Kiên Giang: Đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc thủy sản thông qua eCDT (09-08-2024)
Cùng với việc mạnh tay xử lý các tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), hoàn thiện khung pháp lý, tăng cường công tác quản lý đội tàu, tỉnh Kiên Giang đang tích cực ứng dụng công nghệ số vào kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác thông qua hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử (eCDT).
Ảnh minh họa
Kiên Giang là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên của Việt Nam chủ động mời Cục Thủy sản và đơn vị tư vấn dự án eCDT về địa phương để triển khai tập huấn, hướng dẫn ngư dân áp dụng phần mềm này vào công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản cập cảng. Việc triển khai hệ thống phần mềm eCDT đã giúp cơ quan quản lý nhà nước quản lý đội tàu, sản lượng cập bến của từng địa phương hiệu quả hơn (ngay cả các tàu đó cập cảng và bốc dỡ tại các cảng thuộc địa phương khác). Đồng thời góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của ngư dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định pháp luật về chống khai thác IUU.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, sau hơn 4 tháng triển khai thực hiện, tỉnh đã tiến hành hướng dẫn, cài đặt 679 tài khoản eCDT cho tàu cá, với 820 lượt tàu xuất cảng, 232 lượt tàu khai báo nhập cảng; trong đó, tại cảng cá Tắc Cậu có 620 tàu cá đã cài đặt tài khoản eCDT, với 162 lượt tàu khai báo cập cảng, 676 lượt tàu khai báo xuất cảng. Cảng cá An Thới có tổng số 77 tàu cá đã cài đặt tài khoản eCDT. Ban quản lý cảng cá Kiên Giang cấp 24 giấy biên nhận bốc dỡ qua hệ thống eCDT, với sản lượng 104.501kg; cấp10 giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản (SC) qua hệ thống eCDT với sản lượng 54.050kg; cấp 1 giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác CC cho 1 doanh nghiệp với 1.400kg sản phẩm thủy sản.
Đánh giá kết quả bước đầu sau thời gian triển khai, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Kiên Giang cho biết: “Việc áp dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản eCDT tạo điều kiện cho tàu cá xuất, nhập cảng nhanh chóng, xác nhận sản lượng, chứng nhận sản lượng cho doanh nghiệp cũng dễ dàng. Đối với Ban quản lý cảng cá tỉnh, việc áp dụng phần mềm này giúp rút ngắn thời gian xác nhận, chứng nhận và đáp ứng được nhu cầu cập cảng lên cá của các tàu cá”. Đối với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản, phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản được triển khai giúp doanh nghiệp giảm thời gian để xác nhận chứng nhận, minh bạch, truy xuất được nguồn gốc nguyên liệu một cách dễ dàng. Khi có yêu cầu của đối tác nhập khẩu, các đoàn thanh tra, kiểm tra nguồn gốc thủy sản chế biến xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ cung cấp dễ dàng, không mất nhiều thời gian.
Một thuyền trường tàu thu mua thủy sản tại Châu Thành cho biết: “Phần mềm eCDT giúp ích rất nhiều cho ngư dân trong việc khai báo tàu xuất, nhập cảng, ít tốn thời gian hơn trước. Phần mềm còn tích hợp ghi nhật ký khai thác thủy sản điện tử, giúp ngư dân ghi chép đầy đủ, chính xác, sản lượng đánh bắt thay cho cách ghi nhật ký khai thác bằng tay như trước đây”. Tuy nhiên, hệ thống phần mềm eCDT vẫn khá mới mẻ đối với ngư dân Kiên Giang, các chủ tàu, nhất là các thuyền trưởng vẫn còn rất bỡ ngỡ khi bước đầu tiếp cận phần mềm. Một số tàu cá chưa quan tâm thực hiện, chưa có chế tài xử lý nếu không truy cập hệ thống. Hệ thống còn gặp nhiều lỗi kỹ thuật.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, việc triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử eCDT đang trong quá trình vừa vận hành vừa chỉnh sửa nên sẽ gặp nhiều vướng mắc. Trước mắt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục mở các lớp tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm eCDT cho ngư dân, chủ tàu, doanh nghiệp tại các cảng cá chỉ định; mở rộng cho các bến cá địa phương áp dụng hệ thống phần mềm eCDT để truy xuất nguồn gốc thủy sản.
Ngọc Thúy (theo KGO)