến hàng trăm kg/ngày, giá bán trung bình 200.000 đồng/kg. “Cá được thu mua từ Long An và Tây Ninh, Cà Mau. Đây là đặc sản, hơi đắt tiền nên chủ yếu bán cho khách đi đường từ TP HCM lên Củ Chi chơi” - một người bán cá ở đây cho biết.
Chợ trên đường Phạm Đăng Giảng (phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) cũng là điểm bán cá con khá nổi tiếng. Một người bán cá ở đây cho biết cá con được mua mối từ tỉnh Long An. “Đây là cá tự nhiên, bắt từ ruộng nên rất ngon, giá 1 kg là 200.000 đồng” - người này nói. Hầu hết người bán cá con đều cho biết chưa hề bị nhắc nhở, xử phạt do buôn bán loài cá này. Những người mua cá lại càng đinh ninh không có chuyện cấm đánh bắt, mua bán cá con. Việc mua bán cá con tự nhiên như trên là vi phạm quy định về đánh bắt thủy hải sản. Đối với cá nuôi thì được bán cá con. Song trên thực tế cá nuôi thường được bán dưới dạng cá giống vì giá cao hơn rất nhiều so với giá bán cá để ăn.
Vấn nạn đánh bắt cá non tại Cà Mau mỗi mùa nước nổi
Cứ mỗi mùa nước nổi, dạo quanh một số điểm chợ ở TP Cà Mau như chợ Phường 4, chợ Phường 7, chợ Phường 8..., dễ dàng bắt gặp những tiểu thương bày bán mặt hàng thuỷ sản, trong đó xen lẫn cá non đã chết. Những loại cá này chủ yếu là cá lóc non, cá rô non. Giá cả cũng tương đối cao, dao động từ 15 ngàn đồng/100 gram. Còn những số cá non sống sẽ được các tiểu thương “giấu” trong thau chứa, khi có người mua sẽ đưa ra.
Tình trạng này còn dễ nhận thấy hơn trên các tuyến đường về các địa phương vùng ngọt: Huyện Trần Văn Thời, U Minh. Tại đây, bằng nhiều cách thức đa dạng, người dân vừa trực tiếp đánh bắt vừa bày bán ngay tại nhà, dù biết việc làm này là vi phạm quy định.
Xã Nguyễn Phích (huyện U Minh) là một trong những khu vực có nguồn lợi cá đồng khá nhiều. Mặc dù thường xuyên kiểm tra và nhắc nhở nhưng tình trạng giăng bắt cá non vẫn tiếp tục tái phạm.
Theo đại diện Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Thông tư 02/2006 của Bộ quy định rất rõ đối với từng loại cá khi đến kích cỡ nào thì mới được đánh bắt. Ví dụ, chiều dài ròng ròng tự nhiên phải đạt tới 220 mm, cá rô đồng phải trên 80 mm thì mới được bắt. Thông tư còn hướng dẫn cụ thể về thời gian cấm đánh bắt cá để tránh đánh bắt vào mùa cá sinh sản.
Thực tế, chủ trương cấm bán cá non đã được tuyên truyền nhiều năm qua, nhưng vì lợi ích trước mắt, nhiều nông dân thiếu ý thức, dùng lưới mành, kích thước lỗ rất nhỏ kéo bắt nguồn cá non để cải thiện bữa ăn, thậm chí để bán với giá cao, vi phạm quy định về quản lý thuỷ sản.
Anh Trần Văn Đô, xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời, cho biết, những năm gần đây nguồn cá đồng tự nhiên bị cạn kiệt nhanh, một phần do người dân thiếu ý thức bảo vệ. Do cạn kiệt không còn cá lớn để bắt, nhiều người dùng mọi hình thức để bắt cá non như dùng lưới mành kéo bắt cá lòng ròng. Mùa này, cá non bày bán ở các chợ với giá rất đắt, từ 15.000 - 20.000/đồng/100 gram. Theo quy định chỉ được mua bán cá đồng đối với loại cá có đủ kích cỡ, trọng lượng như cá lóc 6 con/kg trở lên, cá rô đạt 10 con/kg, cá bổi 10 con/kg… Loại có trọng lượng thấp hơn không được phép mua bán.
Anh Phan Thanh Toàn, nông dân ở xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, cho biết, trước đây người dân dùng lưới để bắt cá, sau đó chọn cá đủ kích cỡ để bán, cá non thả lại làm cá giống, nhưng hiện nay người dân dùng mọi hình thức bắt cá non. Đây chính là nguyên nhân làm cho nguồn cá bị tận diệt.
Một số địa phương quyết liệt bảo vệ cá non
Huyện Trần Văn Thời nổi tiếng với nguồn lợi cá đồng tự nhiên phong phú, sản lượng hàng chục ngàn tấn mỗi năm, được coi là nơi sinh ra cá đồng với các địa danh nổi tiếng như Khánh Hưng, Khánh Hải, Trần Hợi và Khánh Bình Tây. Tuy nhiên, trước đây, do thiếu ý thức bảo vệ của cộng đồng dân cư, hoạt động khai thác chưa đồng bộ với các biện pháp bảo vệ, đặc biệt là sử dụng xung điện và các hóa chất độc hại trong quá trình khai thác, dẫn đến việc nguồn lợi cá đồng tự nhiên trên địa bàn huyện suy giảm đáng kể.
Những năm gần đây, UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương như xã, thị trấn cùng tăng cường các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, đặc biệt là trong việc bảo vệ cá non giai đoạn đầu mùa mưa. Công tác này được liên kết chặt chẽ với việc thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TU, ngày 26/2/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ và Chỉ thị số 10/CT-UBND, ngày 15/11/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh, nhằm tăng cường quản lý và ngăn chặn các hành vi khai thác có tính huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản. Đồng thời, huyện cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn lợi cá đồng, khuyến khích người dân tham gia cam kết không tham gia khai thác thuỷ sản theo kiểu huỷ diệt và tận diệt. Cùng với đó, việc tập trung vào khôi phục và bảo vệ nguồn lợi cá đồng tự nhiên đã được đặc biệt quan tâm và thực hiện một cách có hiệu quả trên địa phương.
Xã Khánh Bình Đông là một trong những địa phương tiên phong thực hiện các biện pháp bảo vệ cá non một cách quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để ngăn chặn hoạt động khai thác thuỷ sản có tính huỷ diệt và tận diệt. Ông Cao Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã, chia sẻ: "Chúng tôi đã phát hành các văn bản chỉ đạo và triển khai các biện pháp cụ thể, đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc bảo vệ nguồn lợi cá đồng. Hiện nay, đã có hơn 4 ngàn hộ dân cam kết không tham gia khai thác thuỷ sản theo kiểu huỷ diệt và tận diệt."
Thị trấn Trần Văn Thời cũng không ngừng quan tâm và triển khai các biện pháp phòng, chống khai thác thuỷ sản theo kiểu huỷ diệt và tận diệt. UBND thị trấn đã chỉ đạo các đơn vị liên quan và cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia vào các hoạt động bảo vệ nguồn lợi cá đồng tự nhiên, đặc biệt là trong việc giám sát và kiểm tra các hoạt động khai thác thuỷ sản.
Ông Trịnh Việt Khái, Chủ tịch UBND thị trấn, khẳng định: "Chúng tôi đã thành lập các tổ công tác đồng hành với Ban quản lý chợ thị trấn để thực hiện các biện pháp kiểm soát, đảm bảo nguồn lợi cá đồng tự nhiên. Đến nay, đã có nhiều hộ dân tự nguyện giao nộp các dụng cụ kích điện, đồng thời chúng tôi cũng đã phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến khai thác thuỷ sản theo kiểu huỷ diệt và tận diệt."
Cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, nhận thức của cộng đồng về việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, đặc biệt là việc bảo vệ cá non, đã được nâng cao đáng kể. Nhiều hộ dân đã điều chỉnh lại mô hình sản xuất để kết hợp trồng lúa và nuôi cá đồng tự nhiên, từ đó không chỉ tăng thêm thu nhập mà còn giúp bảo vệ và phát triển nguồn lợi cá đồng tự nhiên.
Hải Đăng