Mục tiêu chung của Đề án là phát triển hệ thống hạ tầng cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá nhằm hoàn thiện và hiện đại hóa ngành thủy sản, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nghề cá; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch; đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân; nâng cao hiệu quả khai thác thủy sản và góp phần bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Ngoài ra, Đề án còn đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030:
Về cảng cá: xây dựng, nâng cấp hoàn thành 07 cảng cá (gồm 03 cảng cá loại I, 02 cảng cá loại II, 02 cảng cá loại III) với tổng năng lực bốc dỡ đạt 154.500 tấn/năm (tương đương 83,51% sản lượng khai thác).
Về khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá: đến năm 2030 đảm bảo cho 2.999 tàu cá neo đậu tránh trú bão an toàn (tương ứng với 92,28% tổng số tàu cá) với 05 khu neo đậu tránh trú bão được nâng cấp (gồm 02 khu neo đậu cấp vùng, 03 khu neo đậu cấp tỉnh).
Về cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá: các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá được kiểm tra duy trì hoạt động, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định. Các cơ sở cung ứng nhiên liệu, vật tư đầu vào và cơ sở thu mua chế biến sản phẩm thủy sản cho tàu cá được kiểm tra, hoàn thiện và đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh theo quy định, đáp ứng tốt nhu cầu hậu cần nghề cá. Hình thành khu chế biến thủy sản tập trung và dịch vụ hậu cần nghề cá với quy mô 30 ha tại cảng Lạch Quèn, xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu.
Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đã đưa ra 06 giải pháp thực hiện bao gồm: giải pháp về quy hoạch, giải pháp về chính sách, giải pháp đào tạo phát triển nguồn nhân lực, giải pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước, giải pháp khoa học, công nghệ, giải pháp bảo vệ tài nguyên môi trường.
Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ an giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và địa phương liên quan tổ chức thực hiện Đề án; chủ động lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án với các chương trình và đề án của các Bộ, ngành liên quan theo quy định về quản lý ngân sách nhà nước, đầu tư công và các quy định hiện hành. Tổ chức xây dựng kế hoạch và lập dự toán nhu cầu kinh phí trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý ngân sách nhà nước và đầu tư công. Theo dõi, giám sát thực hiện, tham mưu, điều chỉnh, bổ sung các nội dung của Đề án phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương rà soát, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch sử dụng đất, mặt nước cho phát triển hạ tầng và cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, đề xuất các chính sách liên quan đến đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học.
Sở Công Thương: Chủ trì tham mưu triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến thủy sản. Bên cạnh đó, phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trong công tác thu hút đầu tư các dự án chế biến, bảo quản thủy sản. Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ khuyến công, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, ứng dụng thương mại điện tử…để hỗ trợ kết nối, tiêu thụ các sản phẩm thủy sản.
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã ven biển: Chủ trì thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở cung ứng nhiên liệu, vật tư đầu vào cho tàu cá hoàn thiện các điều kiện hoạt động theo quy định. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện Đề án. Bên cạnh đó, có cơ chế chính sách cụ thể phù hợp với tình hình của địa phương để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng, khai thác phát triển cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá hiệu quả, bền vững.
Ánh Nguyệt