Nhuyễn thể chân đầu (mực, bạch tuộc) có khả năng khan hiếm nguồn cung (06-01-2025)

FAO nhận định rằng, vì nhiều lý do khác nhau, sẽ có ít nguồn cung cấp cả bạch tuộc và mực ống, mực nang trong thời gian tới. Thỏa thuận hợp tác nghề cá giữa Liên minh châu Âu và Maroc đã bị vô hiệu, và điều này chắc chắn sẽ khiến Liên minh châu Âu khó có thể có đủ nguồn cung từ Maroc, mặc dù Maroc đã tăng hạn ngạch bạch tuộc.
Nhuyễn thể chân đầu (mực, bạch tuộc) có khả năng khan hiếm nguồn cung
Ảnh minh họa

Các Thỏa thuận hợp tác nghề cá bền vững EU-Maroc và EU-Mauritania (the EU-Morocco and EU-Mauritania Sustainable Fisheries Partnership Agreements - SFPA) đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo quản lý nghề cá bền vững dựa trên cơ sở khoa học đối với nguồn lợi thủy sản. Chúng cũng cung cấp quyền tiếp cận các ngư trường quan trọng cho tối đa 128 tàu của EU cũng như đảm bảo việc làm cho khoảng 700 ngư dân EU trên biển và 3.500 công nhân trên bờ. Nhưng hiện tại, Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu đã tuyên bố SFPA EU-Maroc là không hợp lệ. Điều này hoàn toàn thay đổi triển vọng của nghề cá châu Âu trong khu vực; đồng thời, SFPA EU-Mauritania trở nên quan trọng hơn nữa đối với nghề cá EU. Hiện tại, vẫn chưa chắc chắn liệu Tòa án Công lý có tuyên bố thỏa thuận này cũng bị vô hiệu tương tự hay không.

Bạch tuộc có bị cấm nuôi, cấm đánh bắt hay không?

Tháng 6 năm 2024, Maroc đã tăng hạn ngạch khai thác bạch tuộc thêm 19% lên 17.200 tấn cho mùa đánh bắt bạch tuộc bắt đầu từ ngày 1 tháng 7. Nghề cá này cực kỳ quan trọng để cung cấp cho thị trường châu Âu, đặc biệt là trong các kỳ nghỉ lễ hè. Nguồn cung trong nước cho các thị trường châu Âu quan trọng nhất đang giảm dần: kho lạnh bảo quản bạch tuộc của Ý gần như cạn kiệt và Tây Ban Nha cũng chứng kiến ​​trữ lượng giảm dần. Khi mùa bạch tuộc ở Maroc kết thúc vào cuối tháng 9, nguồn cung trở nên khan hiếm và giá tăng. Nguồn cung từ Mauritania cũng khá eo hẹp và giá bạch tuộc Mauritania thậm chí còn cao hơn nhiều so với các sản phẩm của Maroc. Mexico, cũng là một nhà cung cấp bạch tuộc quan trọng, đã bị hạn chế sản lượng đánh bắt do chi phí hoạt động cao. Tuy nhiên, phần lớn bạch tuộc Mexico được chuyển đến Hoa Kỳ, Chile và thị trường nội địa Mexico. Do đó, nó ít ảnh hưởng đến thị trường châu Âu.

Giá cao đang gây ra nhiều vấn đề cho các nhà chế biến, những người đang phải đối mặt với cả nguồn cung eo hẹp hơn và chi phí hoạt động tăng cao. Tình hình cung cấp bạch tuộc cũng không nhận được sự giúp đỡ nào từ các nhà lập pháp. Tại Hoa Kỳ, Thượng viện đã cấm nuôi bạch tuộc cũng như nhập khẩu bạch tuộc nuôi từ những nơi khác. Vào tháng 9 năm 2024, California trở thành tiểu bang thứ hai của Hoa Kỳ cấm nuôi bạch tuộc, sau Washington (nơi đã áp dụng lệnh cấm từ tháng 3 năm 2024). Những người ủng hộ lệnh cấm nhấn mạnh đến trí thông minh cao của bạch tuộc và khả năng nhận thức và cảm xúc độc đáo được cho là có ở loài động vật này. Cùng quan điểm này, trước đó, tại Tây Ban Nha cũng đã có những ý kiến phản đối nuôi bạch tuộc được đưa ra. Dường như tư tưởng này đang lan rộng ra ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới. Do đó, sự gia tăng lớn về nguồn cung bạch tuộc nuôi có vẻ như không thể xảy ra. Câu hỏi bây giờ là: Trong thời gian tới, những lập luận này có được sử dụng để cấm đánh bắt bạch tuộc hay không?

Việt Nam tăng xuất khẩu bạch tuộc sang Hàn Quốc

Nhập khẩu bạch tuộc của Nhật Bản là 17.959 tấn trong nửa đầu năm 2024, giảm 13,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu từ Trung Quốc giảm khiêm tốn 1,8% trong khi nhập khẩu từ Mauritania giảm sâu (-44,6%). Ngược lại, Morocco, một trong những nhà cung cấp chính về bạch tuộc, đã tăng lượng hàng xuất khẩu sang Nhật Bản lên 3.625 tấn (+23,5%). Nhập khẩu bạch tuộc vào Hàn Quốc trong nửa đầu năm đã tăng 4,6% lên 32.535 tấn. Trong khi Trung Quốc xuất khẩu gần như cùng một lượng của năm 2024 tương tự như năm 2023 (14.563 tấn), Việt Nam đã tăng xuất khẩu sang Hàn Quốc hơn 20% lên 12.709 tấn. Trái lại, Mauritania ghi nhận mức giảm 35,5% xuống chỉ còn 898 tấn.

Mực ống, mực nang

Gần đây, mực ống khổng lồ dường như biến mất khỏi vùng biển Peru; ngư dân khai thác mực theo phương pháp thủ công đổ lỗi cho Chính phủ Peru vì đã cho phép các tàu nước ngoài hoạt động mà không bị giám sát trong vùng biển quốc gia và còn sử dụng các cảng của Peru. Theo Hiệp hội đánh bắt cá thủ công quốc gia (the National Society of Artisanal Fishing - SONAPESCAL), trong những năm gần đây có hơn 300 tàu hoạt động bất hợp pháp trong EEZ. Mặc dù các yêu cầu chính thức đối với các tàu này là tuân thủ các yêu cầu theo dõi vệ tinh, nhưng chính quyền Peru vẫn chưa thực hiện truy tố những tàu không tuân thủ.

Mùa đánh bắt mực ống thứ hai tại Quần đảo Falkland (Malvinas) đã bị chính quyền đột ngột hủy bỏ, khiến đội tàu Tây Ban Nha, vốn đang tham gia vào hoạt động đánh bắt này, rơi vào tình thế rất khó khăn. Đội tàu đánh bắt mực ống của Tây Ban Nha trong khu vực bao gồm 17 tàu hoạt động trong các liên doanh giữa các công ty ở Vigo và Quần đảo Falkland (Malvinas). Trong mùa đầu tiên của năm 2023, đội tàu này đã đánh bắt được khoảng 45.000 tấn, trong khi trong mùa thứ hai của năm 2023, sản lượng đánh bắt đã giảm xuống còn 15.000 tấn. Mọi thứ có vẻ rất tốt trong mùa đầu tiên của năm 2024, khi sản lượng đánh bắt đạt 50.000 tấn. Tuy nhiên, loài này sau đó trở nên khan hiếm và mùa thứ hai đã bị hủy bỏ hoàn toàn.

Việc đình chỉ mùa thứ hai này dự kiến ​​sẽ tác động đến điều kiện thị trường. Với nguồn cung giảm đáng kể, giá mực ống dự kiến ​​sẽ tăng lên. Việc đóng cửa nghề đánh bắt mực ống của Quần đảo Falkland (Malvinas) vào ngày 16 tháng 8 có thể báo hiệu những vấn đề nghiêm trọng hơn vì lý do được nêu là mức sinh khối cực kỳ thấp do nhiệt độ đại dương lạnh bất thường, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống còn và mô hình di cư của nguồn lợi thủy sản này. Các chuyên gia cảnh báo rằng sự suy giảm này ở trữ lượng mực ống Loligo có thể gây ra hậu quả sâu rộng và cần phải xây dựng lại lâu dài để đảm bảo tính bền vững của nó. Những tác động tài chính của việc đóng cửa là rất lớn.

Ngành công nghiệp mực ống của Tây Ban Nha phần lớn phụ thuộc vào nghề đánh bắt mực, vừa là nguồn tài nguyên cho đội tàu đánh bắt mực hoạt động tại vùng biển Quần đảo Falkland (Malvinas), vừa là nguồn tài nguyên cho các nhà chế biến phụ thuộc vào việc nhập khẩu nguyên liệu thô từ khu vực này. Việc đóng cửa có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguyên liệu thô cho ngành chế biến. Đội tàu đánh bắt mực của Argentina đã có một nửa đầu năm 2024 tốt đẹp. Đội tàu đã đánh bắt được 153.000 tấn mực vây ngắn, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung được cải thiện dẫn đến xuất khẩu sang Trung Quốc tăng; trong năm tháng đầu tiên, nguồn cung mực vây ngắn từ Argentina đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Giá sản phẩm này tại Trung Quốc cao vào nửa cuối năm 2023, nhưng đã giảm mạnh vào nửa đầu năm 2024 do tình hình nguồn cung được cải thiện.

Thương mại mực

Trong nửa đầu năm 2024, lượng mực ống và mực nang nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm đáng kể (giảm 27% so với cùng kỳ năm trước) đi kèm với một số thay đổi lớn giữa các nhà cung cấp. Nhà cung cấp lớn nhất là Indonesia đã tăng lượng hàng xuất khẩu sang Trung Quốc lên 43% và nhà cung cấp lớn thứ hai là Argentina đã có bước nhảy vọt (+178%). Các nhà cung cấp quan trọng khác như Hoa Kỳ và Peru đã giảm lần lượt là 51% và 92%. Xuất khẩu của Trung Quốc cũng giảm nhưng chỉ giảm 2%. Xuất khẩu sang Thái Lan giảm 27% và xuất khẩu sang Liên bang Nga giảm 104%. Các thị trường lớn khác cũng cho thấy lượng nhập khẩu yếu hơn. Nhật Bản giảm 11%, Hàn Quốc giảm gần 20% và Tây Ban Nha giảm 11%.

Dự báo

Sẽ có vấn đề đáng lo ngại về nguồn cung trong thời gian tới đối với cả bạch tuộc và mực. Nghề đánh bắt bạch tuộc ở Morocco hiện đã kết thúc, nhưng hạn ngạch cho năm 2025 sẽ tăng 19%. Sản lượng khai thác ở Mexico thực sự gây thất vọng vì chi phí hoạt động tăng cao dẫn đến nguồn cung giảm sút. Việc tạm dừng mùa đánh bắt mực ống thứ hai ở Quần đảo Falkland (Malvinas) sẽ có tác động lớn đến nguồn cung và giá cả đã tăng lên.  

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc