Thị trường cá hồi thế giới: Nguồn cung khan hiếm ảnh hưởng đến giá cả (05-05-2023)

Theo báo cáo mới đây của FAO, nguồn cung cá hồi trên thị trường thế giới khan hiếm, điều này sẽ ảnh hưởng đến giá cả. Cùng với đó, một số thay đổi quan trọng (về thuế suất, luật khai thác thủy sản...) có thể ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển của các nhà sản xuất.
Thị trường cá hồi thế giới: Nguồn cung khan hiếm ảnh hưởng đến giá cả
Ảnh minh họa

Sản lượng cá hồi hạn chế, nhất là trong 6 tháng đầu năm 2022, trong khi nhu cầu cao đã tác động mạnh đến giá cả. Những diễn biến trong nền kinh tế - chính trị toàn cầu như lạm phát cao và cuộc chiến giữa Ukraine và Nga tiếp tục tác động trực tiếp đến ngành hàng cá hồi. Các quốc gia sản xuất chính đang trải qua thời điểm thực sự bất ổn với những hệ quả xấu có thể xảy ra liên quan đến (i) việc sửa đổi thuế suất áp dụng cho thủy sản nuôi của Na Uy và ở Quần đảo Faroe, và (ii) các cuộc thảo luận về những điều luật mới trong hoạt động khai thác thủy sản ở Chile.

Cá hồi Đại Tây Dương

Nguồn cung cá hồi Đại Tây Dương nuôi trên thế giới được ước tính là sụt giảm trong năm 2022, đặc biệt là 6 tháng đầu của năm. Theo Rabobank, một số cải thiện sản xuất trong nửa cuối năm có thể bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung trong 6 tháng đầu năm, nhưng mức tăng trưởng nhìn chung của cả năm 2022 sẽ là thấp nhất kể từ năm 2016. Kịch bản nguồn cung khan hiếm này với nhu cầu mạnh mẽ trên thị trường cá hồi thế giới sẽ hỗ trợ giá cá tăng cao (ít nhất là trong 6 năm).

Sản lượng thu hoạch tốt trong năm 2021 ở Na Uy với mức tăng trưởng 11%, đã không lặp lại trong năm 2022.

Tại Chile, sản lượng thu hoạch cá hồi Đại Tây Dương trong nửa đầu năm 2022 đạt 352.300 tấn, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Loài này chiếm 47,7% tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản của cả nước. Nhà sản xuất cá hồi thứ hai trên toàn thế giới cũng ghi nhận sự sụt giảm trong sản lượng nuôi trồng thủy sản, trong khi đó, một số nhà phân tích quan sát thấy các đối thủ cạnh tranh chính đang có kế hoạch mở rộng sản xuất trong trung hạn. Theo đó, Chile không nên chậm trễ, nếu không muốn để mất thị phần thế giới hoặc giảm khả năng cạnh tranh. Chile được khuyến cáo lựa chọn tăng trưởng kinh tế và sản xuất theo hướng bền vững hơn.

Cá hồi nuôi khác

Tại Chile, sản lượng thu hoạch cá hồi vân (rainbow trout) trong 6 tháng đầu năm 2022 là 34.500 tấn, chỉ thấp hơn 0,8% so với 6 tháng đầu năm ngoái. Đối tượng thu hoạch duy nhất tăng ở Chile là cá hồi coho, đạt 52.400 tấn, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái (+32%).

Cá hồi khai thác

Phân tích chỉ ra rằng nguồn cung cá hồi nuôi khan hiếm, giá cá hồi nuôi tăng và chi tiêu hộ gia đình cao dường như là cơ hội cho các loài cá hồi Thái Bình Dương được đánh bắt trong tự nhiên có thể lấp đầy khoảng trống với mức giá rẻ hơn. Đây là cơ hội tốt để cá hồi khai thác tự nhiên quay lại một số thị trường châu Âu. Theo ước tính của Cục Khai thác thủy sản thương mại và giải trí Alaska (Alaska's Department of Fish and Game), khoảng 160,6 triệu con cá hồi được đánh bắt trong năm 2022; trong đó cá hồi sockeye chiếm 46% và cá hồi hồng (pink salmon) chiếm 41%.

Thị trường

Những thay đổi lớn trong nền kinh tế chính trị toàn cầu trong nửa đầu năm 2022 đã tác động mạnh đến ngành thủy sản, nhất là ngành sản xuất cá hồi. Cuộc chiến giữa Ukraine và Nga, các hoạt động bình thường mới (sau COVID-19) và tình hình kinh tế mới đã mang đến những thách thức về dịch vụ hậu cần, cùng với đó là tình trạng lạm phát cao, chi phí tăng, sức mua kém và nguồn cung thấp. Với việc mở cửa thị trường sau đại dịch COVID-19 và xu hướng toàn cầu tiêu dùng thực phẩm chất lượng và tốt cho sức khỏe đã giúp hoạt động xuất khẩu cá hồi của các nhà sản xuất chính được phục hồi.

Những thay đổi lớn đang được nhìn thấy ở các nước sản xuất cá hồi, chắc chắn sẽ tác động mạnh đến hoạt động sản xuất trong tương lai.

Tại Na Uy, chính phủ đã đề xuất trong năm 2023 áp dụng mức thuế mới 40% đối với các công ty nuôi cá hồi, cộng thêm mức thuế doanh nghiệp 22%, có nghĩa là nếu Quốc hội nước này xem xét và thông qua thì tổng thuế suất đối với doanh nghiệp nuôi cá hồi salmon và cá hồi trout sẽ tăng lên 62%. Và mức thuế tăng cao này được áp dụng cho khoảng 4.000 - 5.000 tấn cá, đồng nghĩa với việc các công ty nhỏ được miễn tăng thuế (do hạn chế về khối lượng), trái lại sẽ ảnh hưởng nặng nề đến thu nhập của các nhà sản xuất có lượng thu hoạch lớn. Chính phủ lập luận rằng sự bất bình đẳng gia tăng nên cần có sự phân bổ công bằng hơn các giá trị từ nguồn tài nguyên thiên nhiên quốc gia. Giá cổ phiếu của những người nuôi cá hồi Na Uy đã đồng loạt giảm một ngày sau thông báo. Các công ty quan trọng nhất của quốc gia này đang xem xét hủy bỏ hoặc thay đổi kế hoạch tăng trưởng của họ. Theo các nhà sản xuất hàng đầu, điều này thực sự bất ngờ đối với doanh nghiệp.

Cũng tại thời điểm này, Chính phủ Quần đảo Faroe đã gửi đề xuất tới Quốc hội nhằm tăng thuế lên 10% đối với thu nhập của các nhà sản xuất cá hồi nuôi. Đề xuất này bao gồm ba thay đổi đối với hệ thống thuế hiện tại: thay đổi thuế suất từ 3 lên 5; tăng ngưỡng giá cá hồi tại các thời điểm áp dụng từng mức thuế; liên kết ngưỡng giá cá hồi với chi phí sản xuất trung bình của ngành công nghiệp cá hồi Faroese.

Nông dân và nhà sản xuất Scotland đã phải đối mặt với nhiều thách thức trong 6 tháng đầu năm 2022, bao gồm tình trạng thiếu lao động do Brexit và hậu quả của đại dịch COVID-19, thời tiết xấu ảnh hưởng đến vụ thu hoạch và sự chậm trễ trong hoạt động hậu cần. Ngành thủy sản Scotland đã yêu cầu Chính phủ Scotland và Vương quốc Anh có hành động hỗ trợ ngành, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng cho nền kinh tế Anh, tạo việc làm và tăng doanh thu. Hiện Chính phủ Scotland đã công bố các biện pháp chiến lược đầu tiên để thúc đẩy ngành thủy sản Scotland phát triển, duy trì năng lực cạnh tranh quốc tế và thu hút nhân tài.

Tại Chile, người dân đã phản đối bản dự thảo các quy định mới về thủy sản do thiếu sự rõ ràng trong cách hành văn. Các nhà sản xuất cá hồi đánh giá là các quy định mới này sẽ tác động trực tiếp đến nền kinh tế đất nước, trong đó có cả các hoạt động sản xuất và xuất khẩu cá hồi. Một số người đoán rằng các trang trại cá hồi có thể bị yêu cầu dịch chuyển khỏi các khu bảo tồn biển. Nếu đúng như vậy thì theo ước tính sơ bộ, sự thay đổi này có thể ảnh hưởng tới 30% sản lượng cá hồi nuôi của Chile. Tuy nhiên, Chính phủ Chile  vẫn đang soạn thảo Luật Thủy sản mới và chưa khẳng định chắc chắn về sự thay đổi trong các quy định thủy sản.

Bất chấp nạn lạm phát với hậu quả là giá tăng trong những tháng gần đây, cá hồi vẫn là một trong những loại hải sản bán chạy nhất tại các siêu thị và cửa hàng tạp hóa của Mỹ. Theo IRI/210 Analytics, trong quý hai của năm 2022, doanh số bán hàng đã tăng 9,1%. Các chiến lược tiếp thị và truyền thông quan trọng từ các nhà bán lẻ lớn đã được triển khai nhằm quảng bá cả hai sản phẩm cá hồi khai thác và cá hồi nuôi. Nội dung tuyên truyền đa dạng, từ các bài thuyết trình đến việc phổ biến các lợi ích mà cá hồi đem lại cho sức khỏe con người...

Thương mại

Mặc cho những khó khăn về dịch vụ hậu cần và chi phí bị đội lên do hậu quả của dịch COVID-19, xung đột ở châu Âu và lạm phát cao, các quốc gia xuất khẩu chính vẫn báo cáo thương mại cá hồi tăng trong nửa đầu năm 2022.

Khối lượng sản xuất thấp hơn và nhu cầu ngày càng tăng đã khiến giá tăng vọt lên mức cao kỷ lục, góp phần đáng kể vào kỷ lục xuất khẩu cá hồi ở Na Uy trong nửa đầu năm 2022. 534.500 tấn cá hồi xuất khẩu trị giá 48,4 tỷ NOK, đồng nghĩa với việc giảm 5% về khối lượng nhưng tăng 37% về giá trị so với nửa đầu năm trước. Ba Lan, Pháp và Mỹ là những điểm đến quan trọng nhất của cá hồi Na Uy trong giai đoạn này. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu có mức tăng lớn nhất về giá trị chính là Pháp (+50%) và Ý (+62%).

Nếu xét về giá trị, xuất khẩu cá hồi trong tháng 6/2022 là cao nhất trong lịch sử xuất khẩu mặt hàng này (phá vỡ kỷ lục đã được lập trước đó vào tháng 12/2021). 87.800 tấn cá hồi được xuất khẩu, đạt trị giá 8,8 tỷ NOK (tương đương với tăng 41% về giá trị so với tháng 6 năm trước nhưng giảm 11% về khối lượng).

Xung đột Nga - Ukraine đã ảnh hưởng đáng kể đến một số mặt hàng xuất khẩu của Na Uy, chẳng hạn như cá hồi tươi xuất khẩu sang thị trường châu Á (do không phận Nga bị đóng cửa) gây ảnh hưởng đến các chuyến hàng xuất khẩu, khiến việc nhập khẩu vào Hàn Quốc giảm 18%, và Nhật Bản cũng giảm 20% về khối lượng. Hội đồng Thủy sản Na Uy (Norwegian Seafood Council - NSC) cho rằng việc tăng giá đã dẫn đến sự thay đổi trong hoạt động nhập khẩu ở một số quốc gia – chủ yếu nhập khẩu cá hồi để xông khói trước khi tái xuất. Ví dụ như lượng xuất khẩu cá hồi của Na Uy sang Ba Lan đã giảm 18%.

Ngoài ra, Na Uy còn xuất khẩu 23.800 tấn cá hồi trị giá 2,1 tỷ NOK đến các thị trường khác trong nửa đầu năm 2022; lần lượt giảm 5% về khối lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Mỹ, Thái Lan, Nhật Bản là những thị trường chính của cá hồi Na Uy xét về mặt giá trị. Trái lại, Belarus và Ukraine là những thị trường có giá trị sụt giảm.

Liên bang Nga đang xem xét tạm thời ngừng xuất khẩu một số loài cá hồi nuôi và trứng cá hồi, do sản lượng khai thác cá hồi giảm, điều này đã đẩy giá lên cao, đã giá tăng khoảng 28%. Cơ quan Thủy sản Liên bang Nga (Rosrybolovstvo) đang tìm cách đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước, được đưa vào các ưu tiên của Chính phủ và mọi vấn đề sẽ được tham vấn với các công ty và hiệp hội thương mại cá hồi Liên bang Nga.

Trong khi đó, xuất khẩu cá hồi của Chile cũng tiếp tục tăng trưởng bất chấp bức tranh toàn cầu khó khăn. Cá hồi Đại Tây Dương là sản phẩm xuất khẩu chính của ngành hàng này, chiếm 71,2% tổng giá trị, nghĩa là tăng 29,5% so với tháng 6 năm 2021 do có giá xuất khẩu tốt hơn. Nhìn chung, khoảng 242.997 tấn cá hồi đã được xuất khẩu, đạt trị giá 2.491 triệu USD, tương đương với giảm 9,4% về khối lượng. Bên cạnh đó, xuất khẩu cá hồi coho (coho salmon) và cá hồi vân tăng cả về giá trị và khối lượng. Các thị trường chính trên thế giới có nhu cầu cao và bền vững đối với cá hồi Chile đó là Brazil, Nhật Bản và Mỹ.

Tổng lượng nhập khẩu cá hồi của Mỹ là 238.960 tấn, trị giá 3.123 triệu USD trong nửa đầu năm 2022, thấp hơn một chút (-1,5%) về khối lượng nhưng tăng đáng kể (+25%) về giá trị so với 242.815 tấn, trị giá 2.494 triệu USD trong nửa đầu năm trước. Nhập khẩu từ Chile và Na Uy tăng cả về lượng và trị giá, trong khi lượng nhập khẩu từ Canada giảm nhưng giá trị nhập khẩu tăng.

Giá cả

Ước đoán nguồn cung cá hồi toàn cầu tăng trong nửa cuối năm 2022 gây áp lực giảm giá cá hồi Đại Tây Dương, nhưng tình hình sẽ thay đổi khi người mua bắt đầu tích trữ hàng hóa có giá thấp. Theo chỉ số cá hồi Nasdaq, cá hồi Đại Tây Dương nguyên con, tươi của Na Uy đã giảm từ 90,74 NOK (9,16 USD)/kg xuống còn 50,89 NOK (5,12 USD)/kg, sau đó tăng trở lại 56,02 NOK (5,18 USD)/kg. Giá phi lê cá hồi Đại Tây Dương tươi của Chile (FOB Miami) đã giảm từ 16,29 USD/kg xuống 12,82 USD/kg, sau đó cũng tăng lên 13,43 USD/kg.

Dự báo

Sự phát triển kinh tế toàn cầu khiến các nhà sản xuất chính rất kỳ vọng. Hậu quả tiêu cực sau đại dịch đã giảm dần. Theo dự báo của Kontali, nguồn cung cá hồi nuôi toàn cầu tăng khoảng 2% đến 3%, đạt 3,5 triệu tấn vào năm 2023.

Ước tính Chile đã xuất khẩu 6.000 triệu USD cá hồi trong năm 2022, đây sẽ là một kỷ lục mới cho ngành hàng này và tạo ra nhiều cơ hội phát triển hơn trong tương lai.

Tình hình tăng thuế, đặc biệt là đối với ngành công nghiệp Na Uy, sẽ là vấn đề cần phải theo dõi chặt chẽ vì nó có thể gây ra những biến động lớn đối với các nhà sản xuất chính. Thậm chí, có thể xảy ra các vụ thu hoạch sớm hơn dự kiến để tránh những thay đổi về thuế (nếu có). Tuy nhiên, các nhà phân tích nhấn mạnh rằng sẽ có sự biến động trên toàn thế giới ngay cả khi những quy định mới về thuế không được Quốc hội Na Uy chấp thuận.

Ngọc Thúy (theo FAO)

Ý kiến bạn đọc

Tin khác