Tình hình sự cố nghề cá trên biển năm 2016 (05-01-2017)

Vùng biển Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn của gió mùa, bão, áp thấp nhiệt đới và biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết cực đoan và thiên tai diễn biến bất thường. Trung bình hàng năm có 8-10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến vùng biển Việt Nam, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản cho nhân dân, đặc biệt ngư dân làm nghề khai thác hải sản trên biển, người dân sống ven biển.
Tình hình sự cố nghề cá trên biển năm 2016
Ảnh minh họa

Ngoài thiệt hại do thiên tai gây ra, hàng năm có hàng trăm vụ sự cố liên quan đến hoạt động của tàu cá trên biển làm thiệt hại lớn về người và tài sản của ngư dân ta. Trong năm 2016, số vụ sự cố nghề cá trên biển tăng nhiều so với năm 2015 (tăng 209 vụ). Tính đến thời điểm 31/12/2016, Cục Kiểm ngư đã tiếp nhận và xử lý thông tin liên quan đến 311 vụ sự cố nghề cá trên biển.

Trong đó, sự cố về tàu cá có 116 vụ tàu bị hỏng máy thả trôi (tăng 81 vụ), 17 vụ tàu bị chìm, 19 vụ tàu bị đâm va (tăng 12 vụ), 04 vụ tàu bị mất liên lạc, 10 vụ tàu bị vỡ, mắc cạn, phá nước, 11 vụ tàu cá bị tàu Trung Quốc đe dọa, rượt đuổi (tăng 04 vụ), 05 vụ bị tàu cá, tàu Hải quân nước ngoài bắt giữ, 03 vụ tàu cá tránh nạn khẩn cấp trên biển, 02 vụ tàu bị cháy nổ, 02 vụ tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Việt Nam, 06 vụ sự cố khác. Về người, trong năm cũng xảy ra 70 vụ tai nạn lao động (tăng 40 vụ), 45 vụ tàu cá có thuyền viên bị ốm.

Hậu quả của các vụ sự cố nghề cá năm 2016 đã làm chìm 29 phương tiện, hư hỏng 121 phương tiện, cháy 01 phương tiện, làm chết 13 người, bị thương 31 người và mất tích 40 người.

Tàu cá hoạt động khai thác trên biển gặp sự cố do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có một số nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, do thiên tai như bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa, lốc xoáy gây ra;

Thứ hai, do đâm va giữa các tàu cá với nhau hoặc với tàu vận tải hoạt động trên biển, hoặc tàu đâm phải đá ngầm, mắc cạn trong quá trình điều khiển tàu di chuyển trên ngư trường;

Thứ ba, một số tàu cá và tàu của lực lượng chức năng Trung Quốc ngang nhiên vi phạm chủ quyền vùng biển và tấn công, đe dọa, rượt đuổi các tàu cá Việt Nam;

Thứ tư, tàu cá Việt Nam chủ yếu sử dụng vỏ gỗ, kích thước nhỏ chủ yếu từ 24 mét trở xuống (trong đó tàu lắp máy công suất từ 90 cv trở lên có chiều dài chủ yếu từ 12 mét đến 24 mét), tàu cá có chiều dài trên 20 mét khoảng hơn 1.000 tàu; các vật liệu khác như vỏ thép và composite chiếm số lượng không đáng kể; nên việc đảm bảo an toàn khi hoạt động trong điều kiện thời tiết sóng to, gió lớn rất hạn chế, song công tác tu dưỡng, sửa chữa hàng năm chưa được kiểm tra, giám sát kịp thời (nhiều tàu cá vẫn hoạt động mặc dù đã có tuổi đời từ 10 – 15 năm);

Thứ tư, ngư dân sử dụng máy tàu là máy lắp trên phương tiện bộ hoặc máy cũ đã qua sử dụng nhiều năm còn diễn ra phổ biến, không đảm bảo về độ bền, vận hành không ổn định dễ gây ra tai nạn trên biển do máy hỏng dẫn đến mất kiểm soát trôi dạt, va đá ngầm, đâm va và các tai nạn khác, đặc biệt nguy hiểm trong điều kiện thời tiết bất thường nếu không được khắc phục kịp thời;

Thứ năm,do tàu hoạt động sai vùng, sai tuyến và trình độ của thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên còn hạn chế (thiếu hiểu biết về ngư trường, địa hình đáy biển, kỹ năng ứng phó và phòng, chống thiên tai...);

Thứ sáu, một số tàu cá thiếu các trang thiết bị an toàn tàu cá theo quy định của pháp luật;

Thứ bảy, do sự bất cẩn của ngư dân trong quá trình lao động và công tác tuyên truyền thông tin an toàn hàng hải còn hạn chế;

                                                                           Thu Cúc – TT Thông tin Kiểm ngư

Ý kiến bạn đọc