Tham dự Hội nghị còn có đại diện của các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thủy sản, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam, Hải quân Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam, Chi cục Kiểm ngư Vùng I,II,V và Chi cục Kiểm ngư tại các địa phương.
Theo báo cáo tại Hội nghị, ngay từ đầu năm 2022, Lực lượng Kiểm ngư đã tổ chức triển khai các chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển. Năm 2022, Lực lượng Kiểm ngư trên cả nước đã thực hiện gần 500 chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các phương tiện hoạt động, khai thác thủy sản trên biển với số tiền xử phạt vi phạm gần 12 tỉ đồng. Trong đó, tập trung ngăn chặn, kịp thời phát hiện xử lý vi phạm về khai thác IUU, đây cũng là một trong những nội dung trong cam kết thực hiện 180 ngày hành động theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023 của Cục Kiểm ngư.
Lực lượng Kiểm ngư đã tăng cường công tác xử lý các hành vi vi phạm nhằm hạn chế tàu cá vi phạm, đồng thời cũng góp phần chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU). Về hoàn thiện lực lượng kiểm ngư địa phương, đến nay đã có 08 cơ quan Kiểm ngư ở địa phương được thành lập và đi vào hoạt động giúp cho công tác quản lý thực thi pháp luật về khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên các vùng biển ngày càng hiệu quả.
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư đánh giá, việc tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm IUU của lực lượng kiểm ngư năm 2022 đã có hiệu quả nhờ được triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Kịp thời xử lý các hành vi vi phạm như: thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bằng hoặc chứng chỉ theo quy định, tàu cá không đánh dấu nhận biết tàu cá hoặc đánh dấu nhận biết tàu cá sai quy định, ghi không đầy đủ nhật ký khai thác thủy sản, tắt thiết bị VMS..., góp phần khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” IUU của Ủy ban châu Âu (EC).
Các đơn vị luôn đảm bảo duy trì lực lượng thường xuyên tuần tra, hiện diện tại các ngư trường trọng điểm, các vùng biển giáp ranh, chồng lấn giữa Việt Nam và các nước; Vịnh Bắc Bộ, Trường Sa và DK1, vùng biển Tây Nam bộ, vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và các nước Malaysia, Indonesia, Campuchia, Thái Lan để ngăn chặn kịp thời, góp phần hạn chế các tàu cá Việt Nam khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài. Đồng thời quan sát, phát hiện và xua đuổi nhiều lượt tàu nước ngoài, vi phạm vùng biển Việt Nam.
Sự phối hợp giữ kiểm ngư với các lực lượng Hải quân, Cảnh sát biển, Biên phòng và kiểm ngư địa phương được duy trì thường xuyên và triển khai đồng bộ, hiệu quả tại các ngư trường trọng điểm, các vùng biển giáp ranh, chồng lấn giữa Việt Nam, ông Nguyễn Phú Quốc cho biết.
Tuy nhiên, qua công tác tuần tra, kiểm tra kiểm soát trên biển các đại biểu vẫn chỉ ra tồn tại một số khó khăn như: Tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài để khai thác hải sản (Thái Lan, Malaysia, Indonesia) bị bắt giữ, xử lý vẫn xảy ra thường xuyên và chưa có xu hướng giảm, Việt Nam có nhiều vùng biển giáp ranh, chồng lấn với các nước trong khu vực, đang tiến hành đàm phán, phân định nên cũng khó khăn trong việc tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân phạm vi khai thác trên biển; EC vẫn duy trì cảnh báo Thẻ vàng với ngành khai thác thủy sản Việt Nam.
Tính đến ngày 5/12/2022, đã xảy ra 107 tàu/956 ngư dân Việt Nam bị nước ngoài kiểm soát, bắt giữ, xử lý. Các lỗi vi phạm chủ yếu như không treo cờ Tổ quốc; không có sổ danh bạ thuyền viên tàu cá; không có nhật ký khai thác thủy sản; không có văn bằng hoặc chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng; ngư dân không mang theo giấy tờ tùy thân. Một số lỗi vi phạm nghiêm trọng theo Điều 20 Nghị định 42 như không có Giấy phép khai thác thủy sản; không có Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá và tàu cá không trang bị thiết bị giám sát hành trình.
Tại một số địa phương, các lực lượng vẫn chưa có quy chế phối hợp, trong khi các lực lượng địa phương nắm quản lý số lượng hoạt động phân loại đối tượng trên biển. Khi phát hiện vụ việc phải phối hợp với lực lượng Biên phòng tỉnh gọi cho chủ tàu, chủ tàu sử dụng điện thoại vệ tinh gọi cho tàu mới chấp hành, còn hầu như vẫn mang tính đối phó. Do đó, công tác xử lý vi phạm gặp rất nhiều khó khăn, chưa được giải quyết kịp thời.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Văn Thư, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng V cho biết, khu vực biển Tây Nam Bộ là ngư trường rộng lớn với số lượng tàu thuyền tập trung nhiều đây cũng là điểm nóng về vi phạm IUU, qua công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, Lực lượng Kiểm ngư đã tuyên truyền bà con ngư dân đã nắm rõ được các hành vi vi phạm, các hình thức xử phạt, tuy nhiên vẫn còn một bộ phận không nhỏ ngư dân chấp hành chưa nghiêm quy định về khai thác IUU. Việc xử lý ngư dân trên biển là cả chuỗi quá trình từ bờ cho đến khi ra biển và đến khi vào bờ với nhiều cơ quan tham gia, nên rất cần có sự trao đổi thông tin đối với tàu cá vi phạm và việc xử lý vi phạm. Đặc biệt là công tác thu thập chứng cứ, lập luận để có hồ sơ xử lý vi phạm cần có bộ phận chuyên môn về pháp chế và nắm vững về hồ sơ, quy trình truy tố xử lý các trường hợp vi phạm, do đó, cần có quy chế với cục về công tác nghiệp vụ kiểm ngư, các vụ việc tiền lệ, các đơn vị có căn cứ trao đổi hồ sơ, vụ việc, dữ liệu cho toàn lực lượng kiểm ngư.
Phát biểu kết luật Hội nghị, ông Nguyễn Quang Hùng đã đánh giá cao nỗ lực của Lực lượng Kiểm ngư trong năm 2022, đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng có liên quan như: Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển Việt nam,…ngay từ đầu năm đã tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ đề ra. Đặc biệt trong công tác phòng chống khai thác IUU.
Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2022, khắc phục những tồn tại hạn chế, để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao năm 2023, ông Nguyễn Quang Hùng nhấn mạnh, trọng tâm trong năm tới sẽ là kiện toàn lực lượng kiểm ngư Trung ương và địa phương.
“Hiện nay mới có 8 kiểm ngư tỉnh so với 28 tỉnh là con số quá ít. Kiểm ngư là lực lượng chấp pháp nhưng có nhiệm vụ tuyên truyền biển đảo, tập huấn đồng hành hỗ trợ bà con ngư dân nên trong năm tới sẽ phải làm mạnh hơn nữa công tác này, bởi nếu bà con ngư dân đã tuân thủ tốt quy định sẽ hạn chế rất nhiều các biện pháp xử phạt”, ông Hùng cho biết.
Trong năm 2023, Kiểm ngư và các lực lượng chức năng khác sẽ tiếp tục tăng cường sự hiện diện trên biển, đồng hành cùng ngư dân; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hoặc đề xuất cấp thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đặc biệt là các hành vi môi giới, móc nối đưa tàu cá Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Văn Thọ