Thực trạng bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội
Những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND thành phố, Sở NN&PTNT Hà Nội, sự phối hợp của các ngành liên quan đã hình thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung quy mô lớn tại các huyện: Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Chương Mỹ, Thường Tín, Ba Vì... Các hộ phát triển NTTS theo hướng thâm canh, bán thâm canh mở rộng quy mô và ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, nên năng suất sản lượng thủy sản đều tăng qua các năm. Năm 2019 diện tích đưa vào nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Thành phố đạt 22.400 ha, tổng sản lượng đạt 120.000 tấn (sản lượng tăng 19,6 % so với năm 2015).
Tuy nhiên các loài thủy sản sống trong tự nhiên trên các hệ thống sông, hồ, kênh mương, ruộng trũng,… lại đang bị suy giảm nghiêm trọng cả về số lượng và sản lượng do các hoạt động khai thác, đánh bắt thuỷ sản bằng kích điện, sử dụng lưới kích cỡ không đúng quy định,...Bên cạnh đó là tình trạng môi trường nước ao, hồ, sông, kênh mương bị ô nhiễm do các loại nước thải; các loại thuốc, hóa chất dùng trong nông nghiệp gây ra đã tác động xấu tới sự sinh sản, phát triển của các loài thủy sản. Trong những năm qua, sản lượng thủy sản khai thác tại Hà Nội có xu hướng giảm dần qua các năm. Năm 2019, tổng sản lượng thủy sản khai thác trên địa bàn Thành phố đạt 1,76 nghìn tấn (giảm 16 % so với năm 2015).
Thành phố Hà Nội có có nhiều sông, hồ lớn chảy qua như Sông Đà, sông Hồng, sông Cầu, sông Cà Lồ, hồ Suối Hai, hồ Đồng Mô, hồ Quan Sơn,... có thể khai thác và phát triển lồng, bè; Khu hệ động, thực vật trong các hệ sinh thái đặc trưng của Hà Nội khá phong phú và đa dạng, nhiều loài có giá trị kinh tế, một số loài quý hiếm có tên trong sách Đỏ Việt Nam.
Bên cạnh đó, được sự quan tâm chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở NN&PTNT, sự phối hợp của các ngành liên quan về công tác đầu tư phát triển thủy sản, công tác Bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản được UBND thành phố; Sở Nông nghiệp và PTNT quan tâm chỉ đạo và bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định. Công tác phát triển nuôi trồng thủy sản đã đạt được những tiến bộ nhất định: Nhiều hộ phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh, bán thâm canh mở rộng quy mô và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ổn định và tăng hiệu quả kinh tế; Trung ương, Thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản; đã hình thành được nhiều các vùng nuôi tập trung quy mô lớn.
|
Mặc dù vậy, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn còn một số khó khăn như: còn có nơi, chính quyền địa phương chưa tập trung trong công tác bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn. Một bộ phận người dân chưa nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình đối với việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tình hình ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều thủy vực. Việc sử dụng kích điện, lưới có cỡ mắt lưới nhỏ hơn quy định để khai thác thủy sản vẫn còn diễn ra ở một số nơi; nguồn lợi thủy sản trong tự nhiên bị suy giảm nhiều. Tuy việc thả cá tái tạo nguồn lợi được thực hiện hàng năm nhưng mới phục hồi được một phần nhỏ, cần có sự tham gia của các cấp, các ngành và huy động nguồn lực xã hội hóa cho hoạt động này.
Thực hiện Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 13/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020; Kế hoạch số 178/KH-UBND ngày 17/9/2015 của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2015-2020, Sở Nông nghiệp & PTNT giao Chi cục Thủy sản triển khai, thực hiện nhiều hoạt động cụ thể để Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn Thành phố như đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến người dân về công tác thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, nghiêm cấm việc sử dụng xung điện, kích điện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản, tuyên truyền việc nghiêm cấm các hoạt động nuôi, kinh doanh, thả phóng sinh các loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại (tôm càng đỏ, tôm hùm nước ngọt, rùa tai đỏ...), công tác thả giống được Chi cục tổ chức hàng năm trên các sông hồ lớn (sông Hồng, Sông Đáy, Sông Tích, hồ Đồng Mô, hồ Xuân Khanh,...) với nhiều đối tượng thủy sản bản địa, có giá trị kinh tế và giá trị bảo tồn cao như cá Chày mắt đỏ, trắm đen, cá ngạnh, ...
Một số hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản năm 2019
Năm 2019, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với UBND huyện, UBND các xã tổ chức các hội thảo tuyên truyền Bảo vệ rùa Hoàn Kiếm tại hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh; tuyên truyền về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản; hội thảo về công tác quản lý thủy sinh vật ngoại lai xâm hại và tác hại của chúng; phát thanh trên đài truyền thanh các xã về tác hại của thủy sinh vật ngoại lai xâm hại và biện pháp kiểm soát, diệt trừ các loài trên. In và phát tờ rơi về công tác bảo vệ nguồn lợi; bảo vệ Rùa Hoàn Kiếm trên hồ Đồng Mô và Xuân Khanh và công tác quản lý thủy sinh vật ngoại lai xâm hại.
|
Bên cạnh đó, phối hợp với các tổ chức IMC, WCS tổ chức Hội thảo “Điều tra, khảo sát, xác minh số lượng, giới tính các cá thể rùa Hoàn Kiếm tại các hồ Xuân Khanh và Đồng Mô”. Thu mẫu đánh giá trữ lượng thủy sản tại hồ Xuân Khanh và thu mẫu các giống loài thủy sản hồ Đồng Mô để đánh giá nguồn lợi cá quý hiếm và thủy sinh vật ngoại lai xâm hại. Phối hợp với UBND huyện Thanh Oai, UBND xã Cao Dương tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản nhân kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống ngành thủy sản. Tổ chức thành công Lễ mít tinh về Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại xã Xuân Sơn – thị xã Sơn Tây và thả giống cá chày mắt đỏ, cá chép, cá trắm đen, cá ngạnh ra hồ Xuân Khanh nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản tại hồ. Chi cục còn phối hợp với các xã tiến hành thả cá chày mắt đỏ, cá chép, cá trắm đen, cá ngạnh ra sông Hồng, sông Đáy, sông Tích, suối Yến, hồ Suối Hai, hồ Đồng Sương, hồ Quan Sơn, hồ Đồng Quang,.. Phối hợp với Tổng cục Thủy sản, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, UBND phường Bồ Đề thả cá phóng sinh tại địa phận sông Hồng, chùa Bồ Đề, phường Bồ Đề, quận Long Biên nhân ngày Lễ Phật Đản. Phối hợp với Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội xây dựng các phóng sự tuyên truyền về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, công tác quản lý thủy sinh vật ngoại lai xâm hại, công tác bảo vệ Rùa Hoàn Kiếm trên hồ Đồng Mô và hồ Xuân Khanh.
Cùng với đó, Chi cục Thủy sản Hà Nội đã thực hiện công tác đánh giá nguồn lợi thủy sản tại hồ Đồng Mô. Kết quả bước đầu xác định thành phần loài cá phân bố tại hồ Đồng Mô gồm 35 loài thuộc 30 giống, 14 họ, 5 bộ. Trong đó bộ cá Chép chiếm ưu thế với 18 loài, chiếm 51%. Về giá trị bảo tồn, có 7 loài cá được ghi nhận có giá trị bảo tồn. Có hai loài có giá trị bảo tồn ghi trong Sách Đỏ Việt Nam, chiếm 5,7% là: cá Chuối hoa và cá Lăng chấm. Thực hiện công tác đánh giá trữ lượng thủy sản tại hồ Xuân Khanh bước đầu ghi nhận tại hồ Xuân Khanh có 37 loài thuộc 4 bộ, 16 họ, 32 giống, các loài cá xuất hiện tập trung bộ cá Chép với 15 loài chiếm 43%, tiếp đến là bộ cá Vược có 12 loài, chiếm 33%, bộ cá Nheo có 7 loài, chiếm 19%, thấp nhất là bộ Mang liền có 2 loài, chiếm 5%.
Một số kết quả trong 6 tháng đầu năm 2020
6 tháng đầu năm 2020, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đạt được một số kết quả như: Tham mưu, xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án thí điểm bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản lưu vực sông Đà khu vực hồ Hòa Bình giai đoạn 2020 – 2022 trên địa bàn Hà Nội trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt. Chi cục Thủy sản đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Hải sản và các tổ chức phi chính phủ (WCS, IMC) thực hiện công tác khảo sát nền đáy tại hồ Đồng Mô, thị xã Sơn Tây để xây dựng phương án khoanh vùng, quây lưới, bẫy bắt rùa.
Tổ chức hội nghị thống nhất phương án điều tra, khảo sát, xác minh số lượng, giới tính các cá thể rùa Hoàn Kiếm (để triển khai Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 22/10/2018 của UBND thành phố Hà Nội về việc bảo tồn các cá thể Giải Sin hoe – rùa Hoàn Kiếm tại các hồ Đồng Mô, Xuân Khanh) tại Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội ngày 10/3/2020. Thực hiện thả cá giống một số đối tượng (chép, chày, trôi, trắm đem, ngạnh) nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản tại các địa điểm (sông Hồng, sông Đáy, sông Tích, hồ Đồng Sương, hồ Xuân Khanh, hồ Suối Hai).
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội đã phối hợp với Tổng cục thủy sản, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiến hành Lễ thả cá phóng sinh tái tạo nguồn lợi thủy sản hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5/6) tại chùa Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền: In phát tờ rơi, xây dựng và phát các phóng sự truyền hình, phát thanh trên đài truyền thanh xã, tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn cho người dân về: về công tác thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản; nghiêm cấm việc sử dụng xung điện, kích điện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản; tuyên truyền việc nghiêm cấm các hoạt động nuôi, kinh doanh, thả phóng sinh các loài thủy sinh vật ngoại lai xâm hại (tôm càng đỏ, tôm hùm nước ngọt, rùa tai đỏ...); các hoạt động bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm, bảo vệ rùa Hoàn Kiếm. Thực hiện công tác đánh giá nguồn lợi thủy sản tại hồ Suối Hai và Đồng Sương (thu mẫu, phân loại các loài động, thực vật thủy sinh trong hồ; điều tra, thu thập thông tin từ chủ hồ, người dân khai thác thủy sản, người dân địa phương xung quanh hồ, cán bộ quản lý hồ…).
Thu Hiền