Bên cạnh đó, trong các thủy vực có tới trên 200 loài cá phân bố, đặc biệt có hơn 20 loài có giá trị kinh tế nằm trong sách đỏ Việt Nam như (Cá Mõm Trâu, Cá Thát Lát, Lăng đuôi đỏ, …). Tuy nhiên các loài thủy sản sống trong tự nhiên trên các hệ thống sông, hồ, kênh mương, ruộng trũng, … lại đang bị suy giảm nghiêm trọng cả về số lượng và sản lượng do các hoạt động đánh bắt thuỷ sản bằng kích điện, sử dụng lưới kích cỡ không đúng quy định, ...
Để nhằm tái tạo, bổ sung và phát triển nguồn lợi thủy sản, trong năm 2018 Ủy ban nhân dân tỉnh Đăk Lăk đã xây dựng Kế hoạch số 5241/KH-UBND về việc triển khai thực hiện Đề án Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản tại các thủy vực sông, hồ chứa trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
Thực hiện Kế hoạch 5241/KH-UBDN ngày 28/6/2018 của UBND tỉnh, trong 03 năm liên tục từ năm 2018 đến nay, Chi cục Thủy sản tỉnh Đăk Lăk đã duy trì việc thả cá bổ sung nguồn lợi tại các lưu vực sông, hồ chứa trên các địa phương trong tỉnh. Riêng năm 2020, Chi cục Thủy sản đã thả 50.000 con giống các loại bao gồm: Trắm cỏ, Chép, Mè và Cá Lăng đuôi đỏ. Việc thả cá bổ sung nguồn lợi được diễn ra từ ngày 21/9/2020 đến ngày 30/9/2020 tại các huyện Lăk, Krông Ana, Buôn Đôn, EaKar và EaHleo.
Đại diện các cơ quan ban ngành tham dự lễ thả cá tại Hồ EaDRăng – Huyện EaHleo
Trong các buổi lễ thả cá bổ sung nguồn lợi gồm có đại diện Sở Nông nghiệp & PTNT Tỉnh Đăk Lăk; Sở Tài nguyên & Môi trường; Tỉnh đoàn; Đài Phát thanh & Truyền hình, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an Tỉnh); Phòng Nông nghiệp huyện; Công an xã, thị trấn, Đoàn thanh niên địa phương; các Chi hội liên quan và đặc biệt là người dân sống bằng nghề thủy sản xung quanh thủy vực.
Trong các buổi lễ thả cá bổ sung nguồn lợi, Chi cục Thủy sản luôn lồng ghép việc tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con ngư dân trong các lưu vực sông, hồ chứa về nguy hại trong việc sử dụng các biện pháp khai thác thủy sản mang tính hủy diệt, sử dụng ngư cụ cấm, nghề cấm, không sử dụng lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, xung điện, hóa chất độc hại để đánh bắt thủy sản nhằm bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, từng bước tạo chuyển biến về nhận thức, hành động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Góp phần ổn định sản xuất, cải thiện đời sống cho nhân dân sống tại các vùng lưu vực.
Cá giống thả tại sông Krông Ana
Qua hoạt động này, nhằm kêu gọi các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác thủy sản và cộng đồng dân cư cùng chung tay bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, bổ sung vào quần thể các loài thủy sản bản địa tại các thủy vực tự nhiên, góp phần tạo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề khai thác thủy sản. Đây cũng là hành động tuyên truyền, kêu gọi người dân góp phần phát triển nghề khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững.
Nguyễn Thị Hồng Duyên