Thành phố Hồ Chí Minh thả tái tạo hàng vạn con giống thủy sản nhân dịp kỷ niệm 62 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản (03-04-2021)

Ngày 03/4, tại huyện Cần Giờ - thành phố Hồ Chí Minh, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lễ Kỷ niệm 62 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (01/4/1959-01/4/2021) và hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2021.
Thành phố Hồ Chí Minh thả tái tạo hàng vạn con giống thủy sản nhân dịp kỷ niệm 62 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản

Tham dự buổi lễ đại diện lãnh đạo Tổng cục Thủy sản và các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Thủy sản thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nông dân huyện Cần Giờ, Hội nghề cá huyện Cần Giờ cùng các tăng ni, phật tử, ngư dân và phóng viên báo chí đến đưa tin về buổi lễ.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản và ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Hồ Chí Minh đã chủ trì buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản chia sẻ: trải qua 62 năm hình thành và phát triển Ngành thủy sản có nhiều bước tiến vượt bậc, trong giai đoạn (2016-2020) tổng sản lượng thủy sản đã tăng 23% so với giai đoạn (2010-2015) kim ngạch xuất khẩu tăng 28% và hiện tổng sản lượng thủy sản đạt 8,4 triệu tấn, kim xuất khẩu đạt 8,5 tỉ USD.

Theo ông Luân, vai trò của ngành thủy sản trong giai đoạn vừa qua đã đạt được thành tích đáng khích lệ. Công tác khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng là nhiệm vụ được các cơ quan chuyên môn, đặc biệt là ngư dân tích cực tham gia. Mới đây, Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Chiến lược đã đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 14 -16 tỉ USD vào năm 2030. Chiến lược cũng đã đề ra những định hướng, giải pháp toàn diện, bao trùm tất cả các tỉnh vực. Trong đó, một trong những điểm đáng chú ý là trong giai đoạn tới, ngành thủy sản đã đưa ra định hướng giảm dần sản lượng khai thác, nhằm cân bằng giữa năng lực khai thác với trữ lượng nguồn lợi thủy sản cũng như khả năng phục phục hồi tái tạo nguồn lợi, tăng sản lượng nuôi trồng thủy sản, tập trung phát triển diện tích nuôi biển. Tăng cường công tác phát triển, tái tạo nguồn lợi thủy sản thông qua công tác tăng cường bảo tồn, tăng diện tích khu vực được bảo tồn trong giai đoạn tới.

Từ năm 2017, Tổng cục Thủy sản đã ký kết biên bản ghi nhớ với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về thả giống phóng sinh, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tổng cục Thủy sản đã ban hành hướng dẫn các hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản phóng sinh theo đúng quy định về số lượng, chủng loạt. Từ đó đến nay, phong trào thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản đã được Chi cục và Ban Giáo hội Phật giáo các tỉnh triển khai hằng năm rất hiệu quả, thiết thực, tạo hiệu ứng lan toản đến từng người dân, các tăng ni, phật tử trên cả nước.

Công tác thả giống phóng sinh đã đảm bảo cá giống sau khi phóng sinh sẽ đạt tỉ lệ sống cao nhất. Qua hoạt động này, sẽ nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản và cân bằng sinh thái với các đối tượng nguồn lợi ngoài tự nhiên để duy trì môi trường và khả năng khai thác phù hợp nhất.

Tại buổi lễ, Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Hồ Chí Minh đã đánh giá cao những nỗ lực của, Tổng cục Thủy sản, Chi cục Thủy sản thành phố Hồ Chí Minh về công tác thanh kiểm tra và tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố đã đồng ý có kế hoạch thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản không chỉ riêng các vùng ven biển mà ngay cả các hệ thống sông, kênh, rạch trong thành phố cũng thực hiện tốt công tác bảo vệ nguồn lợi.

Theo bà Võ Thị Mộng Thu, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP.HCM, trong dịp này, số lượng cá gồm 10.000 con cá mú đen và 20  con cá chẽm (từ nguồn kinh phí vận động) được các đại biểu và nhân dân thả xuống vùng biển tại khu vực vịnh Gành Rái, huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh.

Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong việc phục hồi nguồn lợi thủy sản, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân cùng tham gia bảo vệ nguồn lợi tự nhiên, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương. Hằng năm, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với các đơn vị khác huy động nguồn xã hội hóa để thả nhiều đợt với nhiều loài giống thủy sản nhằm phục hồi tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ngoài hoạt động thả giống tái tạo Chi cục cũng đã phối hợp với các lực lượng thanh tra, kiểm tra xử lý những trường hợp vi phạm, sử dụng ngư, lưới cụ cấm trong hoạt động khai thác thủy sản, bà Thu nhấn mạnh.

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc