COVID-19 khiến thị trường tôm hùm sụp đổ (18-11-2020)

Vào đầu năm, triển vọng ngành tôm hùm thực sự rất khả quan. Nhu cầu mạnh, giá cao và sản xuất có vẻ hứa hẹn. Sau đó, sự bùng phát COVID-19 và thị trường chính là Trung Quốc đã đóng cửa ngay tại thời điểm tiêu thụ quan trọng nhất năm (khi Tết Nguyên đán bắt đầu). Kể từ đó, các điều kiện thị trường trở nên xấu đi, và giá tôm hùm giảm. Nhưng dường như đã thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm”. Trung Quốc đang mở cửa trở lại, nhu cầu tăng lên và thương mại bắt đầu phục hồi.
COVID-19 khiến thị trường tôm hùm sụp đổ
Ảnh minh họa

Nguồn cung: COVID-19 có tác động tương tự đối với tất cả các nhà sản xuất tôm hùm, dẫn đến sản lượng thấp hơn do nhu cầu rất thấp. Các nhà chức trách bang Maine (Hoa Kỳ) đã ngừng thực thi quy định về việc “bẫy tôm hùm không được để trong nước quá 30 ngày”. Lý do là muốn ngăn cản việc thu hoạch cũng như khuyến khích giãn cách xã hội trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Bộ Tài nguyên Biển của Maine tuy không đóng cửa nghề cá, nhưng không khuyến khích thu hoạch, vì nhu cầu thị trường đã giảm đáng kể và nguồn cung tiếp tục được dự báo sẽ gây áp lực lên giá.

Tại Nam Phi, hoạt động thu hoạch tôm hùm bị đình trệ vào tháng 2/2020 do thị trường Trung Quốc đóng cửa. Thông thường, khoảng 90% sản lượng tôm hùm đá của Nam Phi được xuất khẩu sang Trung Quốc. Tại Canada, cũng đã có những lời kêu gọi tạm thời ngừng thu hoạch cho đến khi thị trường phục hồi. Các nhà xuất khẩu của Úc cũng bị ảnh hưởng không kém, vì cho đến nay Trung Quốc vẫn là thị trường chính của tôm hùm đá Úc. Có tới 95% lượng xuất khẩu tôm hùm của Nam Úc đến Trung Quốc. Các nhà khai thác tôm hùm Úc đang cố gắng thích ứng với tình hình thị trường mới bằng cách giảm hạn ngạch, và tại Tasmania, các nhà chức trách đã thông báo rằng họ sẽ cho phép chuyển hạn ngạch sang năm sau. Do đó, những người thu hoạch tôm hùm chưa sử dụng hết hạn ngạch do thị trường thay đổi đột ngột sẽ được phép bổ sung số lượng này vào hạn ngạch của họ cho vụ tiếp theo (bắt đầu tính từ ngày 1 tháng 3 năm 2020).

Thương mại quốc tế: Thương mại tôm hùm toàn cầu giảm nhẹ trong năm 2019 so với năm 2018. Nhập khẩu của Trung Quốc tăng vừa phải, trong khi nhập khẩu của Mỹ ổn định. Về mặt xuất khẩu, Canada đã chiếm thị phần của Hoa Kỳ. Cụ thể là: Xuất khẩu của Canada tăng 14% trong năm 2019 so với năm 2018, lên 97.500 tấn, trong khi xuất khẩu của Mỹ giảm gần 21%, xuống còn 42.400 tấn. Xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Trung Quốc gần như giảm một nửa và giảm xuống dưới 5.000 tấn. Tại Liên minh Châu Âu, nhập khẩu ổn định ở mức gần 25.000 tấn, nhà cung cấp chính là Canada.

Xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc đã dừng lại vào cuối năm 2019 (khi Trung Quốc đóng cửa biên giới). Tại thời điểm đó, các nhà xuất khẩu của Maine (Hoa Kỳ) và Canada đều cảm nhận được tình trạng chuyển biến xấu này. Các lô hàng đến châu Âu cũng giảm đáng kể do các nhà hàng ở một số quốc gia đóng cửa do COVID-19. Ngoài ra, doanh số bán tôm hùm nội địa Hoa Kỳ cũng đã giảm do nhiều bang và thành phố đã đóng cửa tất cả các nhà hàng. Hiện tại, Trung Quốc dường như đã kiểm soát được tình hình và đã mở cửa biên giới cho các chuyến hàng.

Các nhà xuất khẩu Nova Scotia đã gửi những lô hàng đầu tiên trên cơ sở thử nghiệm (để thử xuất khẩu lại thị trường Trung Quốc). Khi các nhà xuất khẩu tôm hùm Tasmania ngừng hoạt động tại thị trường Trung Quốc, họ đã chuyển sự chú ý sang thị trường nội địa và ngạc nhiên khi thấy rằng nhu cầu nội địa thực sự rất tốt. Rõ ràng, trong thời gian qua, các nhà kinh doanh tôm hùm đã quá tập trung vào thị trường Trung Quốc và bỏ qua tiềm năng thị trường nội địa.

Các nhà xuất khẩu của Jamaica đã vận chuyển tôm hùm sống sang Trung Quốc suốt một thời gian nhưng thay vào đó họ chuyển một số dưới dạng tôm hùm đông lạnh. Tuy nhiên, việc đóng cửa thị trường Trung Quốc đã khiến hoạt động của người dân địa phương ở Jamaica bị giảm sút.

Giá cả: Với việc doanh số bán tôm hùm giảm, hàng tồn kho đã tăng lên. Điều này cũng không tốt cho giá cả vì lượng hàng tồn kho lớn gây áp lực lên giá cả. Giá tôm hùm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giảm trong tháng 2/2020, và các thương nhân Việt Nam phải chuyển sang thị trường nội địa, nơi họ bán tôm hùm của họ với mức giá thua lỗ. Một số cải thiện đã được ghi nhận vào tháng 3 năm 2020, do thị trường Trung Quốc đang dần phục hồi. Giá tôm hùm của Hoa Kỳ đạt mức thấp nhất trong 4 năm ngay qua (khi Tết Nguyên đán bắt đầu, là giai đoạn thường được đặc trưng bởi nhu cầu mạnh và giá cao). Giá tôm hùm Maine đã giảm 20% kể từ tháng 1 năm 2020. Giá bán buôn ở New England “giảm một nửa”, một con tôm hùm nguyên con nặng 1,5 pound, giảm gần 20% xuống còn hơn 8 USD/pound (thấp nhất kể từ năm 2016). Không giống như bang Maine, Florida sản xuất tôm hùm gai và đã chứng kiến ​​giá cả cũng như nhu cầu giảm sau đại dịch COVID-19. Giá giảm từ 10 USD xuống 6 USD/pound vào thời điểm mà giá thông thường sẽ cao, thậm chí cao tới 20 USD/pound trong dịp Tết Nguyên đán.

Dự báo: Cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Có thể mất nhiều tháng, tùy thuộc vào cách xử lý đại dịch COVID-19 ở châu Âu và Bắc Mỹ. Điều tồi tệ nhất dường như đã qua ở Trung Quốc, khi thương mại đang dần trở lại. Ảnh hưởng kinh tế của đại dịch vẫn chưa được xác định rõ. Đối với một sản phẩm xa xỉ điển hình như tôm hùm, hậu quả thị trường suy thoái kinh tế sẽ rất lớn. Tác động kinh tế của COVID-19 cũng chưa được biết đến ở Trung Quốc, thị trường lớn trên thế giới về tôm hùm sống.

Đối với các nhà sản xuất lớn, các tác động sẽ khác nhau. Các nhà xuất khẩu tôm hùm của Mỹ sẽ tiếp tục bị tổn thương do xung đột thương mại Trung - Mỹ, được cho là còn tiếp tục với các điều kiện, yêu cầu của hai bên. Các nhà xuất khẩu của Canada được hưởng lợi từ cuộc xung đột thương mại này và có thể sẽ củng cố vị thế của họ tại thị trường Trung Quốc. Ở châu Âu, việc phục hồi sau đại dịch dự kiến ​​sẽ mất nhiều thời gian hơn Trung Quốc, và do đó doanh số bán hàng dự kiến ​​sẽ không phục hồi nhanh chóng như Trung Quốc. Tương tự đối với thị trường Mỹ. Đại dịch COVID-19 trở nên kịch tính ở Hoa Kỳ, cả sức mua và thương mại đều sẽ bị ảnh hưởng.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc