Theo công ty tư vấn tổng hợp dữ liệu thương mại cho Undercurrent News có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh, xuất khẩu tôm nuôi của Việt Nam đã tăng trở lại trong tháng 3, đánh dấu quý đầu tiên tăng trưởng mạnh mẽ so với tình hình thị trường khó khăn của năm 2023. Tuy nhiên, mặc dù tỷ lệ xuất khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng rất cao, nhưng giá xuất khẩu trung bình của tất cả các sản phẩm từ tôm bán sang tất cả các thị trường đều giảm so với các tháng trước.
Nhờ kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán rơi vào tháng 1 năm 2023 và tháng 2 năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 36.938 tấn sản phẩm vannamei trong hai tháng đầu năm 2024, so với 25.398 tấn vào năm 2023. Vào tháng 3 tiếp theo, xuất khẩu tôm chân trắng đạt 24.662 tấn - tăng 63% so với tháng trước và 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Tất cả các thị trường hàng đầu đều tăng mạnh nhập khẩu, bao gồm Mỹ (+68%), Trung Quốc và Hồng Kông (+79%), Nhật Bản (+78%), châu Âu (+14%), Hàn Quốc (+66%) và Vương quốc Anh (+101%)", theo thông tin từ công ty tư vấn của Undercurrent News.
"Trung Quốc và Hồng Kông đã giảm nhập khẩu tôm từ Ecuador, nhà cung cấp tôm số một của nước này, và tăng nhập khẩu từ Việt Nam. Nhiều người tiêu dùng ở thị trường Trung Quốc vẫn chấp nhận mua tôm Việt Nam với giá cao hơn do chất lượng vượt trội so với các sản phẩm từ Ecuador và Ấn Độ". Công ty tư vấn cho biết thêm trong năm nay Trung Quốc đã đình chỉ mua hàng từ một số nhà xuất khẩu của Ecuador do sản phẩm chứa chất sulfite vượt quá mức cho phép.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết các sản phẩm tôm chế biến giá trị gia tăng đã chiếm tới 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu tôm (cả tôm thẻ và tôm sú) cho đến năm 2024. Xu hướng này vẫn được thể hiện trong tháng 3, với 38% tổng giá trị xuất khẩu (cho cả hai loài). Mặc dù vậy, giá xuất khẩu trung bình của toàn bộ các sản phẩm tôm thẻ bán cho tất cả các thị trường vẫn giảm 3% so với tháng trước xuống còn 8,16 USD/kg.
VASEP cho biết giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt gần 272 triệu USD trong tháng 3, tăng 3% so với cùng kỳ. “Mặc dù tốc độ tăng trưởng còn khiêm tốn nhưng điều này cho thấy sức mua từ các thị trường đang phục hồi”, cơ quan này nhận định.
VASEP cũng xác định Trung Quốc và Mỹ là hai thị trường nổi bật, ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt là 17% và 4% so với cùng kỳ năm ngoái về mặt giá trị. Cộng dồn trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc đạt 128 triệu USD, tăng 75%, trong khi xuất khẩu sang Mỹ đạt 121 triệu USD, tăng 16%. “Đáng chú ý, trong quý I năm nay, hoạt động xuất khẩu tôm Việt Nam khá sôi động sang một số thị trường nhỏ hơn như Canada, Đan Mạch, Anh, Đài Loan, Nga với tốc độ tăng trưởng 17%-224%” so với năm trước", VASEP cho biết thêm.
Xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu vẫn ghi nhận mức giảm từ 2 - 14% so với cùng kỳ. Sau khi sụt giảm trong tháng 2, khối lượng xuất khẩu tôm sú đã tăng gấp đôi trong tháng 3, đạt 2.748 tấn. Tuy nhiên, con số đó vẫn giảm 5% so với cùng kỳ năm trước.
“Ngoại trừ Mỹ giảm khối lượng nhập khẩu con tôm Việt Nam tới 42%, các thị trường chính khác đều có lượng nhập khẩu tăng đáng kể, đặc biệt là Trung Quốc và Hong Kong (+106%), Nhật Bản (+183%), châu Âu (+294%), Hàn Quốc (+106%), Nhật Bản (+183%), châu Âu (+294%), Hàn Quốc (+99%) và Vương quốc Anh (+233%)", công ty tư vấn nói với Undercurrent News.
Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, Việt Nam phải đối mặt với mức thuế chống trợ cấp sơ bộ là 2,84% đối với công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (thường được gọi là Fimex Vn) và các công ty khác, riêng Công ty Thông Thuận phải chịu mức thuế 196,4%, căn cứ trên hồ sơ và nhiều tình tiết bất lợi.
Hình 2: Xuất khẩu tôm sú của Việt Nam
|
Thuế chống trợ cấp tôm có thể được hoàn lại nếu các nhà điều tra xác định rằng các nước liên quan không cung cấp khoản trợ cấp bất hợp pháp hoặc nếu hàng nhập khẩu được hưởng trợ cấp và không gây hại cho ngành tôm Mỹ. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng sẽ không được đưa ra cho đến cuối năm 2024, khiến các nhà xuất khẩu phải gánh chịu chi phí “tạm thời".
Về giá trị, giá xuất khẩu trung bình của tất cả các sản phẩm của tôm sú sang các thị trường đã giảm 6% so với tháng trước ở mức 11,89 USD/kg.
Mỹ là thị trường duy nhất tăng giá
Nếu khối lượng xuất khẩu tôm thẻ chân trắng tăng là một dấu hiệu sáng sủa thì đáng buồn cho Việt Nam khi chỉ có thị trường Mỹ chứng kiến giá xuất khẩu tăng. Xuất khẩu tôm chân trắng sang Mỹ tăng lên 4.205 tấn cao nhất từ đầu năm đến nay và giá tăng khiêm tốm 1% ở mức 9,70 USD/kg.
Khối lượng sang Trung Quốc tăng mạnh lên tới 3.772 tấn, nhưng giá trung bình giảm 1,5% xuống còn 6,40 USD/kg.
Việc tăng giá vào tháng 2 đối với thị trường châu Âu hiện nay là một điều bất thường, với mức giảm 14,1% trong tháng 3 xuống còn 7,30 USD/kg. Tuy nhiên, khối lượng lên tới 3.100 tấn và trên thực tế, con số này đã duy trì ổn định trong 12 tháng qua.
Khối lượng tôm xuất sang thị trường Hàn Quốc đã tăng vọt trong tháng 3 lên 3.053 tấn, lần đầu tiên đạt 3.000 tấn trong năm nay. Nhưng giá lại giảm 2,7% xuống 7,10 USD/kg. Mức giá này ngang bằng với tháng 12 năm ngoái và là mức giá thấp nhất từng được ghi nhận.
Ở Anh cũng vậy, khối lượng nhập khẩu tôm từ Việt Nam tăng lên 1.138 tấn, cao nhất kể từ tháng 9 năm 2023, nhưng giá giảm 1,1% xuống 8,90 USD/kg.
Trung Quốc trả nhiều tiền hơn cho tôm sú
Về mặt hàng tôm sú, Mỹ và Trung Quốc đều chứng kiến giá sản phẩm Việt Nam tăng trong tháng 3. Khối lượng tôm sú xuất sang Trung Quốc đã tăng từ 371 tấn trong tháng 2 lên 764 tấn trong tháng 3, và giá cũng tăng tháng thứ hai liên tiếp, lần này là 2,8% lên 10,70 USD/kg. Theo dữ liệu hải quan, thị trường Mỹ chứng kiến mức giá tăng đột biến 25,9% lên 18,90 USD/kg. Đó là mức cao nhất kể từ tháng 4 năm 2023. Khối lượng giảm chỉ còn 191 tấn.
Ở các thị trước khác thì "số lượng tăng, giá giảm". Tại châu Âu, nhập khẩu tăng rõ rệt lên 268 tấn, trong khi giá giảm mành 24,8% xuống 8,80 USD/kg.
Tương tự, tại Nhật Bản, khối lượng nhập khẩu tôm từ Việt Nam gần như tăng gấp ba lên 600 tấn, nhưng giá lại giảm 8,8% xuống còn 12,50 USD/kg. Đây là mức giá thấp nhất kể từ trước đại dịch COVID-19, khi giá mua dao động trong khoảng 10,00 - 11,00 USD/kg.
Tại Hàn Quốc, giá đã giảm trong tuần thứ hai liên tiếp trong xu hướng khó khăn kể từ tháng 3 năm ngoái, hiện nay giá tôm đã giảm 9,3% xuống còn 10,70 USD/kg.
Hải Đăng (Theo Undercurrent News)