Cà Mau: Cao điểm chống khai thác IUU (22-11-2024)

Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã đẩy mạnh triển khai các quy định về phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định (IUU); xử lý nghiêm vi phạm IUU với quyết tâm gỡ “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) thúc đẩy phát triển nghề cá bền vững.
Cà Mau: Cao điểm chống khai thác IUU
Ảnh minh họa

Quyết tâm gỡ “Thẻ vàng” EC

Các Sở ban ngành, các địa phương, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh đã vào cuộc tích cực, quyết liệt chống khai thác IUU; triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương trong công tác chống khai thác IUU; ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành; Kế hoạch hành động ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU trên địa bàn tỉnh; thành lập Đoàn kiểm tra tình hình thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, qua đó tạo sự chuyến biến mạnh mẽ trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân. 

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau,  sản lượng khai thác thủy sản từ đầu năm đến nay đạt 195.271 tấn, tăng 0,48% so với cùng kỳ, đạt 82,39% kế hoạch.

Toàn tỉnh có 4.338 tàu cá, 100% tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá theo quy định; 100% tàu cá kẻ số đăng ký, đánh dấu đúng quy định và cập nhật đầy đủ dữ liệu tàu cá của tỉnh trên hệ thống phần mềm VNFishbase và hệ thống giám sát tàu cá. Quản lý, khai thác, xử lý dữ liệu hệ thống giám sát tàu cá đúng quy định; hàng tuần, cơ quan chuyên môn của tỉnh đã lập danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU để theo dõi, quản lý.

Tại các Trạm kiểm soát Biên phòng và Văn phòng IUU đặt tại cảng cá Sông Đốc, Rạch Gốc và Cái Đôi Vàm, 100% tàu cá xuất, nhập bến được kiểm tra, kiểm soát và tàu cá xuất bến, hoạt động khai thác thủy sản trên biển đảm bảo các điều kiện theo đúng quy định.

Công tác kiểm tra, giám sát tàu cá ra, vào cảng và lưu trữ hồ sơ được thực hiện nghiêm; trường hợp phát hiện tàu cá vi phạm sẽ không cấp biên bản cập, rời cảng, không giải quyết cho tàu cá bốc dỡ thủy sản và lập biên bản xử lý.

Thường xuyên rà soát, đối khớp hồ sơ chứng nhận nguồn gốc thủy sản kể từ khi tàu cá ra, vào cảng bốc dỡ sản phẩm, giám sát sản lượng bốc dỡ tại cảng, biên nhận bốc dỡ qua cảng, giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (SC), giấy chứng nhận thủy sản khai thác (CC) và hồ sơ sản xuất tại doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Liên minh châu Âu đảm bảo thống nhất, đồng bộ, đúng quy định, đặc biệt quan tâm lưu ý đối với các lô hàng bạch tuộc, mực nang và mực ống.

Tiếp tục triển khai hệ thống eCDT đối với 100% tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng và cấp biên nhận, giấy SC, giấy CC; cập nhật dữ liệu giám sát sản lượng bốc dỡ qua cảng hàng ngày trên Google Sheets và các phần mềm khác theo hướng dẫn của Cục Thủy sản. Các Doanh nghiệp có xuất khẩu thủy sản sang thị trường Châu Âu đã có ý thức trong việc sử dụng nguyên liệu thủy sản khai thác không vi phạm quy định IUU để sản xuất, xuất khẩu.

Công tác tuần tra, kiểm soát, xử phạt các hành vi vi phạm IUU được trú trọng. Lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện 43 vụ/44 tàu cá liên quan đến vi phạm tháo, không duy trì, vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình; đã xử phạt 30 vụ/30 tàu cá, với số tiền 1.268 triệu đồng; đã tổ chức phiên tòa lưu động để xét xử vụ án “Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép” tạo được sự chuyển biến, răn đe trong cộng đồng.

Đồng thời, tăng cường tuần tra kiểm soát tại các cửa biển và trên các vùng biển; thành lập thêm 16 chốt kiểm tra, kiểm soát lưu động tại các cửa biển không có Trạm kiểm soát Biên phòng. Qua đó, đã phát hiện, xử phạt 251 vụ vi phạm về khai thác thủy sản, với số tiền 8.529,95 triệu đồng; 100% vụ việc vi phạm được xử lý và cập nhật vào hệ thống phần mềm theo dõi, quản lý hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.

Người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm nếu để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

Để góp phần chung tay cùng cả nước sớm gỡ cảnh báo "Thẻ vàng", phát triển ngành Thủy sản Việt Nam bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện tốt, có hiệu quả văn bản của Trung ương; tăng cường công tác, tuyên truyền, giao trách nhiệm cấp xã là lực lượng chính trong quản lý, giáo dục, tuyên truyền người dân; thống kê sản lượng tại các cơ sở thu mua hải sản, bến cá tư nhân; mở các đợt cao điểm, có sự phối hợp liên ngành, liên tỉnh trong công tác tuần tra, kiểm soát; kiểm tra, giám sát việc thực thi công vụ về chống khai thác IUU.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác đăng ký cấp phép, đăng kiểm theo quy định; kiểm soát chặt chẽ, không cho tàu nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU ra biển hoạt động. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tàu cá nằm bờ: định kỳ kiểm tra tình trạng tàu, chụp hình ảnh đưa lên phần mềm số hóa IUU của tỉnh; tuyên truyền chủ tàu thực hiện đúng quy định khi đưa tàu cá ra biển hoạt động; kiểm soát chặt chẽ tại các Trạm kiểm soát Biên phòng, không để tàu cá không đủ điều kiện ra biển hoạt động và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Các ngành chức năng, chính quyền địa phương tập trung xác minh, thu thập chứng cứ củng cố hồ sơ xử lý tất cả các vụ việc vi phạm đã phát hiện, có tin báo. Giao người đứng đầu địa phương chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng tàu cá, ngư dân của địa phương khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài; tàu cá hết hạn giấy phép khai thác thủy sản, hết hạn đăng kiểm ra biển hoạt động bị lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt.

Triển khai thực hiện các Đề án, Dự án để phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản như chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh Cà Mau; các dự án thuộc khu bảo tồn biển tỉnh Cà Mau; các nhiệm vụ về phát triển nuôi hải sản trên biển và ven biển của tỉnh giai đoạn 2023 - 2025 và định hướng đến 2030,…

Thanh Thủy

Ý kiến bạn đọc

Tin khác