Câu cá giải trí giúp quản lý bền vững nguồn lợi thủy sản (24-11-2020)

Bất chấp những thách thức liên quan đến hoạt động câu cá giải trí, điều quan trọng cần nhấn mạnh là nhận ra số lượng đáng kể người câu cá trên toàn thế giới và mối quan hệ đặc trưng của họ đối với môi trường. Câu cá giải trí có thể là một công cụ mạnh mẽ để quản lý bền vững tài nguyên biển, phát triển kinh tế.
Câu cá giải trí giúp quản lý bền vững nguồn lợi thủy sản
Ảnh minh họa

Theo FAO, câu cá giải trí là “hoạt động đánh bắt động vật thủy sinh (chủ yếu là cá) không phải là nguồn thực phẩm chính để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cơ bản của cá nhân và thường không được tiêu thụ nội địa hoặc trao đổi, mua bán trên thị trường xuất khẩu”. Hoạt động câu cá giải trí có thể cạnh tranh với các nghề cá thương mại, khi việc đánh bắt được tiến hành tại cùng một khu vực. Việc quảng bá rộng rãi chính sách đánh bắt và phóng thích cá câu được sẽ khiến hoạt động câu cá giải trí đạt doanh thu cao hơn giá trị thực của con cá.

Ước tính toàn cầu về hoạt động câu cá giải trí là rất khó do số liệu thu thập được hạn chế, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và kém phát triển. Ước tính sơ bộ về số lượng người câu cá giải trí trên toàn cầu rất khác nhau, từ mức tối thiểu là 220 triệu người đến mức tối đa là 700 triệu người (tức: cao hơn gần gấp đôi số lượng người câu cá thương mại). Bất kể con số thực tế là bao nhiêu, việc tham gia câu cá giải trí được công nhận là đang gia tăng trên quy mô toàn cầu, đặc biệt là ở các quốc gia đang phát triển cùng với sự mở rộng của tầng lớp trung lưu. Nhiều nguồn cá nước ngọt hoang dã và một số nguồn lợi hải sản ven biển được sử dụng riêng cho hoạt động đánh bắt cá giải trí ở các quốc gia công nghiệp hóa. Thực tế đã ghi nhận giá trị kinh tế cao trong mỗi vụ thu hoạch mà ngành câu cá giải trí có thể đem lại nếu được quản lý tốt.

Việc quản lý kém hoạt động đánh bắt cá giải trí có thể gây ra một số vấn đề về bảo tồn, bao gồm: khai thác khối lượng lớn thủy sản (lạm thác), chọn lọc đối tượng đánh bắt làm thay đổi cơ cấu quần thể thủy sản, đánh bắt không mong muốn (rùa biển, chim biển, cá heo), phá hủy môi trường sống tự nhiên, làm gia tăng bệnh tật, gia tăng tỷ lệ thủy sản chết, du nhập các loài sinh vật ngoại lai, gây xáo trộn sinh cảnh. Với những điều rất đáng lo ngại này, ngành Thủy sản cần định hướng hoạt động đánh bắt cá giải trí theo hướng “môi trường bền vững ở cấp độ quốc tế” thông qua nhiều biện pháp khác nhau như: cấp phép cho người câu cá và tàu thuyền, thiết lập mùa câu, phát triển các giới hạn về kích cỡ, kích thước... Sử dụng nhiều phương tiện và biện pháp khác nhau, hoạt động câu cá giải trí đã được nhiều nước phát triển đưa vào nội dung quản lý nghề cá quốc gia. Điều này là rất quan trọng, tuy nhiên, việc đưa hoạt động đánh bắt cá giải trí vào quản lý có thể tạo ra xung đột về phân bổ nguồn lợi thủy sản giữa các bên liên quan, đặc biệt là những người đánh bắt cá thương mại.

Theo FAO, những việc có liên quan đến hoạt động đánh bắt cá giải trí khi được đưa vào quản lý có thể trở nên phức tạp hơn ở các nước đang phát triển, vì các nước này phụ thuộc nhiều vào đánh bắt thủy sản để phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm và đảm bảo an ninh lương thực. Do đó, các nhà phê bình vẫn coi câu cá giải trí là hoạt động khai thác tài nguyên không chính đáng. Vấn đề phức tạp hơn nữa khi người tham gia câu cá giải trí chủ yếu lại là khách du lịch, có nghĩa là những người câu cá này không đại diện cho người dân địa phương, khiến cho lợi ích thực tế của hoạt động câu cá giải trí càng trở nên ít rõ ràng, nhất là ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, bất chấp những thách thức liên quan đến câu cá giải trí, điều quan trọng cần nhấn mạnh là nhận ra số lượng đáng kể người câu cá trên toàn thế giới và mối quan hệ đặc trưng của họ đối với môi trường. Câu cá giải trí có thể là một công cụ mạnh mẽ để quản lý bền vững nguồn lợi thủy sản và phát triển kinh tế. Nhiều hoạt động đánh bắt cá giải trí liên quan đến việc bảo tồn, gìn giữ và phục hồi môi trường sống của các loài thủy sinh. Sự tham gia này có vẻ tự nhiên vì những người câu cá thường theo đuổi hoạt động câu cá giải trí vì yếu thích môi trường tự nhiên, thoát khỏi những thói quen, có cảm giác tự do và nhiều giá trị đa dạng khác.

Bên cạnh đó, câu cá giải trí còn có thể hỗ trợ tích cực cho các nghiên cứu quan trọng thông qua những ý kiến đóng góp cá nhân đối với các sáng kiến ​​khoa học và công tác quản lý nghề cá. Ở các quốc gia cho phép khai thác hoạt động câu cá giải trí, doanh thu từ việc bán giấy phép câu cá giải trí sẽ hỗ trợ các dự án bảo tồn. Trong khi đó, ở các quốc gia mà hoạt động câu cá giải trí chỉ giới hạn trong phạm vi hẹp là các doanh nghiệp tư nhân/ câu lạc bộ/ hiệp hội câu cá thì các tổ chức này phải chịu trách nhiệm thực thi luật pháp trong việc quản lý quần thể thủy sản và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, cũng cần lưu ý rằng câu cá giải trí thường được hình thành bởi các hành lang tài chính đủ mạnh và tự tổ chức để đạt được các mục tiêu bảo tồn và tái tạo nguồn lợi thủy sản mà không nhận được hoặc nhận được rất ít sự hỗ trợ từ Chính phủ. Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định rằng các loại hình vận động này vẫn đang hướng đến những nỗ lực thực sự vì môi trường và có tính đến các tác động đối với ngư dân (những người đánh bắt vì sinh kế) và vấn đề an ninh lương thực/ dinh dưỡng.

Vai trò của câu cá giải trí trong quản lý bền vững tài nguyên và phát triển kinh tế

Câu cá giải trí có khả năng kích thích phát triển kinh tế một cách đáng kể. Vì cá đánh bắt được từ hoạt động câu cá giải trí thường không phải là một phần của giao dịch thị trường trực tiếp, đóng góp kinh tế của hoạt động câu cá giải trí đòi hỏi các phương pháp tiếp cận khác để tìm ra giá trị của nó. Ví dụ, lĩnh vực câu cá giải trí hỗ trợ các hoạt động kinh tế khác nhau liên quan đến câu cá, chẳng hạn như: du lịch, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, dịch vụ cho thuê thuyền, xây dựng hoặc sửa chữa động cơ, cung cấp mồi câu, cần câu, cơ sở hạ tầng... Ngân hàng Thế giới ước tính rằng người câu cá chi tiêu xấp xỉ 190 tỷ USD hàng năm liên quan đến hoạt động câu cá giải trí, đóng góp khoảng 70 tỷ USD mỗi năm vào tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. Đây có lẽ là những ước tính thấp, không bao gồm các nguồn doanh thu lớn cho việc đánh bắt cá.

Ở một số nước đang phát triển, câu cá giải trí gắn liền trực tiếp với sự phát triển của ngành du lịch, với việc công nhận giá trị mà nghề cá này có thể tạo ra thông qua các chuyến thăm của du khách. Tại Costa Rica, các cần thủ nước ngoài ước tính tạo ra 279 triệu đô la Mỹ và khoảng 63.000 việc làm vào năm 2008. Tại Panama, các cần thủ đóng góp ước tính 48,4 triệu đô la Mỹ vào GDP hàng năm và hỗ trợ khoảng 9.500 việc làm.

Khi câu cá giải trí phát triển và mở rộng cùng với du lịch, ngành du lịch phải giải quyết những hậu quả về môi trường và văn hóa xã hội do hoạt động câu cá giải trí đem lại. Thật không may, các rạn san hô ven biển, đầm phá, rừng ngập mặn và các khu vực khác đã bị phá hủy ở nhiều nước đang phát triển do xây dựng khu nghỉ dưỡng, thăm quan quá nhiều, ô nhiễm và các tác động tiêu cực khác. Sự suy thoái môi trường như vậy để lại những hậu quả xấu đối với các quốc gia đang cố gắng thu lợi từ thị trường du lịch - câu cá toàn cầu (có giá trị kinh tế đặc biệt cao). Các cộng đồng địa phương cần phải được đưa vào xem xét cũng như du lịch quy mô lớn, thường không có sự tham gia trực tiếp của cộng đồng, coi họ đơn giản là lực lượng lao động mà không mang lại bất kỳ cơ hội thực sự nào cho tăng trưởng kinh tế cộng đồng. Hơn nữa, những thay đổi văn hóa do khách du lịch mang lại, không được người dân địa phương chấp nhận. Người dân địa phương cảm thấy cộng đồng và văn hóa của họ đang bị tác động tiêu cực bởi du lịch.

Những nỗ lực được thực hiện để giảm tác động tiêu cực từ du lịch đã dẫn đến một xu hướng mới được gọi là “du lịch sinh thái”. Du lịch sinh thái có thể được định nghĩa là du lịch có trách nhiệm đến các khu vực tự nhiên nhằm bảo tồn môi trường và cải thiện cuộc sống của người dân địa phương. Các mô hình phù hợp với du lịch sinh thái cần tuân theo các nguyên tắc như bảo tồn môi trường, sự tham gia của cộng đồng, bảo tồn và phát huy di sản địa phương. Hợp tác giữa du lịch sinh thái và câu cá giải trí có tiềm năng hỗ trợ quan trọng cho nền kinh tế của các làng chài nhỏ, đặc biệt là khi các cộng đồng này có xu hướng phụ thuộc quá nhiều vào thủy sản như một nguồn thu nhập và dinh dưỡng duy nhất. Các kế hoạch đa dạng hóa thông qua các nguồn thu thay thế như du lịch sinh thái là cần thiết để cải thiện sinh kế địa phương đồng thời giải quyết lợi nhuận thường xuyên giảm sút và việc làm trong ngành thủy sản.

Một hoạt động hợp tác quan trọng giữa nghề cá quy mô nhỏ và du lịch được gọi là du lịch câu cá (pescaturismo), ban đầu được phát triển ở Ý để đối phó với sự sụt giảm trữ lượng thủy sản và tỷ lệ thất nghiệp của ngư dân. Du lịch câu cá mang đến cho khách du lịch cơ hội ra khơi với những ngư dân chuyên nghiệp, sử dụng tàu riêng của họ và tham gia các hoạt động như du ngoạn trên thuyền, học về các phương pháp và dụng cụ đánh bắt, tham gia trò chơi câu cá, chuẩn bị bữa ăn trên tàu và tìm hiểu về môi trường biển và di sản của cộng đồng địa phương. Sau thành công ban đầu của du lịch câu cá, các ngư dân tham gia quyết định mở rộng phạm vi hoạt động của mình để khách du lịch có thể dành một ngày hoặc hơn trong nhà của ngư dân, thuê phòng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày của gia đình ngư dân.

Các mục đích chính của du lịch câu cá (pescatourism) là: (1) Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường biển; (2) Duy trì việc làm ổn định và tạo nguồn thu mới; (3) Có sự tham gia của phụ nữ và thanh niên; (4) Nâng cao vai trò xã hội và nghề nghiệp của ngư dân; (5) Thúc đẩy việc tiêu thụ thực phẩm địa phương; (6) Nâng cao nhận thức của cộng đồng về quản lý và bảo vệ đa dạng sinh học ven biển.

Ở Địa Trung Hải, du lịch câu cá được coi là một chiến lược tích cực nhằm giải quyết những thiệt hại ngắn hạn liên quan đến việc thành lập các Khu bảo tồn biển (Marine Protected Areas - MPAs) và cung cấp một nguồn thu nhập thay thế. Một hoạt động câu cá giải trí khác liên quan đến du lịch là các giải đấu. Các sự kiện này là các cuộc thi thể thao câu cá tạo ra doanh thu đáng kể cho cộng đồng địa phương, bằng cách thu hút các cần thủ tham gia thi đấu và tạo ra bầu không khí lễ hội cho những người tham dự. Ngoài các lợi ích liên quan đến du lịch, các giải đấu có thể làm tăng doanh thu từ giấy phép khai thác, quảng cáo, đồng thời có thể làm tăng doanh thu cho các nhà tài trợ. Các sự kiện này thường thu hút khách du lịch giàu có trên thế giới, với số tiền thưởng tại các sự kiện có thể lên tới hơn 4 triệu đô la Mỹ. Để thúc đẩy việc bảo tồn trò chơi câu cá (game fish) cũng như thực hành câu cá có trách nhiệm và bền vững, nhà tổ chức giải đấu đã phát triển các quy tắc câu cá theo hướng: Đánh bắt không giết và giảm thiểu tỷ lệ cá chết sau khi phóng thích cá câu được. Việc gắn thẻ cá và các sáng kiến ​​khoa học khác cũng được tuyên truyền, quảng bá rộng rãi tại các câu lạc bộ câu cá.

Vai trò của câu cá giải trí trong việc thu thập dữ liệu

Trong các cuộc thi câu cá, cá câu được sẽ được gắn thẻ và phóng thích về môi trường tự nhiên, sự hợp tác giữa người câu cá và nhà khoa học có thể rất hữu ích trong việc thu thập dữ liệu thủy sản. Những hợp tác này đã làm nảy sinh các dự án quan trọng như “Chương trình Thông tin Giải trí Biển” được tổ chức bởi Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (National Oceanic and Atmospheric Administration - NOAA). Trong dự án này, dữ liệu từ những người câu cá thông báo về số lượng cá có thể được khai thác cho cả hoạt động giải trí lẫn thương mại, mà không ảnh hưởng tiêu cực đến tính bền vững của nghề cá. Hiệp hội câu cá giải trí quốc tế “Great Marling Race” cũng đã thành công rực rỡ trong việc phát triển thẻ vệ tinh thông qua những người câu cá giải trí trên quy mô toàn cầu, điều này đã giúp đưa ra quyết định quản lý các đối tượng mục tiêu quan trọng trong hoạt động câu cá giải trí.

Trong tương lai, một bước hợp tác khác giữa người câu cá với nhà khoa học và nhà quản lý nghề cá có thể được thực hiện thông qua các ứng dụng (apps) được cài đặt trên điện thoại di động thông minh, phát triển trong cộng đồng ngư dân địa phương. Các ứng dụng này giúp thu thập nhiều loại dữ liệu, bao gồm điều kiện thời tiết, nhiệt độ nước biển, hướng dòng chảy, quy tắc câu cá, vị trí của các giải đấu cá và nhiều nội dung có liên quan khác.

Kết luận

Phát triển câu cá giải trí có thể mang lại lợi ích về môi trường, chẳng hạn như bảo vệ môi trường sống và nguồn lợi thủy sản, cũng như các sinh kế thay thế cho cộng đồng ngư dân. Sự hợp tác giữa các tổ chức cần thủ, các nhà quản lý, ngư dân đánh bắt cá thương mại và các nhà khoa học có tầm quan trọng rất lớn. Và các bên liên quan đánh bắt cá giải trí cần tích cực tham gia vào việc quản lý nghề cá để giúp phát triển các phương pháp quản lý liên ngành. Các nhà khoa học đã được hưởng lợi từ các hoạt động của người câu cá. Những người câu cá giúp các nhà khoa học thu thập dữ liệu thông qua các cuộc thi câu cá, gắn thẻ và thả cá. Việc phổ biến các phương pháp thu thập dữ liệu mới như cài đặt ứng dụng trên điện thoại thông minh là một bước tiến mới và thú vị, hướng tới việc tham gia nghiên cứu hoạt động câu cá giải trí, hỗ trợ các phương pháp thu thập dữ liệu truyền thống như số lượng giấy phép, số lượng cuộc điều tra nguồn lợi.

Việc kết hợp du lịch câu cá với cộng đồng ngư dân có thể mang lại lợi ích kinh tế và xã hội cho cộng đồng địa phương. Tuy nhiên, đối với từng cộng đồng cụ thể, cần phải xem xét nhiều yếu tố trước khi đi đến kết luận: Câu cá giải trí và các hoạt động du lịch liên quan là một sinh kế bền vững và khả thi cho cộng đồng. Bất kỳ hình thức kết hợp du lịch nào với cộng đồng ngư dân đều phải tôn trọng bản sắc và văn hóa của cộng đồng ngư dân, đồng thời thu hút sự hỗ trợ thực sự của các bên liên quan. Bên cạnh đó, cũng cần đánh giá các kỹ năng cần thiết để tạo ra một sản phẩm du lịch khả thi được đào tạo theo yêu cầu.

Cuối cùng, điều quan trọng cần nhấn mạnh là sự ra đời của du lịch và các chương trình quản lý môi trường liên quan thường làm giảm khả năng tiếp cận ngư trường của ngư dân đánh cá thương mại, tạo ra xung đột lợi ích giữa các bên. Vì lý do này và để phù hợp với “Hướng dẫn kỹ thuật của FAO đối với nghề cá có trách nhiệm, số 13 - Nghề cá giải trí” (FAO technical guidelines for responsible fisheries, no.13 Recreational Fisheries), ngành thủy sản chỉ nên thúc đẩy việc phân bổ cá cho hoạt động câu cá giải trí với điều kiện: Cộng đồng địa phương và ngư dân đánh cá thương mại không bị thiệt hại về kinh tế và không cản trở khả năng tiếp cận nguồn lợi thủy sản của những người nghèo nhất ở địa phương.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc