Dầu cá có mức tăng khiêm tốn hơn, với khối lượng giao dịch tăng từ 972.000 tấn vào năm 2020 lên 983.000 vào năm 2021.
Đối với hoạt động sản xuất, thời tiết xấu và việc đóng cửa tạm thời các khu vực đánh bắt thủy sản ở vùng biển Peru có thể tạo ra những thách thức đối với nguồn cung. Sản lượng bột cá hiện thấp hơn mức của năm ngoái.
Sản lượng
Peru, nhà sản xuất bột cá và dầu cá lớn nhất thế giới, đã đặt hạn ngạch cao cho mùa cá cơm đầu tiên của năm 2022, với tổng sản lượng khai thác cho phép là 3,28 triệu tấn, tăng 9% so với hạn ngạch năm 2021. Tuy nhiên, hoạt động đánh bắt cá vào đầu năm 2022 bị trở ngại do thời tiết xấu và tỷ lệ cá con nhiều. Điều này có nghĩa là ngư dân thu hoạch chậm so với kế hoạch trước khi mùa vụ kết thúc, chỉ đạt 26% hạn ngạch ở tất cả các khu vực trung tâm quan trọng ở phía Bắc vào giữa tháng 5/2022.
Năm ngoái, mùa khai thác đã kết thúc vào giữa tháng 7. Thời điểm tháng 5 năm ngoái, Peru đã thu hoạch hơn 30% hạn ngạch. Năm nay, sản lượng đánh bắt cá con cao. Tỷ lệ cá con cao có liên quan đến sự chênh lệch nhiệt độ nước hàng năm, nhưng đã gây lo ngại về việc đảm bảo sinh khối ổn định và duy trì trữ lượng. Sản lượng đánh bắt cá con hiện ở mức xấp xỉ 100.000 tấn ở khu vực trung tâm phía Bắc của Peru; nếu con số này lên tới 300.000 tấn thì mùa thu hoạch cá sẽ ngừng lại, chờ đến vụ thứ hai của năm bắt đầu vào tháng 11, ngay cả khi hạn ngạch chưa đạt được.
Cùng với việc tỷ lệ đánh bắt cá con cao đã dẫn đến sản lượng dầu cá thấp, vì cá cơm cỡ nhỏ có tỷ lệ chất béo trong cơ thể thấp hơn cá cỡ lớn. Sản lượng dầu cá hiện chiếm 2% tổng sản lượng khai thác; trong khi tỷ lệ này thường được dự kiến khoảng 3%.
Chile là một nhà sản xuất thứ cấp quan trọng của bột cá và dầu cá. Sau năm 2021 gặt hái nhiều thành công, sản lượng của Chile trong năm 2022 trái lại đã tụt xuống duy trì ở mức thấp do lệnh cấm đánh bắt cá ở một số khu vực. Sản lượng bột cá giảm 17% so với cùng kỳ trong 4 tháng của năm, trong khi sản lượng dầu cá giảm 12%.
Đối với các nhà cung cấp khác, việc nới lỏng hạn ngạch của Hoa Kỳ và EU đối với cá trứng (capelin) và menhaden có thể sẽ giúp tăng nguồn cung trên thị trường bột cá và dầu cá của thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm đánh bắt thủy sản từ ngày 1 tháng 5 đến tháng 9 năm 2022 nhằm ngăn chặn hoạt động khai thác thủy sản trong nước.
Xuất khẩu
Sản lượng khai thác tốt ở Peru dẫn đến khối lượng thương mại cao vào năm 2021. Xuất khẩu bột cá tăng từ 856.000 tấn năm 2020 lên 1,22 triệu tấn vào năm 2021. Sau khi giảm vào năm 2020, xuất khẩu dầu cá tăng trở lại, tăng từ 129.000 tấn lên 225.000 tấn. Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ bột cá chính, chiếm 80% về khối lượng. Xuất khẩu dầu cá sang Trung Quốc cũng tăng mạnh, với khối lượng tăng hơn gấp ba lần từ 15.000 tấn năm 2020 lên 48.000 tấn năm 2021, khiến Trung Quốc trở thành thị trường đích lớn nhất, với 20% lượng dầu cá nhập khẩu, tiếp theo là Bỉ (18%) và Đan Mạch (12%).
Chile, nhà cung cấp bột cá lớn thứ hai, tuy nhiên xuất khẩu đã giảm 18% trong năm 2021 xuống còn 245.000 tấn. Xuất khẩu dầu cá cũng giảm 5% đạt 122 000 tấn,.
Đan Mạch mất vị trí là nước xuất khẩu dầu cá hàng đầu thế giới. Đã từng vượt qua Peru vào năm 2020, sau đó hai quốc gia này một lần nữa hoán đổi vị trí cho nhau vào năm 2021. Xuất khẩu dầu cá của Đan Mạch đạt 128.000 tấn vào năm 2021, giảm 15% so với năm 2020.
Thị trường
Trung Quốc có lượng nhập khẩu bột cá tăng mạnh trong năm 2021, với khối lượng tăng từ 1,43 triệu tấn lên 1,84 triệu tấn. Thị trường Trung Quốc hiện hấp thụ 50% khối lượng thương mại bột cá toàn cầu, tăng từ 43% trong cả hai năm trước đó (2019 và 2020). Phần lớn lượng bột cá này đang được cung cấp cho ngành nuôi trồng thủy sản trong nước, là ngành hàng đang tiếp tục phát triển mạnh tại quốc gia này. Trái lại, ngành thịt lợn Trung Quốc vẫn bị kìm hãm bởi giá thịt lợn thấp, làm giảm nhu cầu tiêu thụ bột cá ở quốc gia này. Bên cạnh đó, đồng Sol của Peru đã mạnh lên so với đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc, đã làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng nhập khẩu Peru khi nó tăng trong năm ngoái từ mức thấp 1:1,50 Nhân dân tệ lên mức 1:1,80 Nhân dân tệ.
NaUy, nước nhập khẩu dầu cá lớn nhất và nhập khẩu bột cá lớn thứ hai, đã chứng kiến lượng nhập khẩu tăng mạnh, đặc biệt là đối với dầu cá. NaUy đã gia tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản vào năm 2021, điều này thúc đẩy nhu cầu đầu vào tăng mạnh. Nhập khẩu tăng 37.000 tấn đối với bột cá và 9.000 tấn đối với dầu cá (tương ứng +26% và +4%). Đan Mạch là nhà cung cấp bột cá chính cho thị trường NaUy, trong khi Peru chiếm thị phần lớn về dầu cá ở thị trường NaUy. Năm 2020, nhập khẩu từ Peru giảm (phần lớn được thay thế bằng nguồn cung từ Đan Mạch), nhưng năm 2021 chứng kiến dòng chảy thương mại quay trở lại như mức trước đó, trong đó Peru cung cấp một phần ba lượng dầu cá cho NaUy.
Giá cả
Giá bột cá và dầu cá đều tăng do nhu cầu cao và chi phí thay thế tăng. Hiện tại trên thế giới, đậu nành thường được sử dụng làm thức ăn cho cá, cả ở dạng rắn và dầu, nhưng giá rất cao, cụ thể giá đậu tương được ước tính đã tăng 80% so với hai năm trước.
Giá bột cá cao nhất kể từ đầu năm 2018, ở mức 1.800 USD/tấn, cao hơn 200 USD/tấn so với giá cùng thời điểm năm 2021.
Giá dầu cá cũng cao nhất kể từ đầu năm 2018, ở mức 3.000 USD/tấn, cao hơn 700 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2021.
Dự báo
Triển vọng cho ngành công nghiệp dầu cá và bột cá trên thế giới hiện nay là không chắc chắn. Giá bột cá và dầu cá đều tăng cao do nhu cầu tiêu thụ mạnh, trong khi nguồn cung hiện tại thấp và giá thức ăn thay thế lại tăng lên. Cùng với đó, các lệnh phong tỏa ở Trung Quốc và đồng Sol Peru tăng đang làm giảm nhu cầu tại thị trường bột cá và dầu cá lớn nhất thế giới. Những xu hướng đối nghịch này có nghĩa là không có con đường ổn định và bằng phẳng nào cho ngành dầu cá và bột cá thế giới.
Ngọc Thúy (Globefish Highlights)