Nguồn cung bột cá tăng  - Nguồn cung dầu cá giảm (03-02-2025)

Năm 2024, nguồn cung nguyên liệu thô để sản xuất bột cá và dầu cá trên toàn thế giới đã có sự cải thiện đáng kể do sản lượng đánh bắt cao ở Peru. Hai hạn ngạch đánh bắt hàng năm ở vùng quan trọng của Peru đã được đặt ở mức gần 5 triệu tấn, tăng đáng kể so với mức khiêm tốn hơn rất nhiều là 1,3 triệu tấn được thu hoạch vào năm trước.
Nguồn cung bột cá tăng  - Nguồn cung dầu cá giảm
Ảnh minh họa

Mặc dù nguồn nguyên liệu thô tăng nhưng sản lượng dầu cá chiết xuất từ các sản phẩm đánh bắt của Peru vẫn ở mức thấp. Hiện tại, phần lớn dự trữ dầu cá trên thị trường thế giới đã cạn kiệt, dẫn đến tình trạng thị trường tiếp tục thắt chặt. Ngược lại, nguồn dự trữ bột cá rất dồi dào ở các thị trường lớn như Trung Quốc, nơi có tình trạng cung vượt cầu đang đẩy giá xuống.

Sản xuất

Peru là quốc gia sản xuất bột cá và dầu cá lớn nhất toàn cầu và trong bất kỳ năm nào, có thể chiếm từ 1/4 đến 1/3 tổng lượng bột cá và dầu cá được giao dịch trên toàn thế giới. Năm 2024, hạn ngạch cá cơm Peru rất cao, với mức hạn ngạch 2,4 triệu tấn cho mùa đánh bắt đầu tiên ở khu vực Bắc Trung Bộ, tiếp theo là 2,51 triệu tấn cho mùa đánh bắt thứ hai. Thời tiết thuận lợi đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh bắt, với tỷ lệ cập cảng hàng ngày cao đã thúc đẩy tiến độ tăng trưởng ổn định hướng tới việc hoàn thành hạn ngạch đề ra. Đáng tiếc là tỷ lệ đánh bắt cá con vẫn còn cao, khiến sản lượng dầu bị giảm xuống còn 1,3% sản lượng đánh bắt.

Sản lượng dầu cá Peru năm 2024 tiếp tục tụt hậu so với Chile, vốn là nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới, với khối lượng tích lũy đạt 98.000 tấn vào tháng 10/2024. Điều này, cùng với sản lượng giảm từ các nhà sản xuất thứ cấp, đã khiến thị trường dầu cá trở nên eo hẹp, với mức tăng trưởng nguồn cung dầu cá toàn cầu chỉ đạt 1% so với cùng kỳ năm trước. Ngược lại, sản lượng bột cá Peru tăng vọt lên 670.000 tấn vào tháng 10/2024, đánh dấu mức tăng đáng kể 123% so với năm trước, góp phần làm tăng nguồn cung toàn cầu +24%.

Các nhà sản xuất khác cũng đang phải đối mặt với những thách thức. Nguồn cung nguyên liệu thô của Chile đã giảm so với năm trước, với sản lượng dầu thấp hơn khiến sản lượng dầu cá giảm 25%. Sau năm 2023 thành công thì sản lượng của Chile vào năm 2024 đã bị hạn chế do lệnh cấm đánh bắt thủy sản ở nhiều khu vực và giảm sản lượng cá hồi, dẫn đến sản lượng bột cá giảm 3,5%.

Bắc Âu cũng đã trải qua thời kỳ sản lượng đạt thấp hơn trong năm 2024, bị hạn chế bởi hạn ngạch giảm, trong khi nghề cá Hoa Kỳ chứng kiến ​​sự suy giảm do sản lượng đánh bắt cá menhaden thấp. Các loài dinh dưỡng thấp, đóng góp phần lớn nguồn cung nguyên liệu thô cho sản xuất bột cá và dầu cá, rất dễ bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn môi trường, dẫn đến tình trạng thiếu hụt (thậm chí thiếu hụt lớn) trong những năm El Niño.

Tình trạng khan hiếm gần đây của nhóm sản phẩm bột cá và dầu cá, cùng với giá thành cao của các thành phần hải sản có nguồn gốc từ đánh bắt tự nhiên đã thúc đẩy sự quan tâm ngày càng tăng đối với nhóm thành phần mới (như dầu tảo) để bổ sung bột cá và dầu cá trong các công thức thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, các thị trường ngách, chẳng hạn như Omega-3 không có nguồn gốc từ động vật, đang mang lại nhiều tiềm năng cho các nguồn mới. Tuy nhiên, bất chấp hơn hai thập kỷ nghiên cứu và phát triển chuyên sâu, việc áp dụng rộng rãi các thành phần mới nhìn chung vẫn còn hạn chế, chủ yếu là do thách thức về chi phí quá cao.

Thương mại

Sản lượng đánh bắt mạnh ở Peru đã dẫn đến sự gia tăng đột biến trong thương mại năm 2024. Trong đó, xuất khẩu bột cá của Peru đạt 591.000 tấn so với 399.000 tấn (từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2023). Xuất khẩu dầu cá cũng phục hồi nhẹ, tăng từ 26.000 tấn lên 29.000 tấn trong cùng kỳ năm 2024. Trung Quốc vẫn là thị trường chính của bột cá Peru, hấp thụ 90% lượng xuất khẩu. Trong khi đó, Chile đã nổi lên là nước nhập khẩu chính dầu cá Peru, với khối lượng nhập khẩu tăng 200% khi ngành cá hồi của nước này tiếp tục mở rộng.

Chile, nước xuất khẩu bột cá lớn thứ hai, đã chứng kiến ​​mức tăng 5% trong xuất khẩu lên 142.000 tấn trong nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, xuất khẩu dầu cá chỉ đạt 45.000 tấn, giảm khoảng 15% do sản lượng thấp và nhu cầu trong nước tăng với cá hồi nuôi. Na Uy, nước nhập khẩu dầu cá lớn nhất và là nước nhập khẩu bột cá lớn thứ hai, đã trải qua sự sụt giảm ổn định trong nhập khẩu, với mức giảm gần 5.000 tấn bột cá và 4.000 tấn dầu cá. Iceland đã vượt qua Đan Mạch để trở thành nhà cung cấp bột cá chính cho Na Uy, mặc dù Đan Mạch vẫn là nguồn cung cấp dầu cá hàng đầu.

Giá cả

Giá bột cá đã tăng đáng kể từ tháng 5 năm 2023, đến tháng 12 năm 2023 thì đạt 1.750 đô la Mỹ một tấn, sau đó, giá giảm xuống còn 1.400 đô la Mỹ vào tháng 3 năm 2024, sau đó giá ổn định trở lại. Cùng với đó, giá các nguồn protein thay thế cho thức ăn chăn nuôi như đậu nành và lúa mì cũng giảm do những vụ thu hoạch đầy hứa hẹn (ví dụ như: giá đậu nành trên Sàn giao dịch Chicago hiện có giá 10 đô la Mỹ/giạ, giảm 18% so với tháng 1 năm 2024).

Đối với giá dầu cá, mặc dù đã giảm vào đầu năm 2024 nhưng vẫn ở mức cao so với những năm trước đó. Các loại thức ăn thủy sản hiện đang được giao dịch ở mức 3.200 đô la Mỹ/tấn. Trước đây, có sự chênh lệch giá đáng kể giữa thức ăn thủy sản, hàm lượng Omega-3 thấp và dầu có hàm lượng Omega-3 cao, với loại sau được bán với giá 10.000 đô la Mỹ/tấn trong khi các loại thức ăn chăn nuôi chỉ có giá 7.200 đô la Mỹ/tấn. Mức chênh lệch này hiện đang dần thu hẹp lại; dầu cá có hàm lượng Omega-3 cao được bán với giá 4.000 đô la Mỹ/tấn, cao hơn 800 đô la Mỹ so với các loại thức ăn chăn nuôi.

Dự báo

Nguồn cung nguyên liệu thô đã được cải thiện trong suốt cả năm 2024 khiến giá bột cá giảm. Mặc dù giá dầu cá cũng đã giảm, nhưng vẫn cao hơn so với những năm trước. Nhu cầu bột cá tại Trung Quốc, thị trường lớn nhất toàn cầu, dự kiến ​​sẽ vẫn ở mức thấp (do mấy nguyên nhân cơ bản như: lượng hàng tồn kho cao, tăng trưởng chậm lại trong nuôi trồng thủy sản và các chính sách của chính phủ Trung Quốc về việc hạn chế chăn nuôi lợn). Theo dự báo của FAO, hoạt động đánh bắt trở lại ở Peru sẽ có tác động ngay lập tức và đáng kể đến thị trường bột cá và dầu cá thế giới, hứa hẹn sự phục hồi mạnh mẽ của ngành này vào năm 2025.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc