Báo động “những rạn san hô bị tẩy trắng” (04-07-2024)

 San hô là một phần quan trọng của hệ sinh thái biển, đóng vai trò cung cấp nơi sinh sống và nguồn thức ăn cho nhiều loài sinh vật biển. Theo ước tính của Tổ chức Rạn San hô Quốc tế ICRI năm 2020, các rạn san hô có thể đem tới doanh thu khoảng 2,7 nghìn tỷ USD từ hàng hóa và dịch vụ mỗi năm. Chúng thu hút khách du lịch, bảo vệ ven biển khỏi bão và hỗ trợ ngành đánh bắt cá ven biển. Tuy nhiên, hiện tượng san hô bị tẩy trắng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển trên toàn cầu.
Báo động “những rạn san hô bị tẩy trắng”
Ảnh 1: Rạn san hô giúp phát triển du lịch địa phương

Các nhà khoa học cho biết, đây là lần thứ 4 xảy ra hiện tượng tẩy trắng san hô trên quy mô toàn cầu trong thời gian 3 thập kỷ qua. Tổ chức Rạn San hô Quốc tế (International Coral Reef Initiative - ICRI) cho biết thêm: hiện tượng tẩy trắng san hô hiện đang xảy ra mạnh mẽ ở cả ba lưu vực đại dương bao gồm Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương trong khoảng thời gian 1 năm qua. Đây được đánh giá là đợt tẩy trắng san hô toàn cầu lớn nhất từ trước đến nay.

Quá trình tẩy trắng san hô xảy ra khi nhiệt độ nước biển nóng lên bất thường khiến các rạn san hô đẩy tảo ra khỏi cơ thể. Nếu thiếu các loại tảo đầy màu sắc này, san hô sẽ thiếu đi chất dinh dưỡng, nhạt màu dần và không thể tồn tại. Nếu san hô chết, hệ sinh thái biển sẽ mất cân bằng, đe dọa các sinh vật và chuỗi thức ăn phụ thuộc vào chúng.

Trong năm 2023 vừa qua, nhiệt độ mặt nước biển đã tăng kỷ lục do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Các nhà khoa học lo ngại nhiều rạn san hô sẽ không thể phục hồi sau đợt nóng gay gắt và kéo dài. Theo dự đoán trước đó, khoảng 70 - 90% rạn san hô sẽ mất nếu thế giới nóng lên 1,5 0C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là điều đáng quan ngại trong tình trạng nhiệt độ Trái đất ngày càng tăng và đã nóng lên 1,2 0C.

Nhà sinh thái David Obura, Trung tâm Phát triển và Nghiên cứu Duyên hải Ấn Độ Dương Đông Phi, thành phố Mombasa, Kenya lo ngại các rạn san hô đang rơi vào tình trạng suy giảm không ngừng. Nếu không ngăn chặn được lượng khí thải carbon, Trái đất vẫn tiếp tục nóng lên, khí hậu vẫn tiếp tục thay đổi và san hô vẫn tiếp tục bị tẩy trắng.

San hô bị tẩy trắng chủ yếu do nước biển ấm lên, nhưng các nguyên nhân khác có thể dẫn đến hiện tượng này còn có thể là do ô nhiễm môi trường: Chất thải công nghiệp, chất thải nông nghiệp và nước thải sinh hoạt đổ ra biển gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của san hô. Ngoài ra việc sử dụng chất nổ, chất độc và khai thác quá mức các loài cá gây hại đến môi trường sống của san hô. Hoặc việc tăng nồng độ CO2 trong không khí làm nước biển trở nên axit hơn cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển của san hô.

San hô là nơi sinh sống của nhiều loài sinh vật biển. Khi san hô chết, nhiều loài cũng mất đi nơi ở, bãi đẻ và nguồn thức ăn. San hô chết cũng ảnh hưởng đến các hoạt động ngư nghiệp và du lịch biển, gây thiệt hại kinh tế cho các cộng đồng ven biển. Ngoài ra, san hô có khả năng giảm sức mạnh của sóng biển, bảo vệ bờ biển khỏi xói mòn. Khi san hô chết làm tăng nguy cơ xói mòn và ngập lụt.

Suy thoái rạn san hô tại Việt Nam

Theo báo cáo của Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (U.S National Oceanic and Atmospheric Administration's - NOAA), có ít nhất 54 quốc gia và vùng lãnh thổ đã gặp phải tình trạng tẩy trắng san hô hàng loạt kể từ tháng 2/2023. Tại Việt Nam, hiện tượng san hô bị tẩy trắng cũng đang diễn ra nghiêm trọng. Các khu vực như vịnh Nha Trang, quần đảo Trường Sa, Côn Đảo và Phú Quốc đều ghi nhận hiện tượng san hô bị tẩy trắng.

Vào tháng 3/2022, nhiều du khách sau khi tham gia dịch vụ lặn biển ngắm san hô tại điểm du lịch dã ngoại biển đảo kỳ thú Hòn Sẹo ở xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn đã tỏ ra thất vọng bởi rạn san hô ở khu vực này gần như vắng bóng. Tại vịnh Nha Trang, kết quả công bố năm 2020 cho thấy, tỷ lệ san hô cứng bị tẩy trắng lên đến 39,5%.

Ngày 30/5/2024, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo thông tin một phần diện tích san hô tại các vùng biển như Vịnh Côn Sơn, Hòn Bảy Cạnh, Hòn Cau... đang gặp tình trạng tẩy trắng và chết với tỷ lệ đáng báo động. Theo Viện Hải dương học Nha Trang, hiện tượng san hô tẩy trắng trên diện rộng là hậu quả của việc nhiệt độ nước biển gia tăng bất thường vượt ngưỡng 30 0C, dẫn đến tảo cộng sinh trong san hô rời khỏi cơ thể san hô, làm cho khung xương san hô bị mất màu.

Sự suy thoái rạn san hô là kết quả bởi nhiều yếu tố tác động. Trong đó, các yếu tố như tăng nhiệt độ toàn cầu, mưa bão, sự bùng phát của các loài địch hại ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe hệ sinh thái. Được biết, nhiệt độ sống lý tưởng của san hô dao động từ 24 đến 30 0C. Trong khi, nhiệt độ nước tầng đáy của vùng biển Côn Đảo do cơ quan chức năng ghi nhận lên tới 31 0C, nghi do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino làm nước biển tầng đáy nóng lên.

Ngoài tác động của thiên nhiên, thì việc làm của một số cá nhân có ý thức chưa cao cũng góp phần làm cho san hô bị tổn hại. Vùng biển Việt Nam có rất nhiều khu vực san hô sinh sống và phát triển thành một quần thể đa dạng, phải kể đến: đảo Phú Quốc (Kiên Giang), Cát Bà (Hải Phòng), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Hòn Chồng (Nha Trang, Khánh Hòa)... nên các vùng biển này đều là những điểm đến hấp dẫn du khách yêu lặn biển.

Ảnh 2: Rạn san hô là nơi trú ngụ và bãi đẻ của nhiều loài động vật thủy sinh

Khi thời điểm thủy triều rút vào chiều tối, đặc biệt là vào ngày trăng tròn, các rạn san hô sẽ lộ rõ ra. Nhiều người dân và du khách vì tò mò đã lội ra xa bờ để ngắm san hô, chơi đùa, giẫm đạp lên san hô gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển và rạn san hô ở khu vực này. Không những vậy, một số du khách còn bẻ san hô, lấy san hô lên khỏi mặt nước để quay phim, chụp ảnh. Nhiều cơ sở kinh doanh còn lấy san hô làm quà lưu niệm bán cho du khách. Trên thực tế, nhiều người không biết san hô là những sinh vật sống và việc nhu cầu mua tăng cao đã thúc đẩy việc tàn phá hệ sinh thái này.

Vì vậy, bên cạnh các giải pháp nhằm cải thiện môi trường sống của của san hô như đầu tư nghiên cứu khoa học tìm ra nguyên nhân, giải pháp cho hiện tượng san hô bị tẩy trắng, thiết lập các chương trình giám sát môi trường biển để theo dõi tình trạng của san hô và kịp thời đưa ra các biện pháp ứng phó; quản lý chất thải, nước thải giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển, thiết lập các khu bảo tồn và thực hiện các chương trình phục hồi san hô thì việc nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của san hô, phát triển du lịch bền vững cũng hết sức quan trọng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Chu Hồi, một chuyên gia hàng đầu về tài nguyên môi trường biển, chia sẻ: “Ngành du lịch lặn biển ngắm san hô đã phát triển nhanh chóng nhưng lại thiếu sự quản lý và giám sát chặt chẽ. Nhiều dịch vụ lặn biển hoạt động tự phát, không cần chứng chỉ và không tuân thủ các quy định về bảo vệ san hô, dẫn đến việc khách du lịch giẫm đạp lên san hô hoặc tập trung quá đông tại một điểm, gây hại nghiêm trọng cho san hô. Đây là một vấn đề đã được cảnh báo từ lâu”.

San hô không chỉ có vẻ đẹp lộng lẫy mà còn mang lại giá trị to lớn cho hệ sinh thái biển, được ví như "rừng mưa nhiệt đới dưới biển". Chúng cung cấp nơi trú ẩn và sinh sản cho nhiều loài sinh vật biển. Ngoài ra, san hô còn có nhiều lợi ích kinh tế: bảo vệ bờ biển, thúc đẩy du lịch và hỗ trợ nghề cá. Nếu san hô suy giảm nghiêm trọng, hệ quả sẽ là sự suy giảm của nguồn lợi động vật đáy và cá. Một rạn san hô khỏe mạnh cần hàng nghìn, thậm chí triệu năm để phát triển. Khi bị tẩy trắng, san hô có thể không bao giờ hồi phục.

Để bảo vệ san hô hiệu quả, theo các chuyên gia bảo tồn, cần thực hiện các biện pháp giám sát, tuần tra thường xuyên tại các khu vực bảo vệ san hô, có thể lắp đặt camera và biển báo. Các cơ quan chức năng cần tăng cường khung pháp lý, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền và giáo dục ý thức cộng đồng tại các điểm du lịch. Cần nghiêm cấm các hoạt động giẫm đạp lên san hô, neo đậu tàu thuyền và đánh bắt cá trong các khu vực bảo vệ. Giải pháp tạm thời là đóng cửa các khu vực rạn san hô bị suy thoái và bảo vệ nghiêm ngặt các khu vực còn san hô tồn tại.

Hải Đăng 

Ý kiến bạn đọc

Tin khác