Quảng Ninh xác định công tác điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, giúp bảo vệ và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản, bảo tồn đa dạng sinh học; góp phần phát triển bền vững kinh tế biển, bảo đảm sinh kế cho cộng đồng ngư dân, bảo vệ quốc phòng an ninh, chủ quyền biển đảo; đáp ứng yêu cầu hội nhập, tuân thủ luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; phù hợp với Bộ quy tắc ứng xử nghề cá có trách nhiệm của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên Hiệp Quốc.
Theo đó, việc điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ được triển khai một cách thống nhất trên phạm vi toàn tỉnh, bảo đảm đồng bộ, khoa học, kế thừa, tích hợp với các chương trình, đề án hiện có nhằm nâng cao hiệu quả công tác điều tra. Kết quả điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản bảo đảm kịp thời, đầy đủ, liên tục, tin cậy và được định kỳ công bố theo quy định. Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh ưu tiên nguồn vốn ngân sách cho công tác điều tra nguồn lợi thủy sản.
Xác định hạn ngạch theo loài, nhóm loài phù hợp với trữ lượng nguồn lợi
Điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh định kỳ 5 năm đến năm 2030 sẽ cung cấp thông tin dữ liệu, cơ sở khoa học phục vụ công tác quản lý, sử dụng nguồn lợi thủy sản bền vững. Cụ thể là: Xác định cơ sở khoa học về biến động nguồn lợi thủy sản, nghề khai thác hải sản và môi trường sống của các loài thủy sản vùng ven bờ và vùng lộng để đề xuất giải pháp quy hoạch, quản lý, bảo vệ, khai thác và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản.
Đánh giá được hiện trạng, biến động nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản tại vùng sinh thái thủy vực đặc trưng trên địa bàn tỉnh: bãi đẻ, bãi giống thủy sản, sự xuất hiện các loài thủy sản đặc hữu, quý hiếm và đề xuất giải pháp bảo vệ, khai thác, phát triển nghề cá trong các khu đã thiết lập và quy hoạch: Khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần; Khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui, Tiên Yên; Vườn quốc gia Bái Tử Long; Khu di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long hiệu quả, bền vững.
Cung cấp thông tin, dữ liệu về đa dạng sinh học, nguồn lợi thủy sản trong các hệ sinh thái khu đất ngập nước (vùng ven biển, vùng nội địa) phục vụ việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thành lập khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn, khu cư trú nhân tạo của loài thủy sản. Cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn địa phương để quy định danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản; danh mục các loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm; đường di cư tự nhiên của loài thủy sản; kích thước loài thủy sản được phép khai thác trong các thủy vực tự nhiên; xác định hạn ngạch khai thác thủy sản, sản lượng thủy sản cho phép khai thác theo loài, nhóm loài ở vùng ven bờ và vùng lộng phù hợp với trữ lượng nguồn lợi.
Tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia
Theo kế hoạch, tỉnh Quảng Ninh sẽ tiến hành điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản trong các hệ sinh thái biển gắn liền với rừng ngập mặn, đất ngập nước; Điều tra nghề cá thương phẩm hằng năm làm cơ sở bổ sung, điều chỉnh đề xuất quy hoạch các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái ven biển, chế độ, kế hoạch quản lý nguồn lợi thủy sản phù hợp rừng ngập mặn, khu đất ngập nước bãi bồi ven biển. Điều tra, xác định đường di cư tự nhiên của các loài thủy sản ở biển, ven biển, các thủy vực sông lớn để xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý các loài, nhóm loài thủy sản này.
Bên cạnh đó, định kỳ đánh giá, cập nhật, bổ sung các danh mục nghề, ngư cụ cấm sử dụng khai thác thủy sản; khu vực cấm nghiêm ngặt hoặc cấm khai thác thủy sản có thời hạn; loài thủy sản nguy cấp quý hiếm, loài thủy sản bản địa, đặc hữu có giá trị kinh tế; kích thước loài thủy sản được phép khai thác trong các thủy vực tự nhiên để xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch và biện pháp quản lý phù hợp. Tiếp nhận chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, phương pháp điều tra, nghiên cứu tiên tiến, hiện đại; tăng cường năng lực, trang thiết bị điều tra, nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu của công tác điều tra.
Đặc biệt, Quảng Ninh sẽ tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nguồn lợi thủy sản tích hợp với Trung ương; cập nhật, hoàn thiện, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn lợi thủy sản.
Tích cực thu hút các nguồn lực hợp tác điều tra
Tỉnh Quảng Ninh triển khai đầy đủ các cơ chế, chính sách của Trung ương và của tỉnh trong hoạt động điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản. Khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi thu hút nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hợp tác điều tra nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản.
Tăng cường nhận thức và phát triển nguồn nhân lực. Huy động sự tham gia, đóng góp tích cực của các tổ chức, cá nhân, các chuyên gia, nhà khoa học, các cán bộ quản lý các sở, ngành tại địa phương để thực hiện Kế hoạch; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ tham gia thực hiện điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản; phát huy tối đa nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn viện trợ để phát triển nhân lực.
Huy động nguồn lực có năng lực điều tra, khả năng ứng dụng công nghệ tiên tiến thực hiện điều tra và đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản. Tăng cường nhận thức của các cấp, ngành, địa phương và các tổ chức cá nhân có liên quan phối hợp trong việc điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản.
Tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị phục vụ điều tra. Mua sắm, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ hiện đại; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cập nhật cơ sở dữ liệu từ các hoạt động điều tra nguồn lợi thủy sản. Tiếp nhận chuyển giao ứng dụng công nghệ, kỹ thuật điều tra tiên tiến, hiện đại trong điều tra, đánh giá nguồn lợi và môi trường sống của các loài thủy sản.
Phối hợp, kiểm tra, giám sát dữ liệu và công bố kết quả điều tra. Khai thác, sử dụng và chia sẻ kết quả điều tra theo quy định, đáp ứng kịp thời công tác quản lý nhà nước về thủy sản ở trung ương và địa phương. Định kỳ báo cáo kết quả điều tra nguồn lợi thủy sản 5 năm 01 lần và các báo cáo điều tra chuyên đề, điều tra nghề cá thương phẩm gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cập nhật, công bố kết quả.
Triển khai Kế hoạch phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương
UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nội dung và đánh giá kết quả thực hiện; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Đồng thời, phối hợp với các Sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các nhiệm vụ, dự án, chuyên đề điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản trên địa bàn được phê duyệt.
Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp kết quả điều tra, đánh giá để xây dựng cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học phục vụ quản lý chung theo phân cấp thẩm quyền.
Cục Thống kê tỉnh chia sẻ phương pháp điều tra, dữ liệu điều tra, thống kê sản lượng khai thác thủy sản phục vụ công tác đánh giá tổng hợp nguồn lợi và nghề khai thác thủy sản; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định phương án thực hiện các nhiệm vụ thuộc Kế hoạch có liên quan đến một số chỉ tiêu thống kê theo quy định.
Các Sở, ngành có liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai hiệu quả Kế hoạch.
UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, thực hiện Kế hoạch điều tra trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Mặt khác, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành có liên quan triển khai Kế hoạch Điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Trong thời gian tới, định kỳ 5 năm đến năm 2030, toàn tỉnh sẽ tiến hành điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loài thủy sản vùng ven bờ, vùng lộng và tại các khu: Khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần; khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui, Tiên Yên; Vườn quốc gia Bái Tử Long; khu di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, làm cơ sở đề xuất và tổ chức thực hiện các giải pháp, kế hoạch quản lý nghề cá phù hợp với định hướng phát triển kinh tế biển, vùng ven biển, tiến tới phát triển nghề cá bền vững.
Ngọc Thúy - FICen