Năm 2024, thị trường thủy sản thế giới sẽ khan hiếm cua hoàng đế (27-05-2024)

Nguồn cung cua hoàng đế được dự đoán khan hiếm trong năm 2024, chủ yếu do hoạt động đánh bắt ở biển Bering bị đóng cửa. Sản lượng khai thác tại Liên bang Nga tốt nhưng do cua hoàng đế của Nga bị cấm xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ nên nguồn cung này chủ yếu đến thị trường châu Á. Nguồn cung cua tuyết tốt hơn một chút với nhu cầu tiêu thụ khá tốt.
Năm 2024, thị trường thủy sản thế giới sẽ khan hiếm cua hoàng đế
Ảnh minh họa

Nguồn cung

Nghề đánh bắt cua hoàng đế ở biển Barents cũng có thể gặp khó khăn. Năm 2023, Viện Nghiên cứu biển Na Uy (the Norwegian Institute of Marine Research - IMR) đã thực hiện một cuộc khảo sát tại khu vực này và nhận thấy số lượng cua hoàng đế giảm đáng kể. Do đó, IMR đã khuyến nghị cắt giảm hạn ngạch vào năm 2024 xuống mức 60% còn 966 tấn, giảm từ mức 2.375 tấn của năm 2023. Khuyến nghị này đã được Bộ Thương mại, Công nghiệp và Thủy sản Na Uy phê duyệt ngay trước Lễ Giáng sinh 2023.

Trái lại, đối với cua tuyết thì giữa tháng 12/2023, Bộ Thương mại, Công nghiệp và Thủy sản Na Uy (the Norwegian Ministry of Trade, Industry and Fisheries) đã công bố tăng 32% hạn ngạch cho năm 2024 (ở biển Barents) lên 10.300 tấn. Ngoài ra, lệnh cấm đánh bắt hàng năm sẽ được kéo dài thêm một tháng, cụ thể là lệnh cấm này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2024 đến ngày 30 tháng 11 năm 2024.

Tại Bang Alaska của Mỹ, sau hai năm đóng cửa (do trữ lượng cua liên tục sụt giảm trong những năm trước đó) thì ngày 15 tháng 10 năm 2023 đã chính thức mở cửa trở lại cho hoạt động khai thác cua hoàng đế đỏ Vịnh Bristol. Tuy nhiên, hạn ngạch mà chính quyền ở đây phê duyệt tương đối thấp, chỉ 2,6 triệu pounds (tương đương với 1.180 tấn), giảm so với hạn ngạch 3,8 triệu pounds (1.724 tấn) của năm 2019.

Quần thể cua tuyết Alaska ở phía Đông biển Bering đã giảm 50% trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2019 và vẫn còn giảm hơn nữa trong những năm tiếp theo. Sự sụt giảm này gây ngạc nhiên và lo lắng cho ngành cua tuyết Alaska. Các nhà khoa học đã kết luận nguyên nhân chính là những đợt nắng nóng diễn ra ở biển Bering năm 2018–2019.

Cục Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (the National Oceanic and Atmospheric Administration of the United States - NOAA) đang thực hiện các cuộc khảo sát hàng năm về quần thể cua tuyết ở biển Bering. Năm 2018, NOAA ước tính số lượng cua tuyết ở biển Bering lên tới 12,2 tỷ con. Năm 2019, con số này đã giảm xuống chỉ còn 5 tỷ cá thể. Năm 2020 không tiến hành khảo sát do đại dịch COVID-19. Năm 2021, số lượng cua tuyết tiếp tục giảm xuống chỉ còn hơn 1 tỷ con. Sự sụt giảm mạnh về trữ lượng cua tuyết ở biển Bering (từ 12,2 tỷ con xuống còn 1 tỷ con) đã gây lo lắng cho những người khai thác. Triển vọng ảm đạm.

Vào đầu tháng 11 năm 2023, Cục Thủy sản thương mại và giải trí Alaska (Alaska’s Department of Fish and Game - ADF&G) đã đưa ra khuyến cáo về sản lượng thu hoạch cua (tanner crab) ở ngoài khơi Đảo Kodiak nên được đặt ở mức 3 triệu pounds (1.379 tấn), giảm 48% so với TAC 2023 là 5,8 triệu pounds (2.630 tấn). Năm 2023, tổng sản lượng thu hoạch chung cho 3 khu vực Kodiak, South Peninsula và Chignik được đặt ở mức 7,3 triệu pounds (3.310 tấn), khiến nơi đây trở thành khu vực đánh bắt cua lớn nhất Alaska. 

Về cua Dungeness, Bộ Thủy sản và Động vật hoang dã California (the California Department of Fish and Wildlife - CDFW) đã thông báo ngay trước Giáng sinh năm 2023 rằng nghề đánh bắt ở miền Bắc California sẽ được mở cửa từ ngày 5 tháng 1 năm 2024 (sau khi bị trì hoãn vào giữa tháng 11 năm 2023 vì sự di cư của cá voi lưng gù). Tương tự, thời điểm tiến hành mở ngư trường khai thác cua Dungeness ở Oregon cũng bị trì hoãn; dự kiến ​​ban đầu mở cửa vào ngày 1 tháng 12 năm 2023 nhưng đã bị trì hoãn vài tuần vì sản lượng thấp.

Thị trường

Sự phổ biến của các sản phẩm hải sản chế biến sẵn - đông lạnh đang tăng nhanh ở thị trường Trung Quốc, trong đó có cả các sản phẩm làm từ cua. Người tiêu dùng chỉ ra rằng so với mặt hàng cua tươi sống vốn rất được ưa chuộng thì sản phẩm đông lạnh có giá bằng một nửa mà hương vị vẫn thơm ngon không kém. Lĩnh vực này được dự đoán là ​​sẽ phát triển mạnh mẽ ở các khu vực đô thị của Trung Quốc.

Nguồn cung hoàng đế và cua tuyết ở thị trường Mỹ khan hiếm, giá cả tăng cao dường như không làm người tiêu dùng nản lòng vẫn chấp nhận chi tiền mua cua. Thực tế cho thấy, sự quan tâm của người tiêu dùng Mỹ đối với cua hoàng đế và cua tuyết đang tăng lên.

Đối với ngành khai thác cua Alaska, sự suy giảm sản lượng khai thác ở biển Bering có thể dẫn đến các vấn đề thị trường trong tương lai. Biến đổi khí hậu, thu hoạch không thường xuyên và sự chậm trễ trong mùa vụ khai thác (do cá voi di cư) lý những nguyên nhân khiến nghề đánh bắt này không còn được trông chờ. Thậm chí người tiêu dùng đã chuyển chú ý tới các nghề khai thác khác như nghề đánh bắt cua tuyết ở miền Đông Canada để có nguồn cung trong tương lai.

Thương mại quốc tế

Trong 9 tháng đầu năm 2023, thương mại cua toàn cầu (tất cả các loài cua và tất cả các dạng sản phẩm) đã tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Tổng cộng 344.395 tấn cua được nhập khẩu, trong đó thị trường nhập khẩu lớn nhất là Mỹ ( 97.336 tấn, chiếm 28,3%); Trung Quốc (90.122 tấn, chiếm 26,2%) và Hàn Quốc (37.501 tấn, chiếm 10,9%). Trung Quốc là quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất (+32%), trong khi Mỹ chỉ có mức tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2023, nhập khẩu cua hoàng đế và cua tuyết từ Nga của Trung Quốc đã tăng gấp bội. Cụ thể 9 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã nhập khẩu 20.614 tấn cua sống trị giá 678,7 triệu USD từ Liên bang Nga. Con số này tăng lần lượt 60,7% về lượng và 39,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá của năm 2023 lại giảm 20% so với năm trước, nguyên nhân chính là do các nhà xuất khẩu Nga đã gặp phải sự cạnh tranh từ phía Bắc - các nhà cung cấp Mỹ đang nhắm tới thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, FAO dự đoán nhập khẩu cua hoàng đế từ Nga vào Trung Quốc dự kiến ​​sẽ tăng mạnh trong năm 2024.

Trong một diễn biến mới nhất, các nhà xuất khẩu cua của Nga đã bắt đầu vận chuyển cua hoàng đế sống sang Trung Quốc bằng đường hàng không. Tháng 10 năm 2023, lô hàng đầu tiên khoảng 8 tấn cua hoàng đế sống của Nga đã được vận chuyển từ Moscow đến Thanh Đảo. Một số còn được gửi đến Bắc Kinh và Thượng Hải. Hiện tại, các nhà sản xuất cua của Nga vẫn không thể xuất khẩu sản phẩm sang các nước phương Tây do lệnh cấm nhập khẩu thủy sản từ Liên bang Nga vẫn đang được thực thi.

Năm ngoái (2023) là năm thực sự tốt đẹp đối với ngành cua Na Uy. Trong năm, Na Uy đã xuất khẩu 2.450 tấn cua hoàng đế với giá trị FOB 1,2 tỷ NOK (tương đương với 116 triệu USD) và 5.026 tấn cua tuyết với giá trị FOB là 510 triệu NOK (50 triệu USD). Về khối lượng, con số này thể hiện mức tăng trưởng 56% đối với cua hoàng đế và 33% đối với cua tuyết. Các thị trường lớn nhất của cua Na Uy gồm có: Mỹ, Trung Quốc, Đặc khu hành chính Hồng Kông, Việt Nam và Liên minh Châu Âu.

Dự báo

Nguồn cung cua hoàng đế sẽ rất khan hiếm trong năm 2024 và giá chắc chắn sẽ tăng. Đối với cua tuyết, tình hình nguồn cung sẽ tốt hơn một chút với sản lượng khai thác ở biển Barents tăng và sản lượng khai thác ở biển Bering giảm. Trong khi đó, lượng cua cập cảng ở miền Đông Canada được dự đoán là sẽ dồi dào.

Nhu cầu cua đang tăng lên ở thị trường Trung Quốc và có những dấu hiệu cho thấy nước này sẽ sớm thống trị thị trường cua toàn cầu. Các nhà cung cấp phương Tây đang đẩy sản phẩm của mình sang Trung Quốc do thị trường châu Âu tương đối yếu. Thị trường Mỹ đang thiếu nguồn cung từ sản xuất trong nước và hiện đang nhập khẩu nhiều hơn từ Na Uy và Canada.

Tình hình giá cả sẽ có sự khác biệt: Giá cua hoàng đế dự kiến ​​sẽ tăng, trong khi giá cua tuyết có thể giảm.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc