Kiên Giang: Nâng cao ý thức trách nhiệm trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản (05-06-2024)

Theo Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam, Kiên Giang là một những tỉnh có đội tàu khai thác hải sản lớn nhất cả nước, lúc cao điểm lên đến hơn 11.000 tàu. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã có chủ trương cơ cấu, sắp xếp lại đội tàu, ngành nghề khai thác theo hướng giảm dần số lượng, nhất là đối với tàu đánh bắt ven bờ, tàu hành nghề khai thác có tính chất hủy diệt.
Kiên Giang: Nâng cao ý thức trách nhiệm trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Ảnh minh họa

Là một trong những ngư trường khai thác trọng điểm của cả nước, những năm qua, tỉnh Kiên Giang đã có bước phát triển mạnh về khai thác, đánh bắt thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho bà con ngư dân. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn lợi thủy sản khu vực gần bờ đang giảm dần, cả về trữ lượng, sản lượng và kích cỡ cá đánh bắt được. Tổng sản lượng khai thác thủy sản đang giảm dần, kèm theo đó là chất lượng không tăng, những loài cá có giá trị kinh tế cao không còn nhiều như trước. Tỷ lệ cá tạp trong một mẻ lưới tăng cao.

Nếu như trước đây, một số loài hải sản có giá trị cao vẫn đánh bắt được ở vùng bờ thì nay đã trở nên khan hiếm như: cá trích, tôm, ghẹ, sò, điệp, mực... Nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm nguồn lợi là do khai thác quá mức và suy thoái nghiêm trọng các hệ sinh thái gần bờ, cũng như sử dụng các phương pháp cấm khai thác (chất nổ, xung điện, cào bờ, xiệp mé…). Hiện sản lượng khai thác của các đội tàu Kiên Giang nói chung và sản lượng khai thác ở vùng biển Kiên Giang liên tục suy giảm trong khi cường lực khai thác liên tục tăng lên. Năm 2022-2023, sản lượng khai thác toàn tỉnh đạt 207.632 tấn, giảm 9% so với sản lượng khai thác trong năm 2014-2015 (228.089 tấn) nhưng cường lực khai thác lại tăng 134,6%.

Quyết liệt thực thi pháp luật

Theo UBND tỉnh Kiên Giang (vpubnd.kiengiang.gov.vn), tỉnh đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), quyết liệt thực thi pháp luật và xử lý nghiêm vi phạm khai thác IUU, thực hiện nghiêm Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác IUU và phát triển bền vững ngành thủy sản.

Tỉnh Kiên Giang đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, trao tặng quà, cờ Tổ quốc, phát tờ rơi, tài liệu cho bà con ngư dân tại nhiều địa phương. Nội dung tập trung những nghị định mới về lĩnh vực thủy sản như: Nghị định 38/2024/NĐ-CP ngày 05/4/2024 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản (thay thế Nghị định 42/2019/NĐ-CP); các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản (Nghị định 37/2024/NĐ-CP ngày 04/4/2024, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 26/2019/NĐ-CP ngày 08/3/2019 của Chính phủ)… Một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có khung xử phạt cao hơn, nhất là các hành vi liên quan đến thiết bị giám sát hành trình (VMS). Đồng thời, tỉnh Kiên Giang còn tổ chức cho chủ tàu cá, thuyền trường ký cam kết không vi phạm khai thác IUU, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật khi hoạt động trên ngư trường.

Hiện nay, các huyện, thành phố ven biển, đảo thuộc tỉnh tập trung sàng lọc, khoanh vùng, kiểm soát chặt chẽ các tàu cá có nguy cơ và nguy cơ cao về vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép để tuyên truyền, quản lý đúng đối tượng, có hiệu quả. Các địa phương quản lý chặt chẽ ngư trường, kiểm tra các tàu cá chiều dài từ 15 mét trở lên lắp đặt thiết bị VMS và phải hoạt động liên tục theo quy định, có đầy đủ các giấy tờ, gồm: Đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, đánh dấu tàu cá… Đồng thời, giám sát tàu cá hoạt động 24/24 giờ trên hệ thống giám sát hành trình, phát hiện, xử lý các tàu cá cố tình ngắt kết nối với hệ thống giám sát hành trình và các hình thức đối phó khác trong quá trình khai thác hải sản trên biển.

Các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra việc thực hiện cam kết không vi phạm khai thác IUU của các chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá khai thác xa bờ, trường hợp chưa ký cam kết thì phải thực hiện ngay việc ký cam kết. Ngành chức năng tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động nghề cá, kiểm soát tàu cá cập, rời cảng cá, bến cá và tại các cửa biển, cửa sông; kiểm soát chặt chẽ sản lượng thủy sản qua cảng cá, bến cá ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản, xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản theo quy định, xử lý nghiêm các trường hợp hợp thức hóa hồ sơ. Ngành chức năng rà soát các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường Châu Âu, đảm bảo hồ sơ đầy đủ, hợp pháp.

Xử lý tàu cá có hành vi khai thác sai vùng

Nhằm lập lại trật tự nghề khai thác thủy sản, từng bước đưa vào nền nếp và giúp ngư dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong khai thác và bảo vệ, phục hồi nguồn lợi thủy sản, Chi cục Kiểm ngư Kiên Giang quyết tâm xử lý nghiêm đối với các tàu cá có hành vi khai thác sai vùng. Cùng với đó, tỉnh Kiên Giang đã triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái đã được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt; theo đó, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, ngành Nông nghiệp Kiên Giang tiếp tục cắt giảm, chuyển đổi hơn 700 tàu khai thác sang lĩnh vực ngoài khai thác. Hiện tỉnh có trên 3.600 tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên, gồm các nghề khai thác như lưới kéo, lưới rê, lưới vây, câu mực và các nghề khai thác thủy sản khác.

Với quyết tâm của các lực lượng tuần tra kiểm soát trên biển, lập các chốt chặn tại các vị trí gần đường phân định giữa Việt Nam với các nước có đường biển giáp ranh để kiểm soát tàu cá trong nước, ngăn chặn không cho đi khai thác ở vùng biển nước ngoài nên số vụ vi phạm đã giảm dần. Riêng đối với phương tiện tàu cá có chiều dài trên 15m không thực hiện theo quy định về vùng khai thác sẽ xử lý nghiêm. Cùng với đó, chính quyền các địa phương đã tuyên truyền, vận động ngư dân không tham gia đánh bắt khi cơ quan chức năng chưa cấp phép hoạt động trên vùng biển. Mặt khác, tuyên truyền ngư dân về lợi ích và bất cập trong việc khai thác thủy sản vùng ven bờ để ngư dân biết dần hạn chế vi phạm hoặc họ chuyển đổi ngành nghề khác.

Xử lý nghiêm những vi phạm về khai thác hải sản IUU

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, tỉnh đang tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch phối hợp giữa UBND tỉnh và Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Hải đoàn Biên phòng 28, Chi cục Kiểm ngư Vùng 5 về việc tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, phòng chống, xử lý khai thác IUU tại vùng khơi, vùng biển chồng lấn, chưa được phân định giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.

Đặc biệt, tập trung thực hiện tốt các nhóm khuyến nghị của EC, góp phần cùng cả nước sớm tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng”, phát triển nghề cá bền vững gắn với triển khai đồng bộ các chương trình, đề án, dự án trọng điểm lĩnh vực thủy sản, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về thủy sản. Tỉnh Kiên Giang đã tổ chức các đoàn công tác liên ngành làm việc với các nước có bắt giữ tàu cá, ngư dân của tỉnh gắn với nắm chắc thông tin, thu thập chứng cứ, tài liệu liên quan tại các nước để cung cấp cho lực lượng chức năng trong nước điều tra, xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, kiên quyết đấu tranh đối với các nước bắt giữ trái phép tàu cá và ngư dân của tỉnh trên vùng biển Việt Nam, vùng biển chồng lấn, chưa phân định giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.

Tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động tập trung vào nhóm đối tượng “nguy cơ cao” vi phạm vùng biển nước ngoài gắn với phân công trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đồn biên phòng, trạm kiểm soát biên phòng; quản lý, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và ngăn chặn tàu cá vi phạm khai thác IUU. Các đồn, trạm Biên phòng kiên quyết không để các tàu cá xuất bến không đảm bảo các thủ tục, giấy tờ, các trang thiết bị theo quy định, nhất là tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, không có giấy phép khai thác, tàu đã xóa đăng ký, tàu có sử dụng các công cụ cấm, nghề cấm.

Cùng với đó, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang điều tra, xác minh, xử lý các tàu vượt ranh giới đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài, tàu cá có dấu hiệu khai thác vùng biển nước ngoài, xử phạt nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, thiết lập cơ chế chia sẻ, trao đổi thông tin giữa tỉnh Kiên Giang và các tỉnh có liên quan để kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm khai thác IUU. Các đồn, trạm Biên phòng nắm tình hình ngư dân có tàu cá khai thác xa bờ và tàu cá đã vi phạm để tuyên truyền, vận động không vi phạm khai thác bất hợp pháp.

Công an tỉnh Kiên Giang chủ động theo dõi, nắm tình hình, kịp thời phát hiện, củng cố hồ sơ, đề nghị truy tố các hành vi tổ chức, môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép, môi giới chuộc tàu cá, ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về nước trái phép. Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng trao đổi thông tin những tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, ngư dân được nước ngoài trả về, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm, tổ chức công khai rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để răn đe, giáo dục. Đơn vị chức năng, nghiệp vụ Công an tỉnh điều tra, xử lý đường dây cung ứng lao động bất hợp pháp, cưỡng bức lao động trên biển, nắm tình hình về tổ chức, cá nhân khai thác, vận chuyển, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hải sản có nguồn gốc từ khai thác IUU.

Ngoài ra, các ngành chức năng tỉnh cùng với các đơn vị có liên quan và địa phương tăng cường hoạt động thông tin truyền thông về nỗ lực chống khai thác IUU của tỉnh Kiên Giang, đấu tranh, xử lý nghiêm các đối tượng truyền tải thông tin xấu, xuyên tạc làm ảnh hưởng đến nỗ lực của Việt Nam trong tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC; phối hợp với Vùng Cảnh sát biển 4, Vùng 5 Hải quân thực hiện các đợt tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng ngư dân.

Theo Ban Chỉ đạo về IUU tỉnh Kiên Giang, thời gian qua, công tác phòng, chống tàu cá khai thác IUU đã được tỉnh thực hiện quyết liệt, đạt được những kết quả quan trọng, số tàu cá vi phạm khai thác hải sản vùng biển nước ngoài giảm đáng kể.

Ngọc Thúy - FICen

Ý kiến bạn đọc

Tin khác