Thị trường nhuyễn thể chân đầu: Nguồn cung bạch tuộc thắt chặt (17-05-2024)

Sản lượng khai thác bạch tuộc toàn cầu đang tiếp tục giảm theo xu hướng giảm xảy ra trong những năm gần đây. Hạn ngạch khai thác giảm, dự kiến nguồn cung ​​sẽ ngày càng trở nên khan hiếm hơn.
Thị trường nhuyễn thể chân đầu: Nguồn cung bạch tuộc thắt chặt
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ trên thị trường đang suy yếu, có thể do lạm phát. Hiện giá bạch tuộc giảm nhẹ nhưng được dự đoán là ​​sẽ phục hồi. Trong khi đó, nguồn cung mực toàn cầu rất đa dạng, phong phú. Sản lượng khai thác mực ở Nam Mỹ đang tăng lên, ngoại trừ ở Argentina, nơi có sản lượng khai thác năm 2023 thấp hơn những năm trước.

Bạch tuộc

Mùa bạch tuộc ở Ma-rốc đã chính thức bắt đầu từ ngày 1 tháng 1 năm 2024, có vẻ hứa hẹn vụ mùa bội thu khi các báo cáo ban đầu từ nhiều tàu khai thác cho thấy sản lượng rất dồi dào. Tuy nhiên, hạn ngạch cho niên vụ 2024 đã được ấn định vào cuối tháng 12 năm 2023 ở mức 23.300 tấn, có thể coi là mức hạn ngạch khá thấp.

Mauritania đang thu hoạch khoảng 8% nguồn cung bạch tuộc toàn cầu với sản lượng trung bình hàng năm trong giai đoạn 2019-2021 là 35.000 tấn. Hầu hết số này được xuất khẩu sang Tây Ban Nha.

Cuộc thảo luận về nuôi bạch tuộc vẫn chưa có hồi kết. Trang trại nuôi bạch tuộc thương mại đầu tiên trên thế giới đang được xây dựng ở Quần đảo Canary và dường như đang đi đúng hướng bất chấp những chỉ trích tiêu cực. Theo chủ trang trại, công nghệ nuôi hiện đã được áp dụng; trang trại dự kiến ​​ mỗi năm nuôi một triệu con bạch tuộc, tương đương với 3.000 tấn bạch tuộc sẽ được thu hoạch hàng năm.

Thương mại

Nguồn cung bạch tuộc trên thị trường quốc tế khan hiếm trong 9 tháng đầu năm 2023. Nhập khẩu của Nhật Bản giảm 6,5% xuống 27.792 tấn, giảm so với 29.739 tấn của cùng kỳ năm trước. Có một số thay đổi lớn trong thứ hạng các nhà cung cấp bạch tuộc:

Mauritania đã vươn lên dẫn đầu danh sách các nhà cung cấp và quốc gia này đã tăng xuất khẩu bạch tuộc sang Nhật Bản +40% đạt 8.069 tấn trong 9 tháng đầu năm 2023; trong khi nhà cung cấp lớn thứ hai là Trung Quốc đã chứng kiến ​​mức sụt giảm 9,3%, từ 7.881 tấn trong 9 tháng đầu năm 2022 xuống còn 7.150 tấn trong cùng kỳ năm 2023. Maroc giảm mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản (-51,7%) từ 6.731 tấn xuống còn 3.248 tấn.

Hàn Quốc cũng nhập khẩu ít bạch tuộc hơn trong 9 tháng đầu năm 2023, lượng nhập khẩu đạt 49.101 tấn, thấp hơn 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường Hàn Quốc là Trung Quốc, đã tăng lượng xuất khẩu +12,2% lên 23.267 tấn, chiếm 47,4% tổng lượng nhập khẩu bạch tuộc của Hàn Quốc. Các nhà cung cấp lớn khác còn có Việt Nam và Thái Lan nhưng đều giảm lượng xuất khẩu; Việt Nam cung cấp 17.493 tấn (-11,8%), trong khi Thái Lan cung cấp 3.543 tấn (-29,2%). Nhập khẩu bạch tuộc từ Mauritania tăng gần 75%, từ 1.136 tấn lên 1.680 tấn.

Mực ống

Mùa mực ống Illex của Argentina cũng bắt đầu từ đầu tháng 1 năm 2024. Tuy nhiên, sản lượng khai thác cho đến nay vẫn rất thấp. Đội tàu chủ yếu bao gồm các tàu mang cờ Argentina thuộc sở hữu của các công ty châu Á. Theo dữ liệu chính thức từ Bộ Nông nghiệp, Chăn nuôi và Thủy sản Argentina (the Argentine Ministry of Agriculture, Livestock and Fishery), đội tàu Argentina đã đánh bắt được 52.500 tấn mực Illex trong quý 3 năm 2023. Đây là mức tăng so với cùng kỳ năm trước, khi chỉ có 61 tấn mực cập cảng. Tuy nhiên, vào tháng 10, lượng hàng cập cảng gần như không có: chỉ 6 tấn! Con số này thể hiện mức giảm sâu (-92%) so với 79 tấn được khai thác vào tháng 10 năm trước.

Các tàu Argentina đã báo cáo sản lượng khai thác yếu trong thời gian diễn ra mùa mực Illex, tương tự như tình trạng của các tàu Trung Quốc hoạt động ngay bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Argentina. Các tàu Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động khai thác mực Illex từ ngày 20 tháng 12 năm 2023, trong khi các tàu của Argentina bắt đầu muộn hơn, từ ngày 12 tháng 1 năm 2024. Triển vọng sản lượng khai thác kém sẽ tạo áp lực lên người thu mua của châu Âu và Bắc Mỹ, giá có thể tăng cao.

Thương mại

Trong giai đoạn xem xét (từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2023), giá mực Illex của Argentina ở thị trường Trung Quốc ở mức thấp cho đến đầu tháng 3, sau đó bắt đầu tăng cho đến giữa tháng 5 và kể từ đó giá duy trì ở mức cao.

Kể từ năm 2019, nhập khẩu mực ống và mực nang của Mỹ có xu hướng giảm. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Mỹ đã giảm nhập khẩu mực khoảng 26% so với cùng kỳ năm trước và tiếp tục giảm thêm vào tháng 10 năm 2023. Tất cả các nhà cung cấp lớn nhất đều giảm khối lượng xuất khẩu mực vào thị trường Mỹ, cụ thể: Trung Quốc (−39,7%), Argentina (−12%) và Ấn Độ (−41%). Tương tự như vậy, giá nhập khẩu của Mỹ, vốn đang tăng đều đặn cho đến tháng 1 năm 2022 thì bắt đầu lao dốc kể từ đó.

Nhập khẩu mực ống và mực nang của Nhật Bản trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt 121.064 tấn, giảm 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Nhà cung cấp chính là Trung Quốc giảm 6,3% về lượng; tuy nhiên, Trung Quốc vẫn chiếm gần 57% tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản. Ngược lại, Peru và Chile đã tăng xuất khẩu sang Nhật Bản. Nhập khẩu từ Peru đã tăng từ 18.332 tấn trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2022 lên 23.592 tấn trong cùng kỳ năm 2023, trong khi nhập khẩu từ Chile tăng từ 7.409 tấn lên 7.820 tấn trong cùng thời kỳ xem xét.

Trong giai đoạn này, nhập khẩu mực ống và mực nang của Trung Quốc đã tăng đáng kể lên 359.446 tấn (tăng 40%) từ 256.817 tấn so với 9 tháng đầu năm 2022. Nhà cung cấp lớn nhất là Peru, nước này đã tăng lượng xuất khẩu từ 15.324 tấn trong năm 2022 lên đến con số khổng lồ 144.217 tấn vào năm 2023. Ngược lại, nhập khẩu từ Indonesia giảm 13,8% xuống chỉ còn 52.170 tấn. Nhà cung cấp lớn thứ ba cho Trung Quốc là Mỹ, đã tăng xuất khẩu từ 30.926 tấn trong 9 tháng đầu năm 2022 lên 33.201 tấn trong cùng kỳ năm 2023 (+7,4%). 

Mặc dù đã nhập khẩu nhiều như vậy nhưng lượng tiêu thụ mực tại thị trường nội địa Trung Quốc trái lại không tăng. Thậm chí, sức tiêu thụ mực tại thị trường nội địa Trung đang giảm. Điều này đang tạo ra khó khăn lớn cho các doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh mực, họ đang có một lượng lớn hàng tồn kho và ngày càng gia tăng. Vì vậy, triển vọng thị trường mực ở Trung Quốc khá ảm đạm.

Cùng với đó, xuất khẩu của Trung Quốc cũng giảm 14,8%, từ 447.483 tấn trong 9 tháng đầu năm 2022 xuống còn 381.159 tấn trong cùng kỳ năm 2023. Xuất khẩu sang tất cả các thị trường chính đều giảm: Nhật Bản giảm 6,7% xuống 75.867 tấn; Thái Lan giảm 16,2% xuống 53.193 tấn; và Hàn Quốc giảm 10,2% xuống 41.657 tấn.

Tại thị trường Hàn Quốc, nhập khẩu mực đã tăng 9,3%, từ 117.380 tấn trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2022 lên 128.263 tấn trong cùng kỳ năm 2023. Các nhà cung cấp lớn nhất là Peru (chiếm 40%), Trung Quốc (32,8%) và Chile (9,6%).

Thị trường mực lớn nhất ở châu Âu chính là Tây Ban Nha. Tuy nhiên, lượng nhập khẩu của Tây Ban Nha tăng trưởng khiêm tốn +5%, từ 215.667 tấn trong giai đoạn 9 tháng năm 2022 lên 226.253 tấn trong cùng kỳ năm 2023. Peru và Quần đảo Falkland (Malvinas) là những nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường này, tiếp theo là Maroc.

Dự báo

Nguồn cung bạch tuộc khan hiếm và giá sẽ ở mức cao. Đối với mực ống, tình hình khả quan hơn một chút nhưng nguồn cung từ Argentina thấp; giá dự kiến ​​sẽ vẫn ở mức cao hoặc thậm chí tăng thêm. Trung Quốc buộc phải năng động hơn trên thị trường nhuyễn thể chân đầu quốc tế: Do quốc gia này đã nhập khẩu rất nhiều nhưng lại không xuất khẩu nhiều như trước. Năm 2024, tổng nguồn cung mực ống toàn cầu dự kiến ​​sẽ thấp hơn trước do sản lượng đánh bắt ngoài khơi Argentina cho đến nay vẫn đáng thất vọng.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc