Chuẩn hóa nghề làm rong nho tại Khánh Hòa (03-07-2024)

Tại tỉnh Khánh Hòa, mới đây, Nghiệp đoàn cơ sở nuôi trồng rong nho Ninh Hải được thành lập, đã góp phần chuẩn hóa nghề làm rong nho.
Chuẩn hóa nghề làm rong nho tại Khánh Hòa
Ảnh minh họa

Từ lâu, Ninh Hải đã được mệnh danh là “thủ phủ rong nho” của tỉnh Khánh Hòa. Các hoạt động trồng, thu hái, chế biến rong nho nơi đây đã trở thành một nghề, thu hút hàng trăm lao động ở địa phương. Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh vừa mới thành lập Nghiệp đoàn cơ sở nuôi trồng rong nho Ninh Hải, góp phần nâng tầm một nghề  thủy sản đầy triển vọng.

Những năm gần đây, nhắc đến sản vật Khánh Hòa, ngoài trầm hương, yến sào, rong nho cũng đã bắt đầu được nhiều người biết đến. Loại rau xanh mát và bổ dưỡng này có thủ phủ ở phường Ninh Hải (thị xã Ninh Hòa). Khi cây rong nho đã bén rễ, sinh sôi xanh mướt các ao đìa cũng là lúc những nghề đi kèm hình thành và phát triển. Mỗi ngày, thợ hái rong nho làm việc từ 7 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Người vớt rong được trả công 10.000 đồng/kg rong. Đối với những đìa rong tươi tốt, mỗi buổi một người có thể vớt được cả trăm kilogam. Các thợ vớt rong thường hình thành tổ đội, mỗi tổ khoảng 10 người. Họ có các dụng cụ chuyên dụng như: Áo lặn, kính lặn, ống thở để có thể làm việc trong hàng giờ liên tục. Vùng rong nho Ninh Hải có hàng trăm người làm nghề hái rong như vậy.

Hàng năm, rong nho thường được trồng từ tháng 2 đến tháng 8, thời gian còn lại chủ yếu rơi vào thời điểm mưa bão nhiều, độ mặn của nước và ánh nắng mặt trời không đảm bảo để rong phát triển. Thông thường cứ 15 ngày lại tiến hành thu hoạch rong một lần. Rong sau khi hái về được nuôi lại và làm sạch, sau đó bán tươi, tách nước hoặc chế biến ra nhiều sản phẩm như: Snack, rang phồng, thạch rong nho… 

Trong 15 năm qua, trên địa bàn phường Ninh Hải, nhiều hộ nuôi ốc, tôm, làm muối đã cải tạo ao đìa, chuyển sang trồng rong nho. Đến nay, toàn phường có khoảng 30ha rong nho, sản lượng bình quân hàng năm gần 500 tấn, hình thành nên một nghề với đầy đủ các khâu từ trồng, thu hái, chế biến và kinh doanh rong nho, thu hút hàng trăm lao động và hàng chục doanh nghiệp.

Triển khai thực hiện chuỗi rong biển bền vững

Hiện tại, Ninh Hải đã hình thành nên các đội thu vớt rong nho với khoảng 320 người, chưa kể hàng trăm công nhân, lao động làm việc trong các cơ sở chế biến rong. Sau một thời gian vận động, cuối tháng 5 vừa qua, Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức lễ ra mắt Nghiệp đoàn cơ sở nuôi trồng rong nho Ninh Hải.

Chủ tịch Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Khánh Hòa cho biết, nghiệp đoàn ra đời trước hết nhằm chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho các đoàn viên theo quy định pháp luật; đồng thời, từng bước chuẩn hóa đội ngũ lao động này. Công đoàn ngành sẽ hỗ trợ nghiệp đoàn tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong thực hành sản xuất, các quy định liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường, an toàn lao động...; giúp đỡ thành viên trong nghiệp đoàn thống nhất quy trình, kỹ thuật sản xuất, tạo ra chuỗi hàng hóa có uy tín, đảm bảo chất lượng, giúp thu hút đầu tư, tìm đối tác và đầu ra cho sản phẩm.

Cũng theo lãnh đạo Công đoàn ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trong quy hoạch phát triển thủy sản của tỉnh Khánh Hòa có ngành nghề trồng rong nho. Hiện nay, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) đang triển khai dự án chuỗi rong biển bền vững - Dự án GEF từ năm 2022 - 2026. Khánh Hòa là một trong những địa phương được lựa chọn để triển khai dự án này. Cụ thể, tại Khánh Hòa, dự án tập trung tạo điều kiện môi trường để phát triển ngành sản xuất rong biển; phát triển chuỗi giá trị (triển khai mô hình trồng rong nho, xây dựng chuỗi liên kết rong nho, hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi,..); xây dựng thí điểm mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững có kết hợp trồng rong tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng tại địa phương.

Cùng với việc hình thành nghiệp đoàn, trong đó có các hộ trồng, thu hái, chế biến và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực rong nho tại Ninh Hải sẽ tạo nên mối liên kết, hợp tác, thống nhất, từng bước giải quyết được những khó khăn về đầu ra sản phẩm, công đoạn bảo quản rong sau khi thu hoạch, hạn chế của người trồng rong trong nắm bắt thông tin thị trường… Đồng thời, từng bước chuẩn hóa, nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp, hiện đại của nghề làm rong nho. 

Ngọc Thúy (baokhanhhoa.vn)

Ý kiến bạn đọc