Con số 730 triệu USD đã gây bất ngờ, bởi theo báo cáo năm 2023 của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tình hình khó khăn chung khiến kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả năm 2023 chỉ đạt 9,2 tỉ USD, giảm 8% so với năm 2022. Dự báo khó khăn này sẽ tiếp tục trong những tháng đầu năm 2024 vì có thêm những thách thức làm chậm khả năng hồi phục xuất khẩu.
Nhờ sức mua của các thị trường truyền thống
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang các thị trường chính như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU đều tăng mạnh. Trong đó, xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đột phá cao gấp 3 lần với kim ngạch hơn 118 triệu USD, sang Mỹ đạt 111 triệu USD tăng 63%, sang Nhật Bản tăng 43%, sang EU tăng 34%,…
Các mặt hàng chủ lực có bứt phá so với cùng kỳ năm ngoái, tăng mạnh nhất là cá tra tăng 97%, sau đó là tôm tăng 71%, cá ngừ tăng 57%, mực, bạch tuộc tăng 45%, các loại cá khác tăng 50%.
Do nhu cầu tăng mạnh trong dịp Tết nguyên đán, trong tháng 1/2024, Trung Quốc – Hồng Kông đã trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Nhật Bản, riêng mặt hàng tôm và cá tra Trung Quốc là thị trường lớn nhất trong tháng, xuất khẩu sang thị trường này tăng gấp gần 4 lần so với tháng 1 năm ngoái. Với tôm, giá trị xuất khẩu tháng 1 đạt gần 73 triệu USD; còn cá tra có kim ngạch gần 50 triệu USD.
Nhìn chung, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam từ cuối năm 2023 đã có tín hiệu phục hồi và đã được dự báo sẽ phục hồi trong năm 2024, và khả quan hơn vào nửa cuối năm. Trong đó, xuất khẩu 2 mặt hàng thủy sản chủ lực là tôm và cá tra, basa sẽ phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2023. Thời gian qua trước những tín hiệu tích cực, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, với tín hiệu lạc quan ở các tháng đầu năm và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của doanh nghiệp, ngành thủy sản sẽ đón nhận những khởi sắc trong vấn đề tiêu thụ, kỳ vọng biên độ xuất khẩu trong khoảng 9,5 - 10 tỷ USD.
Chuyển hướng tới thị trường "hàng xóm"
Bất ổn ở Biển Đỏ đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Các hãng tàu định tuyến lại tuyến đường của họ, do đó, hành trình vận chuyển giữa châu Á, châu Âu và Bờ Đông Bắc Mỹ trở nên dài hơn. Giá cước vận tải tăng mạnh và bảo hiểm hàng hóa tăng. Gần đây, tuyến vận chuyển qua kênh đào Panama cũng bị ảnh hưởng vì mực nước thấp, khiến lưu lượng vận tải container qua đây bị giảm.
Trong một tháng qua, tổng cước phí phải trả cho 1 container hàng vận chuyển đi Mỹ đã tăng 70%. Hàng đông lạnh xuất khẩu đi châu Âu đã tăng gần 4 lần. Căng thẳng ở Biển Đỏ cũng khiến thời gian vận chuyển từ châu Á đến châu Âu kéo dài tới 14 ngày, khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn.
Ngoài ra, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu Việt Nam đang chịu tác động không nhỏ từ chiến tranh, từ bất ổn ở Trung Đông nên các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đang chuyển hướng tập trung khai thác nhóm thị trường có lợi thế vị trí địa lý gần Việt Nam như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc. Hướng đi này còn giảm sự cạnh tranh từ các nước đối thủ như Ecuador. Ngoài ra, sự tăng trưởng của thị trường nhỏ lẻ cũng là cứu cánh cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong thời gian tới.
Đối với thị trường Hàn Quốc, đến năm 2023 Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp thủy sản lớn thứ 3 cho Hàn Quốc, đạt 152,35 nghìn tấn, trị giá 799,9 triệu USD, chiếm 13,5% tổng trị giá nhập khẩu của Hàn Quốc. Trong đó tôm xuất khẩu sang Hàn Quốc chiếm tỷ trọng cao nhất với 43,6%, tiếp đó mực, bạch tuộc chiếm 31,4%... dư địa cho thủy sản Việt Nam vào thị trường này còn khá rộng, nhất là năm 2024, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc có khả năng tăng trở lại khi kinh tế Hàn Quốc được dự báo sẽ phục hồi.
Đối với Nhật Bản, theo VASEP, xuất khẩu tôm sang thị trường Nhật trong năm 2023 liên tục sụt giảm do lạm phát tăng, đồng yên giảm mạnh. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 511 triệu USD, giảm 24% so với năm 2022. Tuy nhiên tháng 12 năm 2023, xuất khẩu tôm sang Nhật đã tăng 6% so với cùng kỳ. Nhật Bản được đánh giá còn nhiều tiềm năng và sẽ phục hồi sớm hơn so với các thị trường lớn khác như Mỹ, EU trong năm 2024.
Ngoài ra, VASEP dự đoán năm nay xu hướng gia công sẽ tăng lên sau khi ngành chế biến thủy sản Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức và động thái của Trung Quốc cấm nhập khẩu thủy sản Nhật Bản khiến các nhà máy Nhật Bản đổ xô sang Việt Nam tìm đối tác gia công. Người tiêu dùng Nhật Bản thích sản phẩm phải ngon, bổ, đẹp mắt, chế biến cầu kỳ, tỉ mỉ, phù hợp với trình độ, năng lực chế biến của Việt Nam. Các sản phẩm chế biến từ Việt Nam xuất sang Nhật vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh tốt trên thị trường này. Do đó, các doanh nghiệp Nhật sẽ tăng nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất xuất khẩu và tăng gia công cho các thị trường Nhật Bản, Mỹ.
Vẫn còn quá nhiều thách thức
Chi phí vận tải tăng do căng thẳng Biển đỏ, góp phần làm giá thành sản phẩm đầu vào cho nuôi trồng, chế biến thủy sản tăng. Tác động trực tiếp tới nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong năm 2024. Các thị trường xuất khẩu chính của thủy sản Việt Nam là Mỹ, EU và khu vực Bắc Mỹ nên hàng hóa phải đi qua kênh đào Suez. Ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Ngoài việc chi phí vận chuyển tăng mạnh gây bất lợi cho việc xuất khẩu đi EU và Mỹ. Việt Nam còn phải đối mặt với vụ điều tra chống trợ cấp của Mỹ đối với ngành tôm do Hiệp hội Chế biến tôm Mỹ (ASPA) - một tổ chức đại diện cho quyền lợi của ngành khai thác tôm tự nhiên và chế biến tôm của Mỹ đề xuất. ASPA đã nộp đơn đề nghị áp thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh nhập khẩu từ Ecuador và Indonesia, và thuế chống trợ cấp đối với tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Nếu xảy ra tình huống Mỹ áp thuế thì hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ càng thêm khó khăn.
Trong năm nay, tôm Việt Nam vẫn phải tiếp tục cạnh tranh với Ecuador và Ấn Độ về giá và nguồn cung khi hai nước này đang cố gắng tăng thị phần cả ở Mỹ, Trung Quốc, EU và Nhật Bản, đồng thời tăng xuất khẩu tôm chế biến dù năng lực còn khiêm tốn. Tình trạng cung vượt cầu vẫn có thể xảy ra trong nửa đầu năm 2024 khi sản lượng tôm thế giới năm 2024 được dự báo sẽ tăng thêm 4,8% lên 5,9 triệu tấn.
Hải Đăng