Hội thảo quốc gia nuôi biển Việt Nam năm 2022 (03-11-2022)

Ngày 03/11/2022, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) và UBND tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp tổ chức “Hội thảo quốc gia nuôi biển Việt Nam năm 2022”. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã tới dự và chỉ đạo hội thảo.
Hội thảo quốc gia nuôi biển Việt Nam năm 2022

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe những bài tham luận vô cùng tâm huyết với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên biển (được gọi tắt là: nuôi biển) tại Việt Nam; trong đó có bài tham luận về Định hướng phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển năm 2023 (do đại diện Tổng cục Thuỷ sản trình bày); Giải pháp thực hiện nhiệm vụ thí điểm phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp giai đoạn 2021-2025 (được trình bày bởi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Kiên Giang); Giải pháp công nghệ sản xuất giống phục vụ nuôi biển Việt Nam năm 2023 (Viện nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản I); Công nghệ nuôi biển trên thế giới, thành tựu và áp dụng tại Việt Nam (Viện nghiên cứu Nuôi trồng thuỷ sản III); Tháo gỡ các điểm nghẽn để phát triển bền vững công nghiệp nuôi biển Việt Nam (Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam).

Đặc biệt, cùng tới tham dự hội thảo, các thành viên thuộc Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) đã tích cực đóng góp ý kiến về các định hướng công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng, thức ăn, cơ giới hoá, đào tạo… cũng như định hướng phát triển đa ngành trong nuôi biển. Sau đó, toàn thể đại biểu đã thảo luận về các giải pháp phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển năm 2023.

Nuôi biển càng ngày càng giữ vai trò quan trọng

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, cơ cấu kinh tế thủy sản trên thế giới đang dần chuyển dịch từ khai thác thủy sản sang nuôi trồng thủy sản (nhất là nuôi trồng thủy sản trên biển). Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản thế giới năm 2020 đạt 183 triệu tấn; trong đó, sản lượng nuôi biển đạt 53,4 triệu tấn, giá trị đạt 76,1 tỷ USD.

Hiện nuôi trồng thủy sản trên biển Việt Nam đang có sự chuyển biến tích cực, ngoài các đối tượng nhuyễn thể, giáp xác đã nuôi nhiều năm, thì cá biển, rong, tảo biển cũng phát triển khá mạnh, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển nuôi biển, đồng thời góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản trên biển năm 2021 đạt 700.000 tấn (trong đó: nhuyễn thể đạt 471.000 tấn, cá biển đạt 58.000 tấn, tôm hùm 2.200 tấn, rong biển đạt xấp xỉ 130.000 tấn).

Trong xu hướng nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, cần thiết phải đẩy mạnh nuôi trồng thuỷ sản để bù đắp sản lượng thủy sản khai thác; phát triển nuôi trồng thuỷ sản song song với bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học. Đặc biệt, nuôi biển đang ngày càng giữ vai trò quan trọng trong phát triển nuôi trồng thuỷ sản nói chung. 

Một số kết quả nghiên cứu trong nuôi biển

Tính đến nay, Việt Nam đã nghiên cứu thành công thức ăn cho cá Chim vây vàng, cá Song, cá Vược, cá Giò; nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống một số loài cá biển (cá Song, Chim vây vàng, Chẽm, Hồng mỹ, Giò, Sủ đất…); hoàn thiện công nghệ sản xuất giống, nuôi thương phẩm một số loài nhuyễn thể (Ốc hương, Tu hài, Bào ngư, Hầu Thái Bình Dương, Hầu cửa sông…); đang nghiên cứu sản xuất giống một số loài (cá Song vua, tôm Mũ ni, Rong biển…); đang nghiên cứu sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi tôm Hùm; nghiên cứu hoàn thiện lồng nuôi bằng chất dẻo HDPE.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nuôi biển hiện nay còn nhiều tồn tại và hạn chế như: Nuôi biển còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch chi tiết, điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, trình độ kỹ thuật sản xuất của người dân chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học công nghệ trong sản xuất giống còn yếu; công nghệ sản xuất chưa chủ động hoàn toàn. Công nghệ nuôi và hệ thống lồng bè thích ứng với điều kiện thời tiết. Một số đối tượng nuôi chưa có quy trình chuẩn hoặc chưa được nghiên cứu thử nghiệm. Thức ăn nuôi biển chủ yếu sử dụng cá tạp, dễ gây ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó, dịch bệnh trong nuôi nhuyễn thể, tôm hùm chưa được kiểm soát. Môi trường vùng ven biển ngày càng bị ô nhiễm do những tác động tiêu cực của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động của các ngành khác như du lịch, khai thác thuỷ sản, bất cập trong quản lý môi trường biển đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển nuôi biển trong giai đoạn vừa qua. Hơn nữa, đây là lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian nuôi dài; sự tham gia của các doanh nghiệp có khả năng đầu tư bài bản còn ít. Đặc biệt, lao động tham gia nuôi cá lồng trên biển thiếu hiểu biết về khoa học kỹ thuật, thiếu kinh nghiệm trong vận hành và hạn chế về ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường.

Định hướng phát triển nuôi biển

Đầu tư phát triển nuôi biển thành ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có đóng góp quan trọng về sản lượng, giá trị và chuyển đổi cơ cấu sản xuất (trong đó lấy doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt để đầu tư phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp ở vùng biển xa). Áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đầu tư hạ tầng đồng bộ là cơ sở để tạo nên bước đột phá trong phát triển nuôi biển. Phát triển nuôi biển gắn với đổi mới và tổ chức lại sản xuất theo định hướng thị trường, xây dựng chuỗi giá trị xuyên suốt cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm nhằm nâng cao giá trị gia tăng.

Phát triển công nghệ nuôi, thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và chế biến sâu để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, gia tăng giá trị, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ. Phát triển nuôi biển theo hướng sử dụng hiệu quả tài nguyên biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; tổ chức sản xuất phù hợp, hài hòa với hoạt động của các ngành kinh tế khác trên biển; kết hợp với xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh trên biển vững mạnh, tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên các vùng biển đảo của Tổ quốc.

Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280 nghìn ha, thể tích lồng nuôi 10,0 triệu m3; sản lượng nuôi biển đạt 850 nghìn tấn, trong đó: nuôi biển gần bờ 750 nghìn tấn (cá biển 60 nghìn tấn, tôm hùm 3 nghìn tấn, giáp xác khác 57 nghìn tấn, nhuyễn thể 460 nghìn tấn, rong tảo biển 170 nghìn tấn); nuôi biển xa bờ 100 nghìn tấn (cá biển 60 nghìn tấn, giáp xác 10 nghìn tấn, nhuyễn thể 20 nghìn tấn, rong tảo biển 10 nghìn tấn). Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 0,8 - 1,0 tỷ đô la Mỹ.

Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300 nghìn ha, thể tích lồng nuôi 12,0 triệu m3; sản lượng nuôi biển đạt 1.450 nghìn tấn, trong đó: nuôi biển gần bờ 1.110 nghìn tấn (cá biển 80 nghìn tấn, tôm hùm 5 nghìn tấn, giáp xác khác 75 nghìn tấn, nhuyễn thể 550 nghìn tấn, rong tảo biển 400 nghìn tấn); nuôi biển xa bờ 340 nghìn tấn (cá biển 120 nghìn tấn, giáp xác 20 nghìn tấn, nhuyễn thể 100 nghìn tấn, rong tảo biển 100 nghìn tấn). Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2,0 tỷ đô la Mỹ.

Tầm nhìn đến năm 2045, ngành công nghiệp nuôi biển của Việt Nam đạt trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng trong ngành Thủy sản, có đóng góp trên 25% tổng sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ đô la Mỹ.

Giải pháp cơ bản

Tại “Hội thảo quốc gia nuôi biển Việt Nam năm 2022”, các đại biểu đã nhất trí một số nhóm giải pháp cơ bản, trong đó có cơ chế chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển (nuôi biển); quản lý và tổ chức sản xuất theo Luật Thủy sản 2017 và các quy định hiện hành; thu thập, nhập khẩu, lưu giữ và bảo vệ đàn giống gốc phục vụ nuôi biển; nghiên cứu áp dụng những thành tựu công nghệ mới về gia hóa và chọn giống (nhằm liên tục cải tiến chất lượng của con giống bố mẹ); xã hội hóa công tác nghiên cứu về thức ăn phục vụ nuôi biển; nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ mới nhằm tạo sản phẩm giá trị gia tăng và giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và phát triển xanh. Quan trắc môi trường, phòng chống dịch bệnh chủ động, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt đối với nuôi biển công nghiệp, sẽ liên kết với công nghiệp đóng tàu, dầu khí, hóa chất, cơ khí chế tạo để phát triển, hoàn thiện công nghệ sản xuất lồng bè (phù hợp với từng loài thủy sản, có khả năng chống chịu sóng, bão, thuận tiện cho theo dõi, chăm sóc, quản lý và thu hoạch); ưu tiên phát triển công nghệ và đội tàu vận chuyển sản phẩm nuôi biển sống, giá trị cao đến thị trường nội địa và các thị trường ngoài nước như Hồng Kông, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc…  Lồng ghép hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm nuôi biển, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tham gia các tổ chức quốc tế trong khu vực có liên quan đến hoạt động nuôi biển; tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế để chuyển giao khoa học công nghệ. Thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nuôi biển; dự án khoa học công nghệ phục vụ các khâu trong chuỗi nuôi biển; dự án quản lý nuôi biển…

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc