Kiểm ngư Việt Nam: Kịp thời xử lý những sự cố tai nạn tàu cá trên biển để giảm thiểu thiệt hại cho ngư dân (07-01-2022)

Vùng biển Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn của gió mùa, bão, áp thấp nhiệt đới và biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết ngày càng diễn biến cực đoan và thiên tai bất thường. Trung bình hàng năm có 8-10 cơn bão, áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến vùng biển Việt Nam, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản cho nhân dân, đặc biệt ngư dân làm nghề khai thác hải sản trên biển, người dân sống ven biển.
Kiểm ngư Việt Nam: Kịp thời xử lý những sự cố tai nạn tàu cá trên biển để giảm thiểu thiệt hại cho ngư dân
Ảnh minh họa

Ngoài thiệt hại do thiên tai gây ra, hàng năm có hàng trăm vụ sự cố liên quan đến hoạt động của tàu cá trên biển làm thiệt hại lớn về người và tài sản của ngư dân ta. Thời gian qua, nhiều tàu cá của ngư dân dọc miền Trung liên tục gặp nạn trên biển. Nhiều ngư dân may mắn được cơ quan chức năng, hoặc tàu cá khác cứu sống. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đồng hành cùng ngư dân hoạt động khai thác, sản xuất, phát triển kinh tế biển, bảo vệ biển, đảo, lực lượng Kiểm ngư luôn theo dõi, nắm bắt kịp thời mọi diễn biến tình hình, hoạt động trên biển. Ngoài lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trên biển, Cục Kiểm ngư còn tổ chức lực lượng canh trực thu nhận thông tin và thông báo tình hình cho tàu cá và ngư dân đang hoạt động trên biển để có biện pháp ứng phó kịp thời với mọi tình huống. Song nhiều con tàu cá đã bị sóng đánh chìm, và không ít ngư dân mãi nằm lại ở biển khơi.

Theo thông tin từ Trung tâm Thông tin Kiểm ngư báo cáo tình hình tai nạn tàu cá từ 1/1 đến 31/12/2021 đã xảy ra 197 vụ/207 tàu/996 người gặp tai nạn, sự cố trên biển.

Cụ thể, Trung tâm thông tin Kiểm ngư đã phối phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng cung cấp thông tin, xử lý, cứu hộ, cứu nạn; cứu được 80 lượt tàu/841 người và hỗ trợ y tế cho 35 người bị thương, bị ốm, 08 người bị tai nạn lao động. Hậu quả của các sự cố đã làm chìm 28 tàu, cháy 05 tàu, mất liên lạc: 05 tàu, chết 31 người, mất tích 81 người.

Tàu cá bị hỏng máy thả trôi: 69 vụ/71 tàu/616 người (Cứu được: 68 tàu/611 người; Hậu quả: Chìm 02 tàu, 01 tàu bị mất liên lạc không tìm thấy; 05 người mất tích).

Tàu bị mất liên lạc, đâm va, phá nước, sóng đánh, chìm: 36 vụ/38 tàu/276 người; (Cứu được: 08 tàu/219 người; Bị thương: 05 người; Hậu quả: Chìm: 26 tàu; Mất liên lạc: 04 tàu; Mất tích: 39 người; Chết: 13 người).

Tàu bị cháy: 02 vụ/08 tàu (Hỗ trợ cứu được: 03 tàu bị chập điện cháy; Hậu quả: 05 tàu bị cháy trong đó 04 chiếc tàu cá bị thiệt hại nặng (02 chiếc tàu lưới rút hoạt động xa bờ, 02 chiếc tàu giã cào hoạt động gần bờ ) và 01tàu còn lại thiệt hại nhẹ hơn. Không thiệt hại về người).

Tàu có người bị rơi xuống biển: 53 vụ/53 tàu/64 người (Hỗ trợ Cứu được: 11 người; Hậu quả: Chết: 16 người; mất tích: 37 người).

Tàu có người cần trợ giúp về y tế: 35 vụ/35 tàu/39 người (Trợ giúp: 30 người bị ốm, bị thương; 08 tai nạn lao động; Hậu quả: 01 người chết).

Tàu vớt được thi thể: 01 vụ/01 tàu/01 người (01 người chết đã được bàn giao cho cơ quan chức năng và gia đình).

Tìm hiểu thực tế và phân tích các yếu tố, nguyên nhân các vụ tai nạn tàu cá trên biển , có thể thấy rất nhiều vụ tai nạn mà ngư dân có thể hoàn toàn tránh được nếu không chủ quan, và được cảnh báo kịp thời.

Một trong những nguyên nhân chủ yếu khi tàu gặp nạn là do các phương tiện tàu hàng trên biển ngày một nhiều nên thường xảy ra va chạm với tàu ngư dân. Bên cạnh đó, khi gió đổi mùa, thời tiết thay đổi (xấu) nhiều khi lại cho kết quả đánh bắt sản lượng tốt hơn nên một số ngư dân chủ quan, đánh liều để ở lại đánh bắt…

Thực tế trên biển, có tàu bị tàu bạn đâm do không có các trang thiết bị tín hiệu như đèn, còi, trang thiết bị hàng hải. Thậm chí có tàu chìm do vì bị va đập khi neo đậu không đúng kỹ thuật.

Một tai nạn thường xuyên xảy ra là tàu hỏng máy, bởi hầu hết tàu cá ngư dân thường sử dụng máy cũ làm máy chính trên tàu, trong lúc đó ngư dân lại không thực hiện đúng các quy trình sử dụng máy tàu.

Nhiều tàu cá để cho ngư dân vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn trên biển như không mang áo phao, phao cứu sinh, máy thông tin liên lạc, hải đồ, không hiểu rõ hoặc không chấp hành các quy định về sử dụng đèn tín hiệu, âm hiệu, thiếu ý thức về chống va chạm, không biết sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc…

Hiện nay, do thiếu nhân lực đi biển, nên nhiều chủ tàu đi tìm các lao động ở các vùng nông thôn, miền núi về đi biển. Nhiều ngư dân đi biển nhưng không được trang bị kiến thức gì về sự rủi ro, khó khăn khi đánh bắt thủy hải sản.

Hằng Nga

Ý kiến bạn đọc