Bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản lưu vực sông Đà (28-02-2020)

Ngày 18 tháng 02 năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 456/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt Đề án thí điểm bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản lưu vực sông Đà khu vực hồ Hòa Bình giai đoạn 2020-2022.
Bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản lưu vực sông Đà
Ảnh minh họa

Theo đó, Đề án sẽ được 04 tỉnh/thành phố phối hợp triển khai thực hiện. Tại lưu vực sông Đà (khu vực hồ Hòa Bình) thuộc 02 tỉnh (Sơn La, Hòa Bình) và hạ lưu sông Đà thuộc thành phố Hà Nội và tỉnh Phú Thọ. Đối tượng là các tổ chức/cá nhân có hoạt động liên quan đến khai thác, nuôi trồng, thương mại và dịch vụ thủy sản, nghiên cứu và quản lý trong lĩnh vực thủy sản. Thời gian thực hiện Đề án là từ năm 2020-2022.

Đề án Bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản được thực hiện trên quan điểm khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng mặt nước hồ chứa, sông, suối thuộc lưu vực sông Đà (khu vực hồ Hòa Bình) để nuôi trồng, khai thác thuỷ sản gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu; đảm bảo an toàn cho công trình hồ chứa và người dân địa phương; Đồng thời, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo hài hòa với lợi ích của các ngành kinh tế khác, phù hợp với tổng thể phát triển kinh tế, xã hội của vùng và địa phương.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; đảm bảo sự phối hợp liên tỉnh và tham gia của cộng đồng trong bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản lưu vực sông Đà (khu vực hồ Hòa Bình); Xã hội hóa công tác bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản trên cơ sở thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của các loài thủy sản ở lưu vực sông Đà (khu vực hồ Hòa Bình); góp phần phát triển kinh tế thủy sản, xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương (đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số). Lấy đó làm cơ sở để triển khai công tác bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản trên hệ thống các sông, hồ chứa lớn của Việt Nam.

Đề án đã đưa ra 06 mục tiêu cụ thể như sau: (1) Nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân tại lưu vực sông Đà (khu vực hồ Hòa Bình) về bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; (2) Nâng cao năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản cho các cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản tại các tỉnh thuộc phạm vi của Đề án; (3) Nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác, nuôi trồng, thương mại thủy sản của người dân tại lưu vực sông Đà khu vực hồ Hòa Bình gắn với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường sống của các loài thủy sản; (4) Thành lập 04 tổ chức cộng đồng đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và 06 mô hình phát triển sinh kế bền vững gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho cộng đồng dân cư địa phương; (5) Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; (6) Nhân rộng mô hình ra các hồ chứa, lưu vực sông trên cả nước.

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra thì Đề án nhấn mạnh Công tác thông tin, tuyên truyền phải được 04 tỉnh/thành (Sơn La, Hòa Bình, Hà Nội, Phú Thọ) triển khai thực hiện tốt, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm gắn với quyền lợi của các tổ chức/cá nhân có liên quan (đặc biệt là cộng đồng dân cư sống xung quanh sông Đà) đối với việc bảo vệ, tái tạo, phục hồi nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản; Tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn phổ biến quy định của pháp luật, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm quản lý, khoa học - kỹ thuật nhằm bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản.

Bên cạnh đó, xây dựng các chương trình tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản phù hợp từng đối tượng; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền (tờ rơi, pa nô, áp phích, khẩu hiệu, truyền thanh, truyền hình, báo địa phương...); Hình thành mạng lưới cộng tác viên tuyên truyền tại địa phương để đưa những nội dung tuyên truyền cụ thể, đi sâu vào đời sống của người dân; Xây dựng bộ dữ liệu, tài liệu về nguồn lợi thủy sản, môi trường sống của loài thủy sản phục vụ công tác quản lý và nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi pháp luật thông qua các chương trình đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ trong công tác thực thi pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Xây dựng các văn bản quản lý nhà nước, hướng dẫn kỹ thuật về bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản; Đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác thực thi pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Đồng thời, tăng cường sự phối hợp liên ngành, liên tỉnh bằng cách: Xây dựng quy chế phối hợp liên ngành, liên tỉnh trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, trong đó có nội dung về chia sẻ thông tin; trao đổi kinh nghiệm; cơ chế phối hợp để giải quyết các vấn đề chung; Xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện quy chế phối hợp liên ngành, liên tỉnh định kỳ hằng năm.

Đối với công tác tổ chức sản xuất: Khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia tổ chức lại sản xuất nuôi trồng, khai thác thủy sản theo chuỗi giá trị, mô hình liên kết, hợp tác, trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi nhằm giảm giá thành sản xuất và tăng thu nhập cho người dân; Hình thành các tổ chức cộng đồng trong khai thác, nuôi trồng thủy sản để vừa hỗ trợ sản xuất vừa tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản;

Thành lập tổ chức cộng đồng đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản: giao quyền quản lý, khai thác tiềm năng mặt nước cho các tổ chức cộng đồng; đánh giá khả năng cho phép khai thác của nguồn lợi thủy sản và sức tải sinh học của vùng nước được giao quản lý để xác định số lượng tàu cá, cơ cấu nghề nghiệp khai thác thủy sản, số lượng, quy mô lồng bè nuôi trồng thủy sản phù hợp. Đồng thời, xây dựng các mô hình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản kết hợp với phát triển du lịch sinh thái nhằm nâng cao nhận thức và đem lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng, thu hút sự tham gia rộng rãi của các Ngành vào công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

Để thực hiện việc tái tạo, bổ sung nguồn lợi thủy sản tại lưu vực sông Đà (khu vực hồ Hòa Bình), Đề án thí điểm bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản lưu vực sông Đà khu vực hồ Hòa Bình giai đoạn 2020-2022 sẽ triển khai các hoạt động thả giống, tái tạo, bổ sung nguồn lợi thủy sản sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước; Thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản cấp tỉnh tại hai tỉnh là Sơn La và Hòa Bình; Khuyến khích các tổ chức/cá nhân tham gia tái tạo, bổ sung nguồn lợi thủy sản.

Giải pháp thực hiện: Tiếp tục thực hiện những chính sách hiện có để bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản lưu vực sông Đà khu vực hồ Hòa Bình. Tăng cường triển khai Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản; Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 30/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg và Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 13/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai các chương trình, đề án, dự án đã được phê duyệt để đẩy mạnh công tác bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. Khuyến khích các tổ chức cộng đồng tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản thông qua việc Hỗ trợ xây dựng hồ sơ pháp lý cho các tổ chức cộng đồng, hợp tác xã khi thực hiện thủ tục giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Hỗ trợ tập huấn nâng cao năng lực cho các tổ chức cộng đồng về nội dung liên quan đến đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Hỗ trợ vật tư đầu vào, ưu đãi tín dụng đối với tổ chức cộng đồng làm nghề nuôi trồng thủy sản tham gia đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Khuyến khích chuyển đổi một số nghề khai thác sử dụng ngư cụ có tính chất tận diệt nguồn lợi thủy sản: Hỗ trợ vốn, ưu đãi tín dụng để mua sắm, chuyển đổi ngư cụ khai thác thân thiện với môi trường; Hỗ trợ vật tư đầu vào, ưu đãi tín dụng đối với hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi từ nghề khai thác sang nuôi trồng thủy sản. Thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế trong phát triển sinh kế bền vững gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản. Đầu tư, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nâng cao năng lực thực thi pháp luật về bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Về khoa học, công nghệ, khuyến ngư, thực hiện việc gắn kết với các Cơ sở nghiên cứu để tổ chức thực hiện nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất thuỷ sản, tăng thu nhập cho người dân, giảm áp lực lên nguồn lợi thủy sản.

Trong nuôi trồng thuỷ sản, nghiên cứu, hoàn thiện, chuyển giao quy trình sản xuất giống, nuôi lồng bè, đặc biệt là các loài bản địa, quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao ở hồ chứa và trên sông; xây dựng thành công mô hình nuôi lồng cá Chình bông và cá Chày mắt đỏ trên hồ Hòa Bình; ứng dụng công nghệ nuôi cá bằng lồng HDPE trên sông, hồ chứa nhằm giảm ảnh hưởng từ việc xả lũ của thủy điện.

Trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tổ chức điều tra, đánh giá nguồn lợi thuỷ sản theo chuyên đề đối với các giống loài thuỷ sản bản địa, quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao; xác định và lập bản đồ các khu vực tập trung sinh sản, khu vực thủy sản còn non tập trung sinh sống để tổ chức khoanh vùng bảo vệ, thiết lập khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản; Nghiên cứu sinh sản nhân tạo, ương nuôi loài thủy sản quý hiếm để thả tái tạo, bổ sung nguồn lợi thủy sản ở hồ chứa và trên sông như cá chày mắt đỏ; Nghiên cứu chuyển đổi mô hình sinh kế phù hợp cho cộng đồng ngư dân chuyển từ nghề khai thác nhỏ lẻ, thủ công ảnh hưởng xấu đến nguồn lợi thủy sản sang các nghề phù hợp như nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái; Đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm khai thác, nuôi trồng thủy sản trên sông Đà.

Ngọc Thúy – FICen

Ý kiến bạn đọc