Lực lượng Kiểm ngư: tham gia tuyên tuyền, phản bác luận điệu phản động về chủ quyền biển, đảo bảo vệ tư tưởng của Đảng trên không gian mạng (30-06-2022)

Việt Nam có chiều dài bờ biển khoảng 3.260 km, diện tích vùng đặc quyền kinh tế trên 01 triệu km2, với hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ khác nhau, trong đó có 2.773 đảo ven bờ và hơn 200 đảo xa bờ, trong đó có một số đảo lớn, đặc biệt có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa án ngữ Biển Đông… Vùng nội thủy, lãnh hải chiếm 37% diện tích, có nhiều đảo, cụm đảo nằm xen kẽ tự nhiên. Với vị trí chiến lược trên vùng Biển Đông, biển - đảo Việt Nam có vị trí quan trọng trong tuyến hàng hải của thế giới và các nước trong khu vực. Vận tải biển, đánh bắt và nuôi trồng hải sản, khai thác khoáng sản, chế biến dầu khí và điện khí, phát triển du lịch và dịch vụ biển... là những lợi thế, là những yếu tố thuận lợi, tiềm năng lớn để Việt Nam phát triển kinh tế biển, là nội lực quan trọng cho đất nước ta tiến đến tương lai mà nhiều quốc gia không có được.
Lực lượng Kiểm ngư: tham gia tuyên tuyền, phản bác luận điệu phản động về chủ quyền biển, đảo bảo vệ tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
Ảnh minh họa

Với tiềm năng kinh tế biển hết sức to lớn, biển đã gắn bó mật thiết và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, tạo vị thế chiến lược quốc phòng - an ninh vững chắc cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta xác định, biển, đảo của Việt Nam có vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo sẽ góp phần giữ vững độc lập dân tộc, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.

Hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, biển đảo và kinh tế biển càng có ý nghĩa vô cùng to lớn. Trước yêu cầu của tình hình mới, Đảng ta thể hiện rõ quan điểm phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc; phát triển kinh tế- xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh, đối ngoại, bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Nhận thức rõ được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của biển, đảo và vùng ven biển; ngày 22/10/2018, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó xác định: “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển”..

Ngày nay, Internet và không gian mạng đang phát triển mạnh mẽ, tạo ra nhiều lợi ích đối với các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam. Do có tính mở, sự đa dạng, mới mẻ, luôn luôn cập nhật và tạo ra sự tự do, bình đẳng thoải mái giao tiếp cho người sử dụng, thậm chí có thể xóa nhoà ranh giới giữa thực và ảo… các mạng xã hội đã và đang trở thành công cụ hàng đầu để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá, chuyển hóa chính trị, khủng bố. Vì vậy, không gian mạng mang đến không ít thách thức đối với việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Với sự phát triển của công nghệ, sự bùng nổ internet ở nước ta trong cuộc cách mạng 4.0, nhiều hòn đảo, vùng biển được phủ sóng 4G, 5G... Cùng với đó là các thiết bị thông minh có giá thành ngày càng rẻ hơn, giúp cho nhiều người dân có điều kiện trang bị và sử dụng. Mặt khác, do đặc thù của nghề khai thác thuỷ sản trên biển, hiện nay phần lớn thời gian của ngư dân khi tàu cá trú gió, neo nghỉ… là sử dụng điện thoại thông minh truy cập vào internet, vào mạng xã hội (Facebook,  Zalo, Youtube, Tiktok, Twitter, Instagram…). Chính vì thế, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã lợi dụng không gian mạng để xuyên tạc vấn đề chủ quyền về biển, đảo của Việt Nam; đưa tin sai sự thật, bôi nhọ các lực lượng thực thi pháp luật trên biển. Chúng lập ra hoặc tham gia và đăng các bài viết lên các hội nhóm như: Ngư dân Việt Nam, Dân biển, Diễn đàn Biển Đảo, v.v… Chúng đã lợi dụng những “điểm nóng” trên biển phát tán các thông tin, hình ảnh, video có cắt ghép nhằm hòng bóp méo sự thật, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Mục đích của chúng là kích động dư luận, khuấy động lòng dân, gây mất ổn định tình hình an ninh, trật tự trong nước, chia rẽ mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước, Quân đội, các lực lượng thực thi pháp luật - bảo vệ ngư dân trên biển và làm tổn hại đến quan hệ của Việt Nam với các nước liên quan. Chúng suy diễn thông tin sai sự thật nhằm bẻ lái dư luận, vu khống trắng trợn rằng: Đảng và Nhà nước không quan tâm đến việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tung luận điệu xảo trá, vu cáo “chính quyền Việt Nam làm ngơ về biển Đông”... Chúng đòi “hợp tác với một nước khác để giải quyết tình hình”, đòi hỏi phải “chọn phe” để bảo vệ chủ quyền biển, đảo, từ đó đánh vào tâm lý hoài nghi của người dân, cho rằng lãnh đạo Đảng, Nhà nước “vì phe này, phe kia” để chủ quyền biển, đảo bị xâm lấn… Hoặc chúng rêu rao rằng: Việt Nam lôi bè kéo cánh, đi với nước này, chống nước kia... Đây là những thông tin xấu độc, sai sự thật để cố tình kích động dư luận, nhằm mục đích cuối cùng là xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Bởi cái gọi là Việt Nam đi với nước này chống lại nước kia... là luận điệu xuyên tạc, sai trái của thế lực thù địch, tuyệt nhiên không có trong đường lối đối ngoại, hoặc trong chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông mà Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định.

Hơn nữa, các thế lực thù địch đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết, trình độ văn hóa thấp và nhận thức còn hạn chế về các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của các công đồng ngư dân ven biển để lan truyền các thông tin sai sự thật, bình luận các sự việc theo hướng chống phá Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt, chúng vin vào tình hình ngư dân Việt Nam khai thác trái phép ở ngoài vùng biển nước ta, bị lực lượng bảo vệ pháp luật của các nước bắt giữ, xử lý để tung luận điệu “ngư dân bị bỏ rơi”, hay tung tin “lực lượng chuyên trách thực thi pháp luật trên biển làm ngơ, không hoàn thành nhiệm vụ”… Hơn nữa, để khắc phục biện pháp cảnh báo “Thẻ vàng” của EC về đối với sản phẩm hải sản khai thác xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường EU, tăng cường các biện pháp chống khai thác IUU; Lực lượng Kiểm ngư cùng với các lực lượng thực thi pháp luật khác đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản trên biển; kiên quyết xử lý, xử phạt nghiêm các tàu cá vi phạm khai thác sai vùng, sai tuyến, khai thác trái phép ở các vùng biển nước ngoài hoặc không chấp hành các quy định về giám sát khai thác khi tham gia sản xuất trên biển; đồng thời bảo vệ, hỗ trợ, động viên ngư dân nước ta vươn khơi bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng biển đảo của Tổ quốc. Thế nhưng bằng những luận điệu suy diễn và vu khống trắng trợn, các thế lực phản động đang cho rằng Nhà nước đang cố tình chèn ép ngư dân Việt Nam, “bảo kê” cho các tàu cá nước ngoài vào biển Việt Nam khai thác hải sản. Các đối tượng cơ hội, chống phá còn phê phán Đảng và Nhà nước “phản ứng chậm”, hoặc “né tránh, không dám đối đầu, để chủ quyền lãnh thổ quốc gia bị đe dọa”, mục đích của chúng là muốn phủ nhận những nỗ lực và quan điểm kiên quyết của Đảng và Nhà nước ta đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ; chúng cố tình làm cho lòng dân mất yên, thiếu niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, gây mất ổn định, hòa bình của đất nước ta. Nếu người dân, đặc biệt là các ngư dân không tỉnh táo sẽ rất dễ “sập bẫy” trước những luận điệu xuyên tạc, kích động trên mạng xã hội, dẫn đến sự hoài nghi, mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, của lực lượng chuyên trách thực thi pháp luật trên biển.

Để xây dựng nước Việt Nam thực sự trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển; đồng thời, tiếp tục nâng cao vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo đảm an ninh biển, đảo trong tình hình mới cần phải nhận diện, bóc trần, phản bác và kiên trì đấu tranh với những chiêu trò suy diễn, xuyên tạc, phê phán các chủ trương của Đảng, đường lối bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc. Tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; kiên quyết phản bác và đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch là yêu cầu nhiệm vụ cấp thiết, nhằm bảo vệ chủ quyền hợp pháp, thiêng liêng của đất nước.

Những quan điểm, chủ trương, đối sách của Đảng và Nhà nước ta trong vấn đề Biển Đông là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với xu thế chung của thế giới. Chúng ta khẳng định rằng, chủ quyền quốc gia là không thể từ bỏ và đây cũng là nguyên tắc bất biến trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Thực tế cho thấy, mỗi khi chủ quyền và quyền chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên Biển Đông bị xâm phạm, lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta luôn thể hiện tinh thần đấu tranh kiên quyết, kiên trì bằng các biện pháp hòa bình, đó là thông qua các diễn đàn, các cuộc gặp gỡ trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao... Chính vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần tỉnh táo, sáng suốt và kiên quyết đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, những thông tin, luận điệu phản động, vu cáo, bịa đặt của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, nâng cao trách nhiệm công dân, động viên con em tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ môi trường biển; phát huy, nhân rộng sẽ tạo thành sức mạnh vô địch trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc, nhất là bảo vệ chủ quyền biển, đảo nước ta. Góp phần tuyên tuyền, phản bác luận điệu phản động về chủ quyền biển, đảo bảo vệ tư tưởng của Đảng, lực lượng Kiểm ngư sẽ tiếp tục thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch về chủ quyền biển, đảo. Tiếp tục quán triệt sâu sắc, nâng cao nhận thức chính trị, hành động cách mạng trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, đặc biệt là bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thứ hai: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ quyền biển, đảo nhằm góp phần nâng cao nhận thức đúng, tuân thủ pháp luật, đặc biệt là ngư dân Việt Nam khi ra khơi đánh bắt hải sản, từ đó có ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo.Tuyên truyền quan điểm của Đảng phát triển kinh tế biển gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và nâng cao đời sống của người dân ven biển. Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển cùng với nhân dân cả nước đồng lòng phát triển kinh tế biển, đảo; thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trên các vùng ven biển, hải đảo một cách có hiệu quả.

Thứ ba: Tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thủy sản trên biển. Chúng ta cần nỗ lực hơn nữa không để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; ngăn chặn tàu cá nước ngoài xâm phạm, hoạt động trái phép trên vùng biển của nước ta; Khuyến khích, động viên và tạo điều kiện tối đa, hỗ trợ, giúp đỡ để ngư dân vươn khơi, bám biển.

Thứ tư: Thường xuyên nắm bắt tình hình dư luận xã hội, thông tin liên quan đến các vấn đề chủ quyền biển, đảo Việt Nam, đặc biệt là tình hình biển Đông, trong đó bao gồm tình hình sản xuất, khai thác hải sản, thông tin an ninh, trật tự trên biển ở trên các trang mạng xã hội để kịp thời phản bác, bóc trần, đấu tranh phòng, chống “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; ngăn chặn những thông tin xấu của các thế lực thù địch. Định hướng thông tin cho các ngư dân làm nghề khai thác trên biển; cảnh báo cho cộng đồng ven biển về  những hành vi lợi dụng internet và các trang mạng xã hội nhằm xuyên tạc, kích động dư luận chống phá Đảng và Nhà nước ta về bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Nam Cận (Chi cục Kiểm ngư vùng I)

Ý kiến bạn đọc