Mục tiêu chung của Đề án là hướng tới ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, nhằm tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi liên hệ công tác; ứng dụng công nghệ số để số hóa dữ liệu quản lý, hướng đến tự động hóa trong quy trình thu thập - xử lý - báo cáo - lưu trữ hệ thống dữ liệu thống kê thuộc lĩnh vực trồng trọt - bảo vệ thực vật, chăn nuôi - thú y - thủy sản, kiểm lâm, phát triển nông thôn, thủy lợi, nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn, khuyến nông, nông thôn mới, OCOP, thanh tra chuyên ngành - quản lý chất lượng,… góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành.
Đồng thời, ứng dụng công nghệ số để số hóa quy trình sản xuất an toàn, hình thành mạng lưới quan sát - quan trắc, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất và đảm bảo thông tin truy xuất được thuận tiện, minh bạch, chính xác; dần tiến đến chuyển đổi số toàn diện trong sản xuất nông nghiệp, hình thành mạng lưới quan sát - quan trắc tự động phục vụ hoạt động chuyển dịch sản xuất theo hướng kinh tế nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ứng dụng công nghệ số để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu lớn về thổ nhưỡng, về đặc tính thích nghi của cây trồng, vật nuôi, thủy sản; về thông tin thị trường… phục vụ công tác định hướng phát triển vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, an toàn, tuần hoàn gắn hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm nông nghiệp góp phần tạo giá trị mới cho nông sản.
Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025: 100% thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến mức 4; 100% cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp quản lý được số hóa và cung cấp dữ liệu mở phục vụ người dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Hoàn thành cơ sở dữ liệu về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn theo các cấp quản lý (tỉnh, huyện, xã). Phát triển hệ sinh thái nông nghiệp số tích hợp hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành nông nghiệp đồng bộ từ cấp tỉnh, huyện, xã (thông qua phát triển hệ thống phần mềm, ứng dụng thiết bị thông minh) giúp quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp số, sẵn sàng tích hợp vào hệ thống dữ liệu của Tỉnh và Quốc gia.
Phấn đấu đến năm 2030, trên 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện; 100% cơ sở dữ liệu thuộc lĩnh vực ngành nông nghiệp quản lý (từ tuyến tỉnh, huyện, xã) được cung cấp dữ liệu mở dưới định dạng máy có khả năng đọc.
Theo đó, Đề án xác định 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính để chuyển đổi số ngành nông nghiệp, gồm: Phát triển nền tảng phục vụ chuyển đổi số ngành nông nghiệp (chuyển đổi nhận thức; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách; phát triển hạ tầng số; phát triển dữ liệu số; phát triển nền tảng số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; phát triển nhân lực cho chuyển đổi số); phát triển chính quyền số; phát triển hệ sinh thái nền tảng nông nghiệp số (phát triển phền mềm, ứng dụng thiết bị di động thông minh giúp quản lý nông nghiệp số; phát triển phần mềm, ứng dụng thiết bị di động thông minh giúp phát triển kinh tế nông nghiệp số); xây dựng mô hình ứng dụng đồng bộ công nghệ số, viễn thám và thiết bị giám sát mặt đất vào sản xuất.
Để triển khai các nhiệm vụ của Đề án, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp giao cho các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện các nội dung, cụ thể như sau:
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với Sở, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án này; là đầu mối theo dõi, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện Đề án; định kỳ ngày 15/12 hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; ban hành kế hoạch thực hiện Đề án hàng năm; tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch.
Sở Thông tin và truyền thông: Làm đầu mối tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi nông nghiệp theo lộ trình Đề án chuyển đổi số của tỉnh; đầu mối phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trong triển khai các nền tảng số toàn quốc; kết nối, tích hợp các cơ sở dữ liệu quốc gia để thu nhận, chia sẻ với các cơ quan sử dụng, cung cấp công khai và mở cho người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng.
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Căn cứ nhiệm vụ được phân công xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo chất lượng, tiến độ, hiệu quả; Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở, ngành, đơn vị liên quan trong việc thực hiện Đề án đảm bảo tính đồng bộ, kết nối, liên thông; có trách nhiệm chia sẻ dữ liệu do cơ quan, đơn vị mình quản lý về Kho dữ liệu dùng chung của Tỉnh phục vụ chia sẻ cho các cơ quan khác khai thác, sử dụng.
Các Sở, ban, ngành khác căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Ánh Nguyệt