Thương hiệu nước mắm Phú Quốc (07-11-2016)

Vùng biển Kiên Giang có diện tích ngư trường rộng khoảng 63.290 km2, bờ biển có chiều dài trên 200 km, với 137 hòn, đảo nằm rải rác khắp vùng biển tạo thành 05 quần đảo; hàng năm ít gió, bão, nhiệt độ ấm quanh năm là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành khai thác hải sản. Đặc biệt, sản phẩm khai thác thủy sản đã góp phần tạo nên thương hiệu của nước mắm Phú Quốc nổi tiếng như ngày nay.
Thương hiệu nước mắm Phú Quốc

Theo số liệu thống kê, sản lượng cá cơm khai thác trung bình hàng năm đạt từ 18.000 – 20.000 tấn, chủ yếu phục vụ cho các nhà thùng chế biến nước mắm (chiếm 70-80% sản lượng khai thác) và các doanh nghiệp chế biến khô cá cơm  (chiếm từ 20-30% sản lượng khai thác tùy theo từng thời điểm).

Theo thông tin từ Hội nước mắm Phú Quốc, trước đây các tàu khai thác cá cơm chủ yếu theo phương pháp truyền thống (các nghề lưới vây ngời, vây ngày) và ngư trường khai thác chủ yếu quanh đảo Phú Quốc là đủ sản lượng để chế biến nước mắm. Tuy nhiên, trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nguồn nguyên liệu cá cơm không đáp ứng đủ cho sản xuất nước mắm, do đó một số nhà thùng ở Phú Quốc đã giải thể. Năm 2001, trên địa bàn huyện Phú Quốc có 68 hộ sản xuất nước mắm; năm 2011-2012 tăng lên 100 hộ, nhưng đến đầu năm 2016 chỉ còn lại 56 hộ (giảm hơn 40%).

Trong thời gian từ năm 2011 – 2012, sản lượng nước mắm sản xuất tại Phú Quốc hàng năm đạt khoảng 25 – 30 triệu lít/năm (bình quân 30 độ đạm), tương đương với khoảng trên 40.000 tấn cá nguyên liệu. Tuy nhiên, tình hình hiện nay sản lượng cá cơm nguyên liệu được đưa vào chế biến nước mắm chỉ đáp ứng được 50 – 60% nhu cầu sản xuất, dự kiến sản lượng nước mắm chỉ đạt khoảng 20 triệu lít/năm.

Trước đây cá cơm Phú Quốc sau khi được khai thác đưa lên tàu, được bảo quản bằng cách ướp muối. Tỷ lệ cá và muối giống như khi muối cá để đưa vào thùng ủ nước mắm.

Tuy nhiên, thời gian gần đây có thêm một số thương lái ngoài tỉnh thu mua cá cơm tươi với giá cao hơn, dùng hình thức bảo quản lạnh đưa vào bờ để chế biến xuất khẩu. Việc này đã đẩy giá giá cơm lên cao (17.000 – 18.000 đồng/kg), trong khi giá cá cơm ướp muối để đưa vào chế biến nước mắm Phú Quốc chỉ khoảng 10.000 – 11.000 đồng/kg); gây ra cạnh tranh về giá cả với các nhà thùng chế biến nước mắm Phú Quốc.

Do khó khăn về nguyên liệu, nên một số nhà thùng sản xuất nước mắm ở đây đã đầu tư đóng tàu đi khai thác cá cơm để chủ động nguồn nguyên liệu chế biến nước mắm đạt chất lượng cao.

Bên cạnh đó, để các doanh nghiệp chế biến nước mắm Phú Quốc chủ động được nguồn nguyên liệu cá cơm, UBND tỉnh đã tạo điều kiện ưu tiên cho các Doanh nghiệp này được hưởng các chính sách về đóng mới tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Đến nay, một số doanh nghiệp đã được hưởng chính sách theo Nghị định 67 như: Doanh nghiệp nước mắm Khải Hoàn (4 chiếc), Doanh nghiệp nước mắm Liên Hiệp, Doanh nghiệp nước mắm Hải Nguyên…

Văn Thọ

Ý kiến bạn đọc

Tin khác