Nâng cao năng lực quản lý giống và thức ăn thủy sản (18-11-2023)

Ngày 17/11/2023, tại Cần Thơ, Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) và Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) đã tổ chức Hội nghị tập huấn “Quản lý giống và thức ăn thủy sản” cho hơn 60 cán bộ và cá nhân liên quan.
Nâng cao năng lực quản lý giống và thức ăn thủy sản
Hội nghị tập huấn chuyên đề này đã đi đúng theo nhu cầu thực tế tại địa phương.

Nâng cao kỹ năng quản lý

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Cục Thủy sản, lãnh đạo và công chức thực thi nhiệm vụ quản lý thủy sản của Chi cục Thủy sản/Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, một số tổ chức và cá nhân liên quan. Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chủ trì Hội nghị.

Hội nghị tập huấn được tổ chức với mục đích nâng cao kỹ năng quản lý, kiểm tra đánh giá, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe báo cáo của Cục Thủy sản cập nhật tình hình sản xuất nuôi trồng thủy sản, sản xuất cung ứng giống, thức ăn thủy sản 10 tháng đầu năm 2023. Sau đó rà soát lại các văn bản pháp luật quy định phân công quản lý, phát triển giống thủy sản, thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường. 

Theo Luật Thủy sản năm 2017 và các Thông tư, Nghị định hướng dẫn, Cục Thủy sản sẽ có nhiệm vụ Quản lý điều kiện, chất lượng trong sản xuất đối với cơ sở sản xuất giống bố mẹ. Cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ quản lý điều kiện, chất lượng giống trong sản xuất đối với cơ sở trên địa bàn.

Về thanh kiểm tra, Cục Thủy sản chịu trách nhiệm tiến hành kiểm tra đột xuất về chất lượng giống thủy sản trong sản xuất kinh doanh trên phạm vi cả nước. Cơ quan quản lý địa phương trực tiếp kiểm tra chất lượng giống thủy sản trong sản xuất kinh doanh.

Cơ sở sản xuất, ương dưỡng Giống thủy sản cần đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất phù hợp với loài thủy sản; có nơi cách ly theo dõi sức khỏe giống thủy sản mới nhập. Hệ thống xử lý nước cấp, nước thải và hệ thống ao, bể, lồng bè bảo đảm yêu cầu kiểm soát chất lượng và an toàn sinh học; khu chứa trang thiết bị, nguyên vật liệu bảo đảm yêu cầu bảo quản của nhà sản xuất, nhà cung cấp; khu sinh hoạt bảo đảm tách biệt với khu vực sản xuất, ương dưỡng. Trang thiết bị bảo đảm yêu cầu về kiểm soát chất lượng, an toàn sinh học; thiết bị thu gom và xử lý chất thải không ảnh hưởng xấu đến khu vực sản xuất, ương dưỡng. Đặc biệt, cần có nhân viên kỹ thuật được đào tạo về nuôi trồng thủy sản, bệnh học thủy sản hoặc sinh học.

Về quản lý thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường thủy sản, Cục Thủy sản quản lý điều kiện, chất lượng trong sản xuất đối với nhà đầu tư/tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi địa phương được có trách nhiệm quản lý điều kiện, chất lượng trong sản xuất sản xuất đối với cơ sở trên địa bàn.

Việc điều kiện sản xuất sản phẩm xử lý môi trường cần được đảm bảo chặt chẽ theo hướng dẫn tại điểm 1 Điều 27 Nghị định 26/2019/NĐ-CP: Địa điểm sản xuất nằm trong khu vực không bị ô nhiễm bởi chất thải nguy hại, hóa chất độc hại. Khu sản xuất có tường, rào ngăn cách với bên ngoài. Nhà xưởng, trang thiết bị phù hợp với từng loại sản phẩm. Ngoài ra, cơ sở sản xuất phải đủ năng lực phân tích chất lượng trong quá trình sản xuất, có hoặc đi thuê phòng thử nghiệm đủ năng lực để kiểm tra chất lượng trong quá trình sản xuất.

Tháo gỡ những vấn đề còn tồn tại

Hội nghị cũng đã thảo luận về các tồn tại trong thực tế như: Một số địa phương thành lập đoàn kiểm tra lần đầu, kiểm tra duy trì cùng với đoàn kiểm tra, thanh tra Nhà nước, căn cứ thành lập đoàn kiểm tra không đảm bảo theo quy định Điều 3 Thông tư 26/2018/TT-BNNPTNT. Khi ghi biên bản kiểm tra lại ghi thiếu nội dung, không ghi căn cứ, giấy chứng nhận hệ thống phù hợp tiêu chuẩn, không ghi cục thể loại sản phẩm, dạng sản phẩm, không diễn giải nội dung kiểm tra hoặc diễn giải chung chung, không cụ thể, không thể truy xuất, không nêu bằng chứng ghi nhận duy trì.

Thêm vào đó, Khi cấp giấy chứng nhận cũng đã ghi nhận nhiều vấn đề như: Nội dung chứng nhận không phù hợp với nội dung ghi trong biên bản kiểm tra (nhóm, loại sản phẩm; chứng nhận không theo loại sản phẩm, dạng sản phẩm; cấp không phù hợp với đơn đăng ký), số giấy chứng nhận không đánh số theo nguyên tắc (mỗi địa điểm chỉ một số giấy chứng nhận), cấp lần đầu một giấy nhưng khi cấp bổ sung lại cấp thêm 1 giấy.

Cuối phiên thảo luận, các đại biểu cũng đã bàn về trình tự cấp lại hồ sơ, giấy chứng nhận đủ điều kiện cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo mẫu Nghị định 26/2019/NĐ-CP.

Toàn cảnh Hội nghị.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản đánh giá, Hội nghị tập huấn chuyên đề này đã đi đúng theo nhu cầu thực tế tại địa phương, giúp cho đa số công chức thực thi nhiệm vụ quản lý thủy sản tại địa phương cùng nêu ra các khó khăn tồn tại thực tế, từ đó cùng thảo luận tìm phương án tháo gỡ vướng mắc.

“Cục Thủy sản sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo vào quản lý điều kiện chặt chẽ các cơ sở sản xuất giống thủy sản, thức ăn thủy sản và sản phẩm xử lý môi trường thủy sản, đảm bảo tuân thủ các quy định mới để nâng cao chất lượng và an toàn trong lĩnh vực thủy sản. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nhằm tăng cường việc phổ biến, tuyên truyền, và hướng dẫn về các quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản pháp luật chi tiết khác”, ông Luân chia sẻ thêm.

Các cơ sở, doanh nghiệp và người dân muốn biết rõ về các điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam có thể tìm hiểu các văn bản quy phạm pháp luật sau:

- Luật Thủy sản năm 2019, Nghị định 26/2019/NĐ-CP và Thông tư 26/2018/TT-BNNPTNT.

- Nghị định 42/2019/NĐ-CP: Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

- Nghị định 74/2018/NĐ-CP: Quy định chi tiết thi hành một số điều Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

- Nghị định 154/2018/NĐ-CP: Quy định về giống thủy sản nhập khẩu.

- Thông tư 26/2018/TT-BNNPTNT: Quy định về quản lý giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.

- Thông tư 24/2018/TT-BNNPTNT: Cập nhập, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về thủy sản.

- Thông tư 29/2011/TT-BKHCN: Hướng dẫn về xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn.

- Thông tư 14/2021/TT-BNNPTNT: Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về giống thủy sản.

- Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT: Quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản.

- Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN: Quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

- Thông tư số 11/2021/TT-BKHCN: Quy định chi tiết xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn.

Hải Đăng

Ý kiến bạn đọc