Cảng cá hiện đại Tam Quang được gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam (08-10-2020)

Sáng nay 7.10, tại Quảng Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ gắn biển công nhận cảng cá Tam Quang (xã Tam Quang, Núi Thành) là công trình thi đua chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025).
Cảng cá hiện đại Tam Quang được gắn biển công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam

Sau hơn 3 năm thi công, Cảng cá Tam Quang đã hoàn thành giai đoạn 1, đáp ứng nhu cầu là đầu mối tập trung và phân phối hải sản tại khu vực Duyên hải miền Trung, cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá và đảm bảo chỗ trú ẩn an toàn cho tàu thuyền trong mùa mưa bão.

Cảng cá Tam Quang (xã Tam Quang, Núi Thành) được khánh thành đánh dấu bước phát triển của hậu cần nghề cá, tạo động lực cho phát triển bền vững nghề cá Quảng Nam nói chung và vùng duyên hải miền Trung nói riêng. Đây là Cảng cá loại 1 và cũng là đầu mối tập trung và phân phối hải sản tại khu vực duyên hải miền Trung, cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề cá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam.

Công trình cảng cá Tam Quang được đầu tư theo hình thức đối tác công – tư  đầu tư với nguồn vốn hơn 122 tỷ đồng, gồm các hạng mục khu sơ chế và kho cấp đông thủy sản, chợ đầu mối thủy sản, hệ thống cấp thoát nước, khu để xe, nhà công vụ, hệ thống xử lý nước thải...

Theo thiết kế, Cảng cá Tam Quang đáp ứng được 16 nghìn tấn hải sản qua cảng mỗi năm với nhiều phân khu chức năng được bố trí hiện đại, như khu công trình công cộng, thương mại, dịch vụ có chợ thủy sản; khu tiếp nhận và phân loại thủy sản; nhà sản xuất và kho nước đá; hệ thống cung cấp xăng dầu cùng các ki-ốt bán hàng. Đặc biệt, công trình này đi vào hoạt động nhằm hiện đại hóa công tác quản lý cảng cá, quản lý tau thuyền ra vào cảng, công tác xác nhận chứng nhận sản phẩm khai thác, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm góp phần rất lớn nhằm khắc phục cảnh báo thẻ vàng của EC đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh Châu Âu.

Các dịch vụ hậu cần nghề cá tại cảng có quy mô khá lớn, gồm khu chế biến hải sản; khu sửa chữa tàu cá và sản xuất, cung cấp ngư lưới cụ. Khu vực cập tàu công suất lớn có kè bảo vệ kiên cố kết hợp với bến tàu. Nối tiếp ngay sau khu vực cập tàu là chợ đầu mối, hệ thống cung cấp nước ngọt, khu xử lý rác thải, nước thải. Hệ thống cây xanh được bố trí hài hòa xen giữa các khu chức năng, bên các dải phân cách, trước bến tàu tạo ấn tượng tốt về cảnh quan, môi trường cảng cá.

Cảng cá Tam Quang đi vào hoạt động sẽ giải quyết được nhiều vấn đề cùng lúc, như thuận tiện mua nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho chuyến biển, được bán hải sản theo giá niêm yết khi tàu cập bờ và có thể dễ dàng thay thế ngư lưới cụ, sửa chữa tàu cá khi không may hư hỏng, gặp sự cố. Đồng thời việc xây dựng, kết nối giao thông giữa cảng cá Tam Quang và khu neo đậu tàu cá An Hòa sẽ thu hút doanh nghiệp đầu tư các công trình chế biến hiện đại để xuất khẩu hải sản sang các thị trường lớn, tiềm năng, nhất là thị trường Liên minh châu Âu khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu đã có hiệu lực từ tháng 8 năm nay.

Năng lực khai thác hải sản của ngư dân trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên, thể hiện rõ trong tính năng động, bám biển quanh năm và ứng dụng công nghệ mới trong đánh bắt hải sản. Số tàu sản xuất ở các vùng biển xa của Quảng Nam hiện đã hơn 700 tàu, trong đó chủ yếu là tàu cá có công suất từ 400CV trở lên. Việc hình thành khu hậu cần nghề cá lớn cấp vùng duyên hải miền Trung sẽ thu hút, khai thác nguồn lực và phát huy những tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên cũng như hệ thống kết cấu hạ tầng, các nguồn lực của vùng.

Văn Thọ

 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác