Nguồn lợi thủy sản suy giảm
Bình Thuận là tỉnh có truyền thống nghề cá, với 7/10 huyện, thị xã, thành phố vùng biển, 35 xã, phường, thị trấn ven biển. Toàn tỉnh có, 7.545 tàu cá chiều dài từ 6 m trở lên và hơn 5.000 tàu cá (gồm thúng máy) chiều dài dưới 6 mét, với trên 46.000 lao động trực tiếp. Vùng biển ven bờ của tỉnh được đánh giá là nơi có nguồn lợi thủy sản phong phú, đa dạng; với nhiều hệ sinh thái quan trọng bao gồm rạn san hô, thảm cỏ biển, rạn đá ngầm; đặc biệt, nhiều loài thân mềm hai mảnh vỏ sống vùng dưới triều phân bố với mật độ lớn dọc ven biển của tỉnh; nhiều khu vực có tính đa dạng sinh học cao, giữ vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội của các cộng đồng ngư dân.
Tuy nhiên, những năm gần đây môi trường hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản đang có xu hướng bị suy thoái do các hoạt động khai thác quá mức và sự phát triển của một số ngành kinh tế biển (cảng biển, dầu khí, du lịch, điện gió...); đặc biệt, vùng ven bờ đang bị giảm sút nghiêm trọng về thành phần loài và trữ lượng một số loài thủy sản, ảnh hưởng đến sinh kế ngư dân.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Bình Thuận đã triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án nhằm bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái ven biển; tuy nhiên, hiệu quả còn hạn chế so với yêu cầu bức thiết của thực tế đặt ra. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến hiệu quả triển khai các hoạt động chưa cao là thiếu một mô hình tổ chức quản lý, thực hiện với sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan (nhà quản lý, người hưởng lợi), đặc biệt là vai trò của người dân chưa thực sự được chú trọng và đánh giá đúng mức.
Chú trọng đồng quản lý
Trong thời gian qua, được sự quan tâm ủng hộ từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, chính quyền địa phương các cấp và cộng đồng ngư dân, phương thức đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đã từng bước được xây dựng và mang lại một số kết quả tích cực. Bình Thuận cũng là địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện công nhận, giao quyền quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Các mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản được Bình Thuận triển khai đầu tiên từ những năm 2012, tại xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, với đối tượng bảo vệ là Điệp quạt (một loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ đặc thù của tỉnh). Theo đó, UBND huyện Tuy Phong đã thành lập Tổ cộng đồng quản lý và khai thác nguồn lợi Điệp quạt tại vùng biển ven bờ xã Phước Thể, với hơn 150 thành viên. Nhờ vậy, hoạt động khai thác nguồn lợi điệp quạt được quản lý chặt chẽ, nguồn lợi có thời gian để phục hồi, phát tán ra môi trường xung quanh, góp phần duy trì sinh kế ổn định cho ngư dân địa phương. Từ năm 2015, mô hình được nhân rộng cho các xã thuộc huyện Hàm Thuận Nam. Giai đoạn trước năm 2017, việc triển khai đã gặp không ít những khó khăn, thách thức do thiếu khung pháp lý thực hiện.
Ngay khi Luật Thủy sản năm 2017 được ban hành, Bình Thuận đã chủ động nghiên cứu, vận dụng để triển khai. Trong đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 3224/QĐ-UBND ngày 22/11/2018 hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh, phù hợp với đặc thù của địa phương. Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng, nhân rộng các mô hình quản lý dựa vào cộng đồng để bảo vệ phát triển và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản; tăng cường công tác bảo vệ và phục hồi nguồn lợi thủy sản, phục hồi hệ sinh thái ven biển, hải đảo gắn với sinh kế của cộng đồng ngư dân; xây dựng và triển khai các mô hình đồng quản lý tài nguyên và hệ sinh thái biển... Hàng năm, Sở NN&PTNT Bình Thuận đều xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trên địa bàn tỉnh (khoảng 100 triệu đồng/năm). Chi cục Thủy sản thường xuyên tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong vùng biển áp dụng đồng quản lý; đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức cho ngư dân và các bên liên quan về đồng quản lý.
Bình Thuận đã thực hiện công nhận và giao quyền quản lý cho 3 tổ chức cộng đồng tham gia/288 thành viên hộ gia đình tại huyện Hàm Thuận Nam, trên vùng biển có diện tích là 43,4 km2/12,38 km chiều dài bờ biển (Trong đó: xã Thuận Qúy là 16,5 km2; xã Tân Thành là 9,2 km2; xã Tân Thuận là 17,7 km2). UBND huyện Hàm Thuận Nam đã ban hành Kế hoạch số 198/KH-UBND ngày 28/10/2021 về duy trì và phát triển bền vững mô hình đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021 - 2025. Các bên liên quan (Chi cục Thủy sản, Đồn Biên phòng Tân Thành, Công an huyện Hàm Thuận Nam, các phòng chuyên môn của huyện Hàm Thuận Nam) đã ký kết quy chế phố hợp hỗ trợ thực hiện đồng quản lý.
Việc triển khai các mô hình này bước đầu đã có những tác động tích cực làm thay đổi suy nghĩ và nhận thức của người dân, phát huy các giá trị văn hóa nghề cá bản địa, nâng cao tinh thần đoàn kết tương thân tương ái trong cộng đồng; giảm các tranh chấp, mâu thuẫn trong khai thác và các hoạt động đánh bắt IUU; tăng cường mối quan hệ giữa cơ quan quản lý Nhà nước và nhân dân; phục hồi được nguồn lợi nhuyễn thễ hai mảnh vỏ đặc thù, có giá trị kinh tế của địa phương (Điệp quạt, sò lông...), bảo vệ nguyên vẹn các hệ sinh thái quan trọng (bãi rạn san hô mềm Hòn Lan - Tân Thành, Mũi Ngựa - Thuận Qúy...).
Tháo gỡ bất cập
Tuy nhiên, việc thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản của tỉnh Bình Thuận vẫn còn một số tồn tại như: Tính chủ động, tự lập của người dân tham gia đồng quản lý vẫn còn hạn chế; việc thực thi các quyền và trách nhiệm của tổ chức cộng đồng theo quyết định công nhận, giao quyền gặp nhiều khó khăn, thách thức; đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn chưa được triển khai một cách rộng rãi trên địa bàn tỉnh.
Nguyên nhân dẫn đến những tồn tại này là do trình độ, tập quán của ngư dân, chưa quen với hoạt động tập thể, vốn có tính thống nhất và tổ chức cao. Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; trách nhiệm được giao chưa thật sự gắn với lợi ích, quyền lợi…; do vậy, chưa khuyến khích, động viên được các cộng đồng tham gia một cách sâu rộng.
Nhằm tăng cường, đẩy mạnh thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản của tỉnh, Sở NN&PTNT Bình Thuận cũng đã đề ra 7 giải pháp thực hiện trong thời gian tới, gồm:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các quy định pháp luật về thủy sản đến cộng đồng ngư dân nhằm nâng cao nhận thức, thu hút ngày càng nhiều người tham gia vào công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Hai là, xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí hỗ trợ thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản hàng năm.
Ba là, tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ UBND các cấp (huyện, xã), người dân tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản đạt hiệu quả, thiết thực hơn.
Bốn là, các lực lượng chức năng tăng cường, hỗ trợ các tổ chức hội cộng đồng trong tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong khu vực thực hiện đồng quản lý.
Năm là, tổ chức điều tra, đánh giá nhu cầu thực hiện đồng quản lý của địa phương, người dân; các khu vực biển có tiềm năng thiết lập khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với thực hiện đồng quản lý.
Sáu là, quan tâm đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về thực hành đồng quản lý cho cán bộ công tác tại cơ quan quản lý chuyên ngành cấp tỉnh/huyện, cán bộ phụ trách thủy sản cấp xã và các bên liên quan khác.
Và bảy là, tăng cường hợp tác, kêu gọi tài trợ, huy động sự tham gia của các tổ chức trong và ngoài nước trong thực hiện đồng quản lý.
Hải Đăng