Tại điểm cầu Nghệ An, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ tham dự và chủ trì hội nghị. Cùng tham dự có lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan. Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Từ sau đợt kiểm tra lần thứ 4 của Đoàn Thanh tra của EC, được sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ NN&PTNT cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho ngư dân, công tác kiểm tra giám sát khi tàu xuất nhập bến, đặc biệt là việc thực hiện xử phạt thông qua Hệ thống giám sát tàu cá đã được tỉnh triển khai nghiêm. Từ đó nhận thức và sự tuân thủ quy định của các chủ tàu/thuyền trưởng càng ngày được nâng lên, vi phạm pháp luật trong quá trình khai thác trên biển đã giảm xuống, tàu cá khai thác đảm bảo đúng vùng, đúng tuyến, không vi phạm vùng biển nước ngoài…
Để thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU có hiệu quả trong thời gian tới, UBND tỉnh Nghệ An đề nghị Bộ NN&PTNT sớm công bố các loại thiết bị VMS đạt chuẩn theo quy định tại Nghị định 37/2024/NĐ-CP của Chính phủ. Các đơn vị cung cấp thiết bị VMS cần nâng cao chất lượng thiết bị và tín hiệu giám sát tàu cá; có giải pháp thông báo cho chủ tàu cá ngay khi thiết bị VMS mất tín hiệu kết nối để khắc phục.
Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh. Hiện tỉnh Bình Định có 5.306 tàu cá được đăng ký với khoảng hơn 40% tàu cá di chuyển ngư trường đánh bắt thủy sản trên toàn quốc, tập trung nhiều ở các tỉnh phía Nam. Trong đó, có hơn 500 tàu cá thường xuyên hoạt động đánh bắt, neo đậu ở ngư trường ngoài tỉnh hàng năm không về địa phương.
Sau đợt kiểm tra lần thứ 4 của Đoàn Thanh tra EC vào tháng 10/2023, tỉnh Bình Định đã tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến Kết luận của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU và các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Trong đó, Bình Định tập trung tăng cường công tác đăng ký, cấp phép khai thác thủy sản, thực hiện nghiêm túc việc theo dõi, giám sát hoạt động tàu cá trên biển và tại các cảng cá; đồng thời, tăng cường quản lý nhóm tàu cá nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài. Cùng với đó, tỉnh cũng thực hiện nghiêm công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; giám sát toàn bộ sản lượng thủy sản được bốc dỡ qua cảng cá chỉ định, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác đảm bảo đúng quy trình. Đặc biệt, tỉnh đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác IUU.
Tại điểm cầu Phú Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ cùng lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan tham dự hội nghị.
Thời gian qua, tỉnh Phú Yên đã triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU rất quyết liệt nhưng vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: lực lượng, phương tiện và cơ sở vật chất thực hiện công tác quản lý kiểm soát tàu cá tại các đơn vị đều thiếu so với biên chế và yêu cầu tình hình thực tế, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiểm soát tàu cá tại bến, bãi truyền thống; ý thức tuân thủ pháp luật của ngư dân chưa cao, còn một số chủ tàu cá cố tình trốn tránh việc đăng ký, đăng kiểm, cấp phép khai thác thủy sản, nhất là nhóm tàu có chiều dài từ 6 mét đến dưới 12 mét; thiết bị giám sát hành trình sử dụng trong thời gian dài, ở môi trường nước mặn nên thường xuyên bị hư hỏng, mất kết nối nhiều…
Tại điểm cầu Khánh Hòa, các ông: Nguyễn Khắc Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Phát biểu tại hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh đã báo cáo kết quả xử lý cuối cùng của tỉnh đối với công tác điều tra, xác minh liên quan đến hồ sơ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác của 3 doanh nghiệp và 2 tàu cá nhập khẩu. Đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành các công việc xử lý đúng theo quy định của pháp luật Việt Nam và theo thông lệ quốc tế.
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Trà Vinh có ông Kim Ngọc Thái, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Lê Văn Hẳn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố… Trà Vinh hiện có hơn 880 tàu cá, trong đó gần 276 tàu có chiều dài từ 15m trở lên khai thác hải sản vùng khơi. Số tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 100%. Công tác phòng, chống khai thác IUU và nỗ lực gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC được tỉnh triển khai quyết liệt. Đến nay, tỉnh Trà Vinh không có tàu cá vi phạm khai thác thủy sản vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh: Từ ngày 1/8/2024 sẽ xét xử nghiêm các vụ khai thác IUU. Các địa phương cần sẵn sàng triển khai Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản. Việt Nam sẽ xử lý nghiêm các vụ, việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng thủy sản.
Nghị quyết 04 gồm 11 điều hướng dẫn áp dụng 10 điều của Bộ luật Hình sự, là cơ sở pháp lý để các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý nghiêm các vụ, việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, hợp thức hóa hồ sơ đối với các lô hàng thủy sản, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định, phát triển bền vững ngành thủy sản. Đối tượng đưa ra xét xử là những người chủ mưu, người môi giới, tổ chức xuất cảnh, nhập cảnh để khai thác thủy sản trái phép và những người tái phạm nhiều lần, không xử người đi làm thuê.
|
Trước mắt, yêu cầu Cục Kiểm ngư phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung tuyên truyền rộng khắp, mạch lạc về Nghị quyết 04. Các lực lượng chức năng phải tăng "mức độ, tần suất" trong quản lý, giám sát đội tàu; quyết liệt hơn trong việc truy xuất nguồn gốc hải sản. Bộ NN&PTNT và các địa phương tổ chức các đoàn tăng cường đi kiểm tra, giám sát ở cơ sở để có giải pháp cụ thể, kịp thời. Công tác chống IUU được xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của cả hệ thống chính trị như đã được chỉ ra tại Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP của Chính phủ và các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống IUU và các văn bản khác có liên quan.
Chỉ thị số 32 nêu rõ các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu ở ngành, địa phương có "trách nhiệm trực tiếp" đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự thống nhất, đồng bộ, quyết tâm cao thực hiện mục tiêu gỡ cảnh báo "thẻ vàng" trong năm 2024 và duy trì kết quả bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trong thời gian qua, hệ thống khung pháp lý cho hoạt động chống IUU tiếp tục được hoàn thiện, nổi bật là Chính phủ đã ban hành Nghị định số 37/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản 2017.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 38/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, cơ bản đã đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của EC. Bộ NN&PTNT ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT ngày 6/5/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2028 quy định về đăng kiểm tàu cá; công nhận cơ sở đăng kiểm tàu cá; bảo đảm an toàn kỹ thuật tàu cá, tàu kiểm ngư; đăng ký tàu cá, tàu cộng vụ thủy sản; xóa đăng ký tàu cá và đánh dấu tàu cá.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao và khuyến khích các địa phương ban hành chính sách riêng của địa phương mình để hỗ trợ công tác chống IUU bởi nguồn lực của Trung ương không thể đáp ứng được hết nhu cầu của tất cả các địa phương. Đồng thời mong muốn các bộ, ngành, địa phương cùng nắm tay, chung sức, tập trung thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư, Nghị quyết số 04 cùng các giải pháp khác như một đợt cao điểm trong 3 tháng tới nhằm cố gắng gỡ "thẻ vàng" IUU trong đợt thanh tra tới đây của EC.
Ngọc Thúy - FICen