Bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ và những thay đổi trong chinh sách nông nghiệp (03-12-2024)

Khi kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống năm 2024 đã xác định được chủ nhân mới của Nhà Trắng trong 4 năm tiếp theo, mọi sự quan tâm đều đổ dồn về những tác động mà cuộc bầu cử này có thể mang tới cho thị trường hàng hóa nói chung, thị trường nông – thủy sản nói riêng của Hoa Kỳ bởi những thị trường này rất nhạy cảm trước những thay đổi về chính sách và quy định của chính quyền liên bang. Mỗi tổng thống mới sẽ có những điều chỉnh trong chính sách thương mại và đối ngoại để phù hợp với những cam kết và mục tiêu mà mình đã đưa ra khi tranh cử. Và chúng chắc chắn sẽ có tác động mạnh tới thị trường hàng hóa toàn thế giới bởi Hoa Kỳ vẫn là một trong những đối tác quan trọng nhất của nền kinh tế toàn cầu. Những tác động đối với các chính sách về thực phẩm, nông nghiệp và các mặt hàng tiêu dùng khác đã trở thành mối quan tâm lớn của các cử tri tại cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2024.
Bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ và những thay đổi trong chinh sách nông nghiệp
Ảnh minh họa

Những thay đổi trong quan hệ thương mại của Hoa Kỳ có thể củng cố hoặc phá vỡ các mối quan hệ trong thị trường xuất khẩu nông sản. Các chính quyền trước đây đều có những thay đổi lớn về thuế quan và các hiệp định thương mại với các đối tác quan trọng, chẳng hạn như trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của Donald Trump, ông đã ký kết hiệp định thương mại tự do mới giữa Hoa Kỳ - Mexico - Canada (USMCA) thay cho Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và áp dụng chương trình thuế quan đặc biệt đối với Trung Quốc. Điều này đã tác động đáng kể đến nông dân Hoa Kỳ. Bất cứ sự thay đổi trong cách tiếp cận thương mại đều có thể làm gia tăng hoặc hạn chế khả năng tiếp cận của các sản phẩm nông nghiệp tới thị trường của Hoa Kỳ cũng như ở chiều ngược lại.

Chính quyền Trump đã đàm phán một thỏa thuận thương mại mới được gọi là Hiệp định Hoa Kỳ-Mexico-Canada (USMCA) vào năm 2018 để thay thế Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). USMCA đã thay thế NAFTA kể từ ngày 1 tháng 7 năm 2020 và duy trì chế độ thuế quan bằng 0 hiện có của NAFTA, mở rộng quyền tiếp cận của Hoa Kỳ vào thị trường sữa của Canada cũng như hợp tác về nông nghiệp công nghệ sinh học.

Năm 2018, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã bị chính quyền của Tổng thống Trump áp dụng mức thuế quan theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại năm 1974. Để phản ứng lại, Trung Quốc đã áp thuế đối với hàng hóa của Hoa Kỳ, bao gồm thịt lợn, trái cây và các loại hạt. Những hành động này đã châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong một thời gian dài, liên quan đến các đợt leo thang thuế quan ăn miếng trả miếng giữa hai bên. Chính sách thuế quan và nông nghiệp của chính quyền Tổng thống Trump còn tác động đến Đạo luật Nông trại, với những quy định liên quan đến các khoản trợ cấp cho những nông dân trồng đậu nành xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Bên cạnh đó, chính quyền Trump còn thông qua USDA để cung cấp hỗ trợ tài chính cho những người đánh bắt tôm hùm của Hoa Kỳ nhằm bù đắp cho khoản thu nhập bị mất do Trung Quốc áp dụng mức thuế trả đũa đối với mặt hàng tôm hùm của Mỹ vào năm 2019. Vào cuối nhiệm kỳ của mình, Donald Trump đã ký thỏa thuận thương mại “Giai đoạn Một” với Trung Quốc, theo đó Trung Quốc đồng ý tăng mua hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ thêm 200 tỷ USD trong hai năm, trong khi Hoa Kỳ đồng ý giảm một số mức thuế quan.

Kết quả của cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ có ý nghĩa quan trọng đối với thị trường nông sản toàn cầu. Chính sách thương mại mới của Hoa Kỳ sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với các lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm, đặc biệt liên quan đến chương trình nghị sự về quy định và tiêu chuẩn môi trường. Ngoài ra, các vấn đề lao động và nhập cư cũng thể hiện sự khác biệt rõ rệt giữa chính quyền mới và cũ của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, vẫn chưa có bất cứ cam kết nào về việc liệu các chính sách nông nghiệp và thực phẩm sẽ đi theo một hướng nhất quán hay không. Các đề xuất dưới thời chính quyền Trump trong nhiệm kỳ đầu liên quan đến việc tăng khoảng 60% thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã ảnh hưởng đến nhiều loại hàng hóa. Điều này đã gây ra các mức thuế quan trả đũa từ Trung Quốc nhắm vào hàng nhập khẩu nông sản của Hoa Kỳ, đặc biệt là đậu nành.

Đối với chính quyền của Tổng thống Biden, phần lớn mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc vẫn được duy trì giống như thời chính quyền tiền nhiệm. Điểm khác biệt lớn nhất là mức thuế thép và nhôm được triển khai vào tháng 5 năm 2024, chính quyền Biden vẫn duy trì giống như mức thuế đã áp dụng trong thời gian Trump tại nhiệm. Tuy nhiên, chính quyền Biden đã áp dụng thêm các lệnh trừng phạt đối với Nga, bao gồm các hạn chế đối với hàng xuất khẩu của Hoa Kỳ sang Nga. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, lạm phát vẫn là mối quan tâm hàng đầu của cả các tập đoàn và người tiêu dùng. Kể từ năm 2019, giá thực phẩm đã tăng 28%. Giá các mặt hàng như trứng, thịt bò, trái cây và các mặt hàng tạp hóa chủ lực khác đều tăng ít nhất 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tác động của cuộc bầu cử đối với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, đặc biệt là liên quan đến các cường quốc như Trung Quốc và Nga, rất quan trọng đối với thị trường nông nghiệp. Ví dụ, cuộc chiến tranh Nga - Ukraine đang diễn ra đã làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu nông sản toàn cầu, khiến giá hàng hóa tăng cao. Chính sách của Hoa Kỳ có thể làm giảm bớt hoặc làm trầm trọng thêm những thách thức về chuỗi cung ứng này, tùy thuộc vào cách tiếp cận đối với các lệnh trừng phạt, liên minh và giải quyết xung đột.

Các vấn đề địa chính trị có thể tác động lớn đến giá hàng hóa nông nghiệp, thương mại và an ninh lương thực. Kết quả của cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ cũng có ý nghĩa quan trọng đối với thị trường nông nghiệp toàn cầu. Bất cứ động thái nào của Hoa Kỳ đối với các cuộc xung đột lớn trên thế giới đều có khả năng tác động mạnh tới quá trình sản xuất nông nghiệp, giá hàng hóa và vận chuyển. Thứ hai, nó có thể dẫn đến những thay đổi lớn trong chính sách thương mại của Hoa Kỳ, bao gồm việc áp thuế đối với các quốc gia như Trung Quốc và các thị trường xuất khẩu lớn khác đối với hàng hóa nông nghiệp của Hoa Kỳ.

Đối với ngành Thủy sản Việt Nam, nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump được dự đoán sẽ có cả cơ hội lẫn thách thức đến từ các chính sách thương mại của chính quyền mới tác động đến thị trường Hoa Kỳ và mô hình thương mại toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc có dấu hiệu sẽ quay trở lại.

Trong những năm gần đây, mặc dù thường xuyên phải chịu mức thuế quan cao khi tiếp cận thị trường Hoa Kỳ, song các sản phẩm thủy sản Việt Nam vẫn có sức hút mạnh mẽ tại thị trường số một thế giới này, mang về giá trị xuất khẩu từ 1,5 - 2,1 tỷ USD mỗi năm. Với việc hàng nhập khẩu từ Trung Quốc vào Hoa Kỳ có khả năng giảm trong nhiệm kỳ tới, Việt Nam có thể tìm thấy cơ hội tiếp cận thị trường Hoa Kỳ nhiều hơn, tạo ra triển vọng tăng trưởng cho các nhà xuất khẩu thủy sản trong tương lai.

Tuy nhiên, các chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ, bao gồm thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp, cùng với các quy định kỹ thuật ngày càng cao yêu cầu các nhà xuất khẩu Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt nếu muốn hiện diện lâu dài tại thị trường này. Các quy định về an toàn thực phẩm chặt chẽ hơn của chính quyền Tổng thống Trump cũng có thể làm tăng chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải ưu tiên tính bền vững và chất lượng, tuân thủ các tiêu chuẩn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và các hoạt động chuỗi cung ứng minh bạch, xây dựng lòng tin với các nhà phân phối và người tiêu dùng Hoa Kỳ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam được khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế được công nhận như GlobalGAP và ASC, cho phép các sản phẩm thủy sản Việt Nam tăng tính cạnh tranh bền vững tại thị trường Hoa Kỳ. Trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 1,5 tỷ USD, đưa thị trường Hoa Kỳ lên vị trí đầu tiên trong số các nước nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam, bên cạnh Trung Quốc.

Hương Trà (theo seafoodnews)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác