Tổng sản lượng thủy sản toàn cầu đạt kỷ lục mới (14-06-2024)

Theo Báo cáo năm 2024 của FAO về tình hình khai thác và nuôi trồng thủy sản trên thế giới, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản toàn cầu tăng kỷ lục; lần đầu tiên sản lượng nuôi trồng vượt sản lượng khai thác. Cụ thể, tổng sản lượng thủy sản toàn cầu đạt 223,2 triệu tấn; trong đó nuôi trồng đạt 130,9 triệu tấn, khai thác đạt 92,3 triệu tấn.
Tổng sản lượng thủy sản toàn cầu đạt kỷ lục mới
Ảnh minh họa

Báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc về tình hình khai thác và nuôi trồng thủy sản trên thế giới (the State of World Fisheries and Aquaculture - SOFIA) là báo cáo hàng đầu của FAO phân tích thực trạng nguồn lợi thủy sản toàn cầu cũng như xu hướng khai thác và nuôi trồng thủy sản ở cấp độ toàn cầu và khu vực. SOFIA 2024 nêu bật những tiến bộ cụ thể của Chuyển đổi xanh (Blue Transformation) và vai trò của FAO trong việc hợp tác với các Thành viên và đối tác khác nhằm thúc đẩy thay đổi, hướng tới mở rộng và tăng cường nuôi trồng thủy sản bền vững; hoạt động khai thác thủy sản được quản lý hiệu quả; đồng thời ưu tiên phát triển chuỗi giá trị hiệu quả - an toàn - công bằng.

Nhu cầu tăng đối với thực phẩm thủy sản

Tốc độ tăng trưởng sản lượng nuôi trồng thủy sản cho thấy khả năng đáp ứng nhu cầu toàn cầu ngày càng tăng đối với thực phẩm thủy sản. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường hoạt động nuôi trồng thủy sản phải chú trọng tính bền vững và ưu tiên mang lại lợi ích cho các khu vực và cộng đồng cần nhất.

Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản trên toàn thế giới đạt kỷ lục mới với sản lượng nuôi trồng lần đầu tiên vượt trên sản lượng khai thác thủy sản là những thông tin mới nhất vừa được công bố trong báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO).

Theo SOFIA 2024, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản toàn cầu năm 2022 đã tăng vọt lên 223,2 triệu tấn, tăng 4,4% so với năm 2020, trong đó có 185,4 triệu tấn sản phẩm động vật thủy sản và 37,8 triệu tấn tảo. Châu Á chiếm 167,1 triệu tấn, tương đương với 75% tổng sản lượng thủy sản thế giới. Châu Á hiện đang dẫn đầu tất cả các khu vực sản xuất với tỷ trọng 70% sản lượng động vật thủy sản toàn cầu và 97% sản lượng tảo toàn cầu. Trong khi đó, sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng của Châu Đại Dương chỉ là 1,8 triệu tấn, trong đó có 15.300 tấn tảo.

Tổng giám đốc của FAO QU Dongyu cho biết: “FAO đánh giá cao những thành tựu này, nhưng vẫn cần có thêm các hành động chuyển đổi và thích ứng để tăng cường hiệu quả, tính toàn diện, khả năng phục hồi và tính bền vững của các hệ thống thực phẩm thủy sản; cũng như củng cố vai trò của các hệ thống thực phẩm này trong việc giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo và quản trị bền vững. Đó cũng chính là lý do khiến FAO ủng hộ Chuyển đổi xanh, để đáp ứng các yêu cầu chung về sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn và cuộc sống tốt hơn".

Châu Á thống trị nuôi trồng thủy sản toàn cầu khi đạt ​​sản lượng kỷ lục

Năm 2022, lần đầu tiên trong lịch sử, nuôi trồng thủy sản toàn cầu đã vượt khai thác thủy sản để trở thành ngành sản xuất chính. Sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu đạt mức chưa từng có là 130,9 triệu tấn, trong đó 94,4 triệu tấn là sản phẩm động vật thủy sản, chiếm 51% sản lượng động vật thủy sản toàn cầu.

Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản Châu Á đạt 119,7 triệu tấn, tương đương với 91,4% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản toàn cầu. Tại Châu Đại Dương, sản lượng nuôi trồng thủy sản chỉ đạt khoảng 250.000 tấn.

07 quốc gia có sản lượng nuôi trồng thủy sản cao nhất trên thế giới đều ở Châu Á: Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ, Việt Nam, Bangladesh, Philippines và Hàn Quốc. Năm 2022, riêng các quốc gia này đã chiếm 86,2% tổng sản lượng thế giới. Tuy nhiên, nhiều quốc gia thu nhập thấp ở Châu Á đã không tận dụng hết tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản của mình. Các chính sách có mục tiêu phấn đấu rõ ràng, chuyển giao công nghệ, xây dựng năng lực và đầu tư có trách nhiệm là rất quan trọng trong việc thúc đẩy nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững.

Tiêu thụ thủy sản toàn cầu tăng trở lại

Lượng thủy sản được tiêu thụ trên thế giới đã đạt mức kỷ lục cho thấy vai trò của thực phẩm thủy sản cũng như nhấn mạnh tiềm năng của ngành thủy sản trong việc giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng. Tiêu thụ thực phẩm thủy sản ​​toàn cầu đạt 162,5 triệu tấn vào năm 2021, với mức tiêu thụ bình quân đầu người hàng năm trên toàn cầu tăng lên 20,7 kg vào năm 2022.

Ở châu Á, mức tiêu thụ thực phẩm thủy sản đã ​​tăng lên 116,1 triệu tấn, với mức tiêu thụ bình quân đầu người hàng năm là 24,7 kg; như vậy là cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu. Ở châu Đại Dương, mức tiêu thụ thực phẩm thủy sản là một triệu tấn, phản ánh mức tiêu thụ hàng năm là 21,8 kg/người.

Thực phẩm thủy sản cung cấp protein chất lượng cao và các chất dinh dưỡng quan trọng khác cho con người. Vào năm 2021, chúng đã đóng góp ít nhất 20% nguồn protein từ tất cả các loài động vật, cung cấp cho 3,2 tỷ người trên toàn thế giới.

Hầu hết thủy sản trên thế giới được khai thác bền vững

Theo thống kê của FAO, kể từ cuối những năm 1980 đến nay, sản lượng khai thác thủy sản toàn cầu vẫn ổn định. Năm 2022, ngành này đã sản xuất 92,3 triệu tấn, bao gồm 11,3 triệu tấn từ nội địa và 81 triệu tấn từ đánh bắt ngoài khơi. Mặc dù nuôi trồng thủy sản tăng trưởng, nhưng nghề khai thác vẫn là nguồn sản xuất thủy sản thiết yếu. Tại Châu Á, sản lượng khai thác thủy sản đạt 47,1 triệu tấn, chiếm khoảng 52% sản lượng khai thác toàn cầu. Châu Đại Dương đã đánh bắt 1,6 triệu tấn thủy sản, chiếm khoảng 2% sản lượng khai thác toàn cầu.

Tuy nhiên, ở cấp độ toàn cầu, trữ lượng thủy sản được phép đánh bắt (để vẫn đảm bảo tính bền vững) đã giảm xuống còn 62,3% vào năm 2021, thấp hơn 2,3% so với năm 2019. Nếu tính tỷ lệ theo sản lượng khai thác thì khoảng 76,9% sản lượng năm 2021 là từ hoạt động khai thác bền vững. Điều này nhấn mạnh vai trò của quản lý nghề cá hiệu quả trong việc thúc đẩy phục hồi nguồn lợi, đồng thời nêu bật tính cấp thiết trong việc nhân rộng các mô hình chuyển đổi nghề thành công để ngăn chặn việc suy giảm, cạn kiệt nguồn lợi thủy sản như hiện nay.

Dự báo sản lượng tăng và tiêu thụ thủy sản cũng tăng

Trong bản tin SOFIA cũng đã đề cập các dự báo của FAO về tình hình khai thác và nuôi trồng thủy sản, trong đó FAO dự đoán sản lượng và mức tiêu thụ thủy sản trên thế giới sẽ tăng lên trong giai đoạn từ nay đến năm 2032. Cụ thể, sản lượng thủy sản dự kiến ​​tăng 10% vào năm 2032 (đạt 205 triệu tấn). Việc mở rộng nuôi trồng thủy sản và phục hồi nghề khai thác là những yếu tố đóng góp cho mức tăng trưởng này, với mức tiêu thụ thủy sản tăng 12%, cung cấp trung bình 21,3 kg/người vào năm 2032.

Báo cáo cũng nêu rõ những tác động tiềm tàng của biến động dân số đối với nguồn cung thực phẩm động vật thủy sản đến năm 2050. Đến năm 2050, để đảm bảo cung cấp 20,7 kg thủy sản bình quân đầu người (như ước tính của FAO vào năm 2022) thì nguồn cung thực phẩm thủy sản toàn cầu sẽ phải tăng 22%. Trong khi Châu Á cần tăng 12% và Châu Đại Dương phải tăng 28%. Điều này nhấn mạnh nhu cầu đẩy nhanh các hành động Chuyển đổi xanh vì thực phẩm thủy sản ngày càng trở nên quan trọng trong việc chấm dứt nạn đói, suy dinh dưỡng.

Ngành quan trọng đối với hàng triệu sinh kế

Khai thác và nuôi trồng thủy sản là nguồn sinh kế quan trọng trên thế giới. Theo dữ liệu mới nhất, ước tính có 61,8 triệu người làm việc trong ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản vào năm 2022, giảm so với mức 62,8 triệu người vào năm 2020. Dữ liệu phân tích theo giới tính cho thấy phụ nữ chiếm 24% tổng lực lượng lao động trong ngành thủy sản nhưng chiếm 62% trong tiểu ngành chế biến.

Ở Châu Á, ước tính có 52,7 triệu người làm việc trong ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản, chiếm 85% tổng số lao động trên thế giới làm việc trong lĩnh vực này. Châu Đại Dương chỉ chiếm 0,1% với ước tính 91.000 người làm việc trong ngành thủy sản.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc